Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tại Hải Phòng: Bảo đảm hiệu quả quản lý vốn doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần hóa

Ngày 4-1, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là trưởng đoàn làm việc với Uỷ ban nhân dân thành phố về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Đón tiếp và làm việc với Đoàn giám sát, về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Đình Bích, Phó chủ tịch Thường trực HĐND thành phố; Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố; Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; lãnh đạo các ngành liên quan…


Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố thông tin với đoàn giám sát một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của Hải Phòng năm 2017, đặc biệt là một số thành tựu nổi bật như tăng trưởng GRDP, thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thực hiện các dự án trọng điểm… Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, các nội dung theo yêu cầu của đoàn giám sát được UBND thành phố giao cho các ngành, đơn vị liên quan chuẩn bị kỹ và mong nhận được nhiều ý kiến tham gia của các thành viên trong đoàn.

Báo cáo Đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng nêu rõ: hệ thống chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và CPH DNNN được ban hành khá đầy đủ nhưng còn nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể là những vướng mắc trong xác định giá trị  doanh nghiệp, xử lý đất đai khi cổ phần hoá, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược… Vì vậy, Quốc hội cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong hệ thống chính sách pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để CPH thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Thời gian qua, Hải Phòng tích cực thực hiện CPH DNNN, đến nay chỉ còn 11 DNNN; 16 doanh nghiệp UBND thành phố có vốn góp. Giai đoạn 2011- 2016 thành phố cổ phần hoá 12 doanh nghiệp. Thành phố cũng xây dựng kế hoạch thực hiện thoái vốn ở một số doanh nghiệp đã CPH còn phần vốn nhà nước. Nhìn chung, việc quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm chặt chẽ, thực hiện đúng quy định. 10/12 doanh nghiệp sau CPH hoạt động hiệu quả, có sự tăng trưởng nhất định. Hải Phòng có nhiều nỗ lực, cố gắng và có quyết tâm chính trị rất cao, kiên quyết CPH và thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các DNNN không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Tuy nhiên, Hải Phòng cũng gặp nhiều vướng mắc về quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp do các bộ, ngành chậm xây dựng hệ thống tiêu chí an toàn về mặt tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh để làm cơ sở cho giám sát, quản lý Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như xử lý các hành vi vi phạm về báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Công tác CPH doanh nghiệp công ích cũng gặp không ít khó khăn do kinh doanh đa ngành nghề, tình hình tài chính, đất đai rất phức tạp nên cần nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Ngoài ra, còn có tư tưởng không muốn chuyển sang CPH của một bộ phận cán bộ, người lao động…

Từ thực tế đó, Hải Phòng tiếp tục xây dựng kế hoạch sắp xếp, quản lý DNNN và thực hiện CPH.

Các thành viên Đoàn giám sát đặt nhiều câu hỏi và yêu cầu UBND thành phố làm rõ về việc CPH doanh nghiệp công ích còn chậm; nhiều DNNN lợi nhuận quá thấp, tài sản đất đai nắm giữ lớn nhưng nộp ngân sách và thu nhập người lao động không cao. Một số doanh nghiệp sau khi CPH doanh thu, hiệu quả giảm…



Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Hải Phòng.

Ảnh: Hoàng Phước


Kết luận cuộc giám sát, đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ sự ấn tượng trước những thành tích nổi trội của Hải Phòng thời gian qua, đóng góp tích cực vào sự phát triển của cả nước. Đồng chí ghi nhận, các nội dung Hải Phòng chuẩn bị theo yêu cầu của Đoàn giám sát rất cụ thể, chi tiết, phản ánh đúng tình hình thực tế hiện nay và cả những hạn chế, khó khăn mà Hải Phòng và nhiều địa phương khác đang phải tháo gỡ. Hải Phòng thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Chính phủ về thoái vốn, CPH DNNN, bảo đảm theo lộ trình, chặt chẽ về thủ tục, không để thất thoát vốn Nhà nước. Tuy nhiên, còn một số vấn đề đoàn giám sát băn khoăn là lợi nhuận của DNNN chưa tương xứng với vốn Nhà nước và tài sản, nhất là đất đai đang nắm giữ. Do đó, thời gian tới, Hải Phòng cần có các giải pháp tích cực để khắc phục. Ngoài ra, đối với 3 doanh nghiệp Nhà nước hiện lỗ lớn cần sớm có cách xử lý thấu đáo. Đồng chí Vũ Hồng Thanh cơ bản nhất trí với giải trình, phân tích của Hải Phòng về việc chưa CPH một số doanh nghiệp công ích. Tuy nhiên, Hải Phòng CPH nghiên cứu sớm chuyển đổi các doanh nghiệp này theo mô hình phù hợp, nhất là trường hợp Công ty Quản lý kinh doanh nhà. Đồng chí mong muốn, qua cuộc làm việc, thành phố Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện các nội dung, dẫn chứng rõ ràng, đề xuất kiến nghị cụ thể để đoàn giám sát tổng hợp chung báo cáo Quốc hội. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, Hải Phòng có biện pháp quyết liệt hơn, thực hiện đúng lộ trình thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch. Một số vấn đề vướng mắc trong CPH doanh nghiệp công ích của Hải Phòng được đoàn giám sát ghi nhận và có ý kiến để cùng tìm ra hướng giải quyết phù hợp nhất, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và giữ vững chất lượng phục vụ nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát. Thời gian tới, thành phố sẽ quan tâm nhiều hơn trong lãnh đạo chỉ đạo để nâng cao trách nhiệm của người được cử nắm giữ phần vốn Nhà nước trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả; thực hiện nghiêm túc lộ trình thoái vốn Nhà nước và CPH.

*Trước đó, đoàn giám sát làm việc tại 2 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải và Công ty CP cấp nước Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo các ngành liên quan cùng dự.

Đoàn giám sát nghe các doanh nghiệp báo cáo cụ thể về các vấn đề liên quan tới quản lý tài sản, vốn Nhà nước cũng như những hiệu quả sau CPH và một số khó khăn, vướng mắc; đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới quyền lợi của người lao động sau CPH; quản lý đất đai; cách hạch toán phần dịch vụ công ích và phần kinh doanh thương mại…

(Báo Hải Phòng Online 05/1/2018)

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More