Print Thứ năm, 02/06/2022 18:00 Gốc

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 2/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2022.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.

Đại biểu Lã Thanh Tân đồng tình với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo. Để góp phần cho giải pháp tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, đại biểu kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm đối với các cơ chế, chính sách về xử lý chất thải sinh hoạt đô thị với mấy nội dung như sau:

1. Các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 đặt mục tiêu tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%.

Hiện nay, mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (hay theo cách gọi thường dùng là rác thải). Trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60% và theo dự báo đến năm 2025 thì tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm từ 10-16%/năm.

Trong khi điều kiện hệ thống công tình hạ tầng đô thị chưa được phát triển đồng bộ, trình độ, năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, thì vấn đề về xử lý chất thải sinh hoạt đã và đang làm phát sinh nhiều áp lực đối với môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng. Thực tế tại một số tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng người dân tập trung phản đối ngăn chặn xe chở rác, không cho xe chở rác vào các bãi chôn lấp… do tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu vực lân cận bãi chôn lấp rác như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, côn trùng… Vì vậy, áp lực về xử lý rác sinh hoạt ngày càng lớn.

Đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố phát biểu thảo luận tại Hội trường.

2. Hiện nay các tỉnh, thành và cả các doanh nghiệp đang dành rất nhiều quan tâm cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt (do các bãi chôn lấp rác đã đầy, việc mở rộng các bãi chôn lấp này gặp nhiều khó khăn vì không nhận được sự ủng hộ đồng thuận của người dân địa phương). Vì vậy, việc triển khai áp dụng các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo công nghệ hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và thay thế dần biện pháp chôn lấp là hết sức cấp bách.

Nhưng có một thực tế đang gặp phải là tình trạng “Loạn công nghệ” xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp, các công ty môi trường vốn Nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt nhưng hiệu quả là rất hạn chế và lãng phí nguồn lực nhà nước.

Vì vậy, rất cần có sự hướng dẫn của Bộ, ngành về các giải pháp công nghệ để các địa phương xem xét, lựa chọn phù hợp với điều kiện địa phương mình.

3. Vấn đề tiếp theo là đơn giá xử lý rác: Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BXD ngày 15/5/2017 về hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy vậy vẫn chưa cụ thể, dẫn đến mỗi địa phương áp dụng khác nhau; mỗi công nghệ khác nhau thì giá cũng có sự khác nhau. Giá đốt rác phát điện cũng gặp vấn đề tương tự, rất khó tính toán để làm sao có hành lang giá cho việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Vì vậy, đại biểu đề xuất xây dựng đơn giá cụ thể theo hướng:

. Với hình thức chôn lấp rác thải sinh hoạt (đất đai, hạ tầng do Nhà nước đầu tư) thì phải xây dựng 01 loại đơn giá xử lý riêng.

. Với hình thức đốt rác thông thường (không phát điện) có suất đầu tư thấp, đây là loại hình công nghệ đã lạc hậu tuy được các đơn vị tại Việt Nam áp dụng cải tiến, nhưng đến nay hiệu quả là không cao, hiệu quả đốt thấp, gây ô nhiễm môi trường… thì cũng phải xây dựng 01 loại đơn giá xử lý riêng.

. Với hình đốt rác phát điện hiện đại: Có suất đầu tư rất lớn, xử lý triệt để được các vấn đề gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường, các tiêu chuẩn khí thải… đạt tiêu chuẩn Châu Âu thì cần phải có 01 đơn giá xử lý cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhà đầu tư.

Vì vậy, đại biểu Lã Thanh Tân rất mong các Bộ, ngành chức năng sớm có sự hướng dẫn cụ thể về đơn giá xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt với loại hình xử lý rác thải sinh hoạt theo hình thức đốt rác phát điện.

4. Về thủ tục hành chính: Một trong những công nghệ hiện nay được nhiều tỉnh, thành và nhà đầu tư quan tâm là xử lý rác thải sinh hoạt phát điện, nhưng với vốn đầu tư cho một nhà máy xử lý rác thải phát điện hiện đại là rất lớn, lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này, tuy nhiên, khi tìm hiểu về quy trình, thủ tục đầu tư thì thấy rằng trình tự, thủ tục còn rất phức tạp, kéo dài; bên cạnh đó còn nhiều chồng chéo, chưa có sự thống nhất trong các quy định của pháp luật về đấu thầu, đất đai, xây dựng, đầu tư… Nhất là quy trình về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư chưa cụ thể, còn nhiều vướng mắc.

Vì vậy, rất cần Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành quan tâm rà soát, tháo gỡ để thu hút được các nhà đầu tư tham gia, góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường bền vững đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra.

5. Việc xử lý rác thải sinh hoạt được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Qua tìm hiểu và được biết rằng với năng lực hiện tại có rất nhiều Tập đoàn lớn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực tài chính, năng lực trí tuệ, kinh nghiệm sử dụng công nghệ hiện đại cho các dự án xử lý rác thải sinh hoạt tại Việt Nam (hiện nay công nghệ đốt rác phát điện đã được áp dụng rộng khắp trên toàn thế giới với hàng nghìn nhà máy đang hoạt động, trong đó có nhiều nhà máy áp dụng công nghệ xử lý rác tương tự như rác thải sinh hoạt tại Việt Nam, nên việc tiếp cận, chuyển giao công nghệ đối với các Nhà đầu tư có năng lực là rất thuận tiện). Vì vậy, đại biểu nghĩ rằng cần có chính sách khuyến khích và đặc biệt ưu tiên cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước có năng lực trong lĩnh vực này.

Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, hiện nay tại một số tỉnh, thành đã có các dự án nhà máy đốt rác phát điện, nhưng hầu hết là do doanh nghiệp nước ngoài (mà phần lớn là từ Trung Quốc) làm chủ đầu tư. Chỉ duy nhất dự án Nhà máy điện rác SERAPHIN của Tập đoàn AMACCAO có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng đang xây dựng tại Sơn Tây, Hà Nội là của nhà đầu tư trong nước.

Đại biểu cho rằng với những loại hình dự án dịch vụ công, nguồn thanh toán từ ngân sách Nhà nước: Nếu nhà đầu tư trong nước đảm bảo đủ năng lực cạnh tranh được thì nên có chính sách đặc biệt ưu tiên cho họ thực hiện. Điều này vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận, áp dụng và tiến tới làm chủ công nghệ hiện đại, vừa mang lại nguồn thu để tái đầu tư và đảm bảo an ninh về môi trường.

Đặc biệt, những ngành nghề này còn mở ra cơ hội và tạo ra lợi ích lâu dài cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo trong nước phát triển và nhiều lợi ích khác khi các dự án này có nhà đầu tư là doanh nghiệp Việt Nam.

LHT

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác