Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:14

Ngày 20-7-2017, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 13 về  “cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông dân thành phố Hải Phòng giai đoạn 2017-2020 định hướng đến năm 2025. Trong đó, có nhiều cơ chế thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Song, theo phản ánh của các DN,  thành phố cần có cơ chế rõ ràng về đất đai.

 

Mô hình sản xuất hoa công nghệ cao của Công ty Châu Giang.

Từ năm 2015, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang mạnh dạn đầu tư xây dựng 2 nhà lưới trồng dưa theo công nghệIsraeltrên diện tích 7000 m2 đất ở xã Đông Sơn (huyện Thủy Nguyên). Mô hình thành công, năm 2016, công ty tiếp tục thuê thêm đất theo hình thức thỏa thuận với người dân để trồng các loại hoa ứng dụng CNC. Bước đầu, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Năm 2017, Nghị quyết 13 của HĐND thành phố được ban hành, trong đó có chính sách hỗ trợ DN đầu tư NNCNC, DN này  mạnh dạn đề xuất được thuê thêm 50 ha đất ở xã Đông Sơn để mở rộng quy mô sản xuất. Với diện tích này, DN đề nghị thành phố thực hiện giải phóng mặt bằng và giao đất. Bởi, nếu tự thỏa thuận với người dân, chi trả theo giá đất thị trường, số kinh phí bồi thường rất lớn, công ty không đáp ứng được. Bên cạnh đó, nếu để DN tự thỏa thuận với người dân, thỏa thuận với 10 người, chỉ cần 1 người không chấp thuận là không thành công, thời gian đàm phán kéo dài. Ngoài ra, người dân chỉ được cho thuê đất không quá 2 năm; chính quyền huyện cho thuê không quá 5 năm. Trong khi, việc đầu tư vào sản xuất NNCNC cần lâu dài. Cũng theo phản ánh của DN này, dù chính sách hỗ trợ của thành phố theo nghị quyết có nêu rõ ngân sách thành phố chi đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện dự án theo quy hoạch; DN, hợp tác xã nộp tiền thuê đất theo hợp đồng. Song, đến nay, DN chưa nhận được phương án cho thuê đất.

 

Tương tự, Công ty TNHH Sơn Trường tìm hiểu và muốn đầu tư lĩnh vực NNCNC. Song, qua tìm hiểu, điều khiến DN này ngại nhất là thủ tục liên quan đến đất đai. Theo ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường, chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất đúng. Tuy nhiên, để DN đầu tư khoản vốn lớn vào NNCNC, đòi hỏi phải được thuê đất lâu dài, do đó chính sách đất đai kèm theo phải phù hợp. Về phía công ty có thể thỏa thuận với người dân về việc giao đất, song để nhanh có đất là rất khó. Nếu chờ thủ tục giao đất theo đúng quy trình hiện nay, không biết đến bao giờ mới có đất để thực hiện dự án.

 

Việc xem xét để DN đầu tư NNCNC thuê đất theo hình thức nào cũng là vấn đề ngành chức năng thành phố còn lúng túng. Hiện, theo quy định có 3 hình thức thuê đất. Đó là, nhà nước giao đất cho DN; DN liên kết sản xuất với các hộ dân (DN đầu tư kinh phí, nông dân góp đất để cùng làm) và DN tự thỏa thuận mua hoặc thuê đất của người dân, nhà nước hỗ trợ làm thủ tục để DN tự thỏa thuận đền bù, giải tỏa mặt bằng. Trước kiến nghị của các DN, Sở Tài nguyên – Môi trường gợi ý DN nên dùng hình thức tự thỏa thuận với các hộ dân là tốt nhất. Bởi, nếu thực hiện theo hình thức nhà nước giao đất, tức là thành phố thực hiện đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, giá đất đền bù hiện nay theo quy định thấp hơn với giá thị trường, nên rất khó nhận được sự đồng thuận của người dân khi triển khai thu hồi. Tuy nhiên, các DN không đồng ý với phương án này, tiếp tục đề nghị thành phố nghiên cứu phương án hợp lý, hiệu quả hơn.

Tại các cuộc làm việc với DN có dự án đầu tư NNCNC trên địa bàn thành phố, đồng chí Phạm Văn Hà, Phó chủ tịch UBND thành phố khẳng định, đây là việc mới nên trong quá trình thực hiện khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở kiến nghị của các DN, thành phố giao ngành chức năng nghiên cứu, điều chỉnh phương án hợp lý.

 

Hà Minh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao: Vẫn ngại thủ tục về đất đai
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác