Đoàn ĐBQH mà xin địa phương kinh phí để giám sát ở địa phương thì rất khó!

Sáng 29-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Tại tổ 8, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Quý (Hưng Yên) đề cập thực trạng tại sao chúng ta khó quy hoạch đại biểu chuyên trách về Quốc hội. Nhiều đồng chí công tác ở các bộ ngành được quy hoạch về làm Phó Chủ nhiệm “vẫn nằng nặc xin ở lại”.

“Bên cạnh đó, đối với các nước phát triển, khi được bầu là nghị sỹ chuyên nghiệp rồi mà hoạt động chuyên trách thì thấy rất vinh dự, thấy có sự hăng say, gắn bó lâu dài. Nhưng ở nước ta không đạt được suy nghĩ như vậy, rất nhiều đồng chí là ĐBQH chuyên trách ở Trung ương và địa phương đều mong muốn được chuyển sang công tác ở vị trí khác”, ông nói.

Từ hai câu chuyện thực tế ấy, ĐBQH Trần Văn Quý đề nghị Quốc hội cần suy nghĩ thế nào để khi sửa Luật Tổ chức Quốc hội thì những người là ĐBQH hoạt động chuyên trách sẽ có nhiệt tình, tâm huyết, gắn bó hơn. “Qua nghiên cứu tôi thấy Luật này dường đang thụt lùi so với Luật hiện hành, nhất là vai trò, vị thế của Đoàn ĐBQH và của ĐBQH”, đại biểu lo ngại.

ĐBQH Trần Văn Quý thảo luận tại tổ, sáng 29-10

 

Về cụ thể, ĐBQH tỉnh Hưng Yên nhận thấy, Điều 43 quy định Trưởng đoàn và Phó trưởng Đoàn ĐBQH hết sức chung chung. “Hiện tại, Trưởng đoàn chắc chắn phải là lãnh đạo địa phương, Phó đoàn là cấp uỷ viên. Nếu quy định chung chung hư thế này thì các đại biểu được bầu ở địa phương ai cũng có thể làm Trưởng, Phó đoàn vì không xác định rõ. Do đó, nên sửa Trưởng đoàn phải là lãnh đạo cấp uỷ tỉnh, Phó đoàn phải là cấp uỷ hoạt động chuyên trách cho địa phương”, ông phân tích.

Ông cho rằng, ở địa phương đang có câu chuyện để tìm người hăng say, làm Phó đoàn ĐBQH chuyên trách rất khó và Quốc hội cần nhìn thẳng thực tế này. Đồng thời đề nghị phải coi ĐBQH là một bộ phận của Quốc hội đặt tại địa phương chứ không phải là cơ quan của địa phương như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Quốc hội lần này.

Đồng quan điểm, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đề nghị, về Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách ở các địa phương, vấn đề địa vị pháp lý phải rõ. Theo ông, thời gian qua có nơi đương nhiên các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh uỷ nếu qua thì sẽ được bố trí làm Trưởng đoàn điều hành chung, còn 1 đồng chí Phó đoàn chuyên trách mặc dù là “luật bất thành văn” nhưng phải là Tỉnh uỷ viên. Có trưởng hợp không phải là Tỉnh uỷ viên thì cũng phải tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để bổ sung các đồng chí này vào tỉnh uỷ.

“Nhưng điều đó không có trong văn bản chi đạo nào “cứng” của Đảng, cho nên có địa phương quá trình quy hoạch làm chặt chẽ, có địa phương không làm chặt chẽ nên phát sinh nhiều hệ luỵ, dẫn đến nỗi niềm như a Quý có nêu”, đại biểu lý giải.

Tán thành với việc phải sửa đổi, bổ sung một số điều Luật tổ chức Quốc hội nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 18 của Trung ương và Nghị quyết số 56 của Quốc hội khoá XIV, song ĐBQH Võ Đình Tín (Đắk Nông) cũng cho rằng sửa luật là để tổ chức Quốc hội mạnh lên và phải phù hợp chủ trương của Đảng và Quốc hội.

Ông bày tỏ phân vân khi việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo về dự án Luật còn chừng mực. “Trong luật này hiện nay vị trí, địa vị pháp lý của ĐBQH chuyên trách chưa phân định rõ ràng. Các chế độ, chính sách kèm theo cho đại biểu chưa cụ thể. Nhất là vị trí pháp lý của các đồng chí trưởng, phó đoàn ở tỉnh và các Uỷ ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội”, đại biểu nêu.

Về vấn đề kinh phí hoạt động, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định theo hướng, chính quyền địa phương cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí trụ sở làm việc, bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho Đoàn ĐBQH tại địa phương.

ĐBQH Trần Văn Quý cho rằng, nếu Đoàn ĐBQH mà xin kinh phí để giám sát ở địa phương thì rất khó. Do đó đề nghị theo cơ chế tài chính như luật hiện hành, không có vấn đề gì phát sinh trong thực tiễn thì nên tiếp tục áp dụng.

“Tôi cũng cho rằng, về kinh phí hoạt động nếu quy định như khoản 1 Điều 101 thì vai trò, vị thế của Đoàn ĐBQH ở các tỉnh có hạn chế. Tôi thống nhất với đại biểu Quý, chúng ta đi xin địa phương tiền để thực hiện chức năng giám sát lại ở địa phương thì rất khó, vì kinh phí hạn hẹp, không thể thực hiện việc giám sát theo chương trình của Quốc hội và chương trình của các Đoàn ĐBQH ở các tỉnh”, ĐBQH Võ Đình Tín bày tỏ quan điểm.

Ông nhận định, kinh phí thực hiện giám sát hay tiếp xúc cử tri, tiếp công dân hàng năm rất lớn. Nếu giao cho địa phương thì liệu địa phương có đảm bảo nguồn kinh phí này cho các Đoàn ĐBQH thực hiện các chức năng ấy hay không? Do đó đề nghị Quốc hội quy định ngân sách đảm bảo hoạt động của Đoàn ĐBQH ở địa phương…

A.Quỳnh – T.Minh

Nguồn: Báo CAND

Nguồn tin: Báo CAND

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More