Print Chủ Nhật, 21/04/2019 09:57

Đến nay giá xăng trong nước đã tăng hơn 17%. Điều này đã và đang tạo áp lực lớn đối với giá cả hàng hoá, dịch vụ và đặc biệt là gánh nặng đối với người tiêu dùng.


Chi phí đầu vào tăng cao

Bà Ngô Minh Quyên, đại diện Công ty CP dịch vụ giao nhận vận tải quốc tế cho biết, giá xăng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất và chiếm tới khoảng 40% chi phí. Chỉ trong 15 ngày mà giá xăng, dầu 2 lần tăng mạnh đã tác động rất lớn tới doanh nghiệp (DN) vận tải. 

Theo đó, chi phí đầu vào tăng, nhưng DN chưa tăng được giá và hiện vẫn đang bù lỗ cho khách hàng, lợi nhuận giảm mạnh. Công ty đã có thông báo với khách hàng về việc điều chỉnh giá cước dịch vụ vận tải khi có biến động về giá xăng dầu, nhưng một số tuyến khách hàng chưa chấp nhận điều chỉnh, khi giá xăng dầu tăng mạnh quá sức chịu đựng của DN thì sẽ tính toán nâng giá dịch vụ từ những hợp đồng sau.

Bà Trần Thị Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HMC Việt Nam cho biết, điện, xăng tăng giá mạnh tác động trực tiếp tới người dân và nhà sản xuất. Theo đó, sẽ tác động vào tháng tới, giá xăng vừa tăng DN không thể “đu” theo để tăng giá bán mà phải tuân theo hợp đồng đã ký kết. Với các DN vận tải cũng vậy, tuy nhiên trong thời gian tới với những hợp đồng mới giá chắc chắn sẽ tăng. 

Với hoạt động XNK thì DN cũng rất khó tăng giá với đối tác nên cần có sự đàm phán với nhiều đối tác để cân đối chi phí và giá hợp lý còn có sức cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan và Philippines. Hiện nay, chi phí vận chuyển 1 container từ Sơn La tới Hải Phòng mất gần 15 triệu đồng. Chưa kể cộng thêm các khoản chi phí, phí khác.

Trao đổi với PV Báo CAND, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, nhiên liệu xăng dầu chiếm 35-40% giá thành, nếu xăng dầu tăng giá mạnh mà DN vận tải không điều chỉnh giá thì sẽ lỗ nặng.

Theo ông Liên, việc tăng giá, điều chỉnh giá cước vận tải không hề đơn giản, liên quan tới rất nhiều khâu, chứ không phải DN muốn nâng là được nâng. “Giá xăng dầu tăng mạnh trong 15 ngày vừa qua nhưng giá vé xe vẫn được giữ ổn định. Các nhà xe chưa dám tăng giá vé. Gặp các chủ xe ai cũng thở dài ngao ngán vì chi phí tăng mạnh mà giá vẫn không tăng được, khách không có. Đây là thời kỳ cạnh tranh gay gắt và khó khăn của DN vận tải”, ông Liên chia sẻ.

Trong khi đó, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty SaigonFood cho biết, mới đây công ty đã nhận được báo giá mới của các sản phẩm nguyên phụ liệu như bao bì, nguyên liệu nhập khẩu. 

Để tăng giá bán ra, doanh nghiệp phải tính toán cân đối lại nhiều thứ, từ các sản phẩm cùng loại trên thị trường đến hoạt động sản xuất, mức tiêu thụ… “chúng tôi đang rất đau đầu để đưa ra mức tăng như thế nào cho hợp lý cũng như thời điểm tăng phù hợp, ít tác động nhất đến người dùng hay lượng hàng bán ra. Để tăng giá bán, công ty phải thông báo cho các đối tác, các điểm bán lẻ từ 1 đến 2 tháng và thời gian đó mình phải gánh hết mọi chi phí đầu vào đã tăng”, bà Lâm chia sẻ.

Tuy nhiên, đến nay, một số công ty sữa đã thông báo giá bán lẻ các loại sữa tăng thêm khoảng 5% so với giá trước đó. Ngoài ra, các sản phẩm khác như xi măng, sắt thép cũng đã có một đợt điều chỉnh từ cuối tháng 3 đến nay. 

Theo đó, giá sắt thép xây dựng tăng 100.000-200.000 đồng/tấn, xi-măng tăng 20.000-50.000 đồng/tấn tùy DN như Công ty Xi-măng Hoàng Thạch, Công ty CP Xi-măng Hà Tiên 1, Công ty CP Xi-măng Bút Sơn, Công ty CP Xi-măng Vicem Hoàng Mai…

Các mặt hàng tại những siêu thị đang thực hiện chương trình bình ổn giá thì chưa có biến động về giá.

Siêu thị vẫn giữ giá ổn định

Tại một số chợ ở Hà Nội thì hiện nay đa số các mặt hàng giá vẫn được giữ ổn định, một số mặt hàng được điều chỉnh tăng nhẹ trung bình từ 1000-3000 đồng tuỳ loại; giá thịt lợn đã bắt đầu tăng hơn trước trong khi đó mặt hàng trứng gia cầm đang giảm mạnh. 

Theo chị Nguyễn Thị Trinh-buôn rau củ quả ở Hà Đông – cho biết, hàng hoá về chợ đầu mối tăng không đáng kể, thường xăng dầu tăng giá thì khoảng sau 1 tuần sẽ tác động tới giá về chợ, vì giá cước vận tải cần có sự đàm phán giữa các đầu mối và thương lái. Tuy nhiên, với mức tăng giá xăng mạnh như hiện nay thì việc tăng giá là điều khó tránh khỏi. Tăng giá đầu vào thì chắc chắn tăng giá bán, hàng hoá sẽ lên theo, và người cuối cùng chi trả là người tiêu dùng.

Trong khi đó, ghi nhận của PV tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội và một số cửa hàng tiện lợi cho thấy, hàng hoá vẫn được giữ ổn định, một số hàng hoá tăng nhẹ. Tại các siêu thị đang thực hiện các chương trình bình ổn giá thì hiện các mặt hàng chưa có biến động về giá vì hiện tại hàng hóa bán ra đang còn nằm trong các hợp đồng đã ký mua và có hợp đồng vận chuyển trước đó. 

“Cho đến ngày 20-4, Coopmart vẫn chưa có phương án cụ thể về việc tăng giá các mặt hàng, mặc dù từ đầu tháng 4 siêu thị nhận được nhiều thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp ngành hàng thực phẩm công nghệ, đặc biệt là nhóm hàng sữa, hàng đông lạnh, hàng lạnh như kem…”, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Coopmart Hà Nội cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng tăng mạnh trong hai kỳ điều hành trong tháng 4, cộng với việc tăng giá điện vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2019. 

Đáng lo ngại hơn là việc tăng giá xăng dầu ngày 17-4 có thể khiến giá nhiều mặt hàng không thể níu giữ được nữa, buộc phải tăng theo. Vì vậy, công tác điều hành giá cần phải theo dõi kỹ lưỡng và thận trọng hơn. Đặc biệt, việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, sách giáo khoa, tăng lương cơ sở… cần được cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và mức độ để tránh tạo kỳ vọng lạm phát.

Lưu Hiệp

Nguồn: Báo CAND

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Doanh nghiệp “đau đầu” cân nhắc tăng giá
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác