Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo các ngành, đơn vị và đại biểu cử tri huyện Kiến Thuỵ. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 18 điểm cầu tại các xã trên địa bàn huyện.
Kỳ họp xem xét nhiều nội dung quan trọng
Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng báo cáo cử tri dự kiến nội dung kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15.
Theo đó, kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 20-5, bế mạc ngày 28-6, được chia làm 2 đợt và họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến vào 11 dự án luật khác. Xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Đồng chí Lã Thanh Tân cũng thông tin về những kết quả phát triển KTXH, QPAN 4 tháng đầu năm. Theo đó, đất nước và thành phố vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng, nhiều chỉ tiêu phát triển vượt bậc so với cùng kỳ năm 2023. Tinh thần chung là nỗ lực, cố gắng cao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 và cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp tục có sự đổi mới sâu sắc, toàn diện, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả đối với các nội dung của kỳ họp, nhất là tham gia vào các dự án luật; tiếp xúc cử tri; giám sát… Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được Đoàn tổng hợp gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Nhiều ý kiến đã được trả lời, làm rõ và đăng tải công khai để cử tri và nhân dân được biết.
Đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển KTXH
Cử tri huyện Kiến Thụy bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển của thành phố và đất nước trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả đó thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng; các quyết sách của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ. Đặc biệt, thành phố Hải Phòng có sự phát triển vượt bậc, nằm trong top đầu cả nước.
Cử tri đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng quyết liệt của Đảng, Nhà nước, với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn đồng thuận cùng thực hiện các mục tiêu phát triển. Cử tri cũng đồng tình cao với nội dung kỳ họp thứ 7, kỳ vọng kỳ họp sẽ thành công với nhiều quyết sách quan trọng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển.
Tuy nhiên, cử tri cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về sự bất ổn chính trị; xung đột quân sự tại một số khu vực trên thế giới; tình hình biển Đông vẫn diễn biến khó lường; tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới sự phát triển của thành phố và đất nước.
Góp ý vào các nội dung cụ thể, cử tri huyện Kiến Thuỵ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, đặc biệt là Nghị định quy định chi tiết về giá đất và các phương pháp định giá đất để cụ thể hoá nguyên tắc định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm giá đất tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án không có sự chênh lệch nhau quá lớn, góp phần tạo sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi, đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án.
Theo cử tri, một số chính sách phát triển nông nghiệp còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, việc tiếp cận các chính sách gặp nhiều khó khăn do nhiều thủ tục, căn cứ pháp lý của công dân (nhất là căn cứ chứng minh về quyền sở hữu, sử dụng đất nông nghiệp) chưa chặt chẽ. Chính sách thuế chưa có sự gắn kết với chính sách kinh tế khác trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, chuyên môn hóa. Chính sách tín dụng, bảo hiểm phụ thuộc vào quy mô sản xuất nên đối tượng được thụ hưởng chưa nhiều. Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, chưa đủ sức hấp dẫn đầu tư,… Chủ trương về tập trung tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp khi triển khai trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn do chưa có văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa để triển khai thực hiện.
Vì vậy, để các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp phát huy hiệu quả, cần rà soát, đánh giá hiệu quả từng chính sách cũng như tác động tổng thể của các chính sách đến quá trình phát triển nông nghiệp để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện kịp thời góp phần đưa chính sách vào cuộc sống. Đồng thời một số chính sách cần phải được cụ thể hóa trong các văn bản Luật như chính sách về tích tụ, tập trung ruộng đất…
Cử tri đặt câu hỏi, việc lắp dựng nhà kính, nhà lưới, các trang thiết bị để phục vụ sản xuất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao thì được thực hiện trên loại đất nông nghiệp nào; có được thực hiện trên đất trồng lúa khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng không?
Cử tri phản ánh, liên quan tới thủ tục hành chính về môi trường thực hiện các dự án, một số điều khoản của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, phạm vi áp dụng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Cử tri còn băn khoăn một số vấn đề khi sắp xếp đơn vị hành chính. Cụ thể, sau khi sáp nhập 3 xã, địa bàn rộng, trụ sở Trung tâm không đáp ứng yêu cầu do số lượng đảng viên sau sắp xếp lớn (844 đảng viên thuộc Đảng bộ), đơn vị hành chính mới chỉ được xác định là loại 2; thời gian giải quyết thủ tục hành chính có phần lâu hơn do lượng giao dịch nhiều hơn, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến nhân thân (CCCD), các thủ tục liên quan đến đất đai, BHXH, BHYT…
Cùng với đó, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư nhiều sau khi sáp nhập; cùng với việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nên còn khó khăn trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức.
Cử tri đề nghị các Bộ, Ban, ngành Trung ương cần có các chính sách riêng hỗ trợ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách khi nghỉ việc, thôi không tham gia công tác (nhất là đội ngũ cán bộ thuộc lĩnh vực đoàn thể, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong độ tuổi lao động có thời giam tham gia BHXH mới từ 5-7 năm). Đồng thời đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét nên khuyến khích các địa phương nhập 3 đơn vị hành chính trở lên, còn lại chỉ cần nhập 2 đơn vị hành chính là phù hợp.
Cử tri cũng có một số ý kiến trong lĩnh vực Giáo dục Đào tạo, Y tế…, đề nghị Bộ giáo dục có hướng dẫn cụ thể đối với mô hình trường liên cấp.
Cử tri huyện Kiến Thụy đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo Luật như Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi; Luật Thuế Giá trị gia tăng; Luật Trật tự an toàn giao thông; Luật đường bộ; Luật quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Đấu giá tài sản; Luật Công chứng sửa đổi…
Đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển
Đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, đồng chí có nhiều cảm xúc khi được trở về Hải Phòng, gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thành phố, nơi đồng chí có thời gian giữ chức vụ Bí thư Thành ủy. Đồng chí trân trọng cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri đối với tình hình KTXH, QPAN của đất nước và thành phố, khẳng định đây là những ý kiến rất xác đáng, sẽ được tổng hợp để các ngành chức năng xem xét, xử lý.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột giữa Nga- Ucraina; xung đột Israel – Hamas… đang tác động không nhỏ tới cả thế giới và Việt Nam cũng bị ảnh hưởng (tình hình xuất nhập khẩu, giá vàng…). Cùng với đó là thiên tai, thời tiết diễn biến khó lường; thể chế, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, đang trong quá trình tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, tình hình KTXH của cả nước tiếp tục ổn định, tăng trưởng là đáng ghi nhận. Đặc biệt, Hải Phòng vẫn vươn lên với sự đổi thay rõ nét, sự bứt phá trong nhiều lính vực; một số chỉ tiêu KTXH nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng phải giữ được sự đoàn kết, nhất trí; chuẩn bị chu đáo các công việc cho đại hội Đảng các cấp, nhất là về định hướng, mục tiêu phát triển, công tác nhân sự… Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm tập thể và vai trò quyết đoán của người đứng đầu, tập trung phát triển kinh tế gắn với giải quyết thấu đáo các vấn đề xã hội, chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, bảo đảm ASXH, phúc lợi xã hội, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng thành quả do phát triển kinh tế mang lại.
Đồng chí Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hải Phòng tập trung cao cho công tác bảo đảm ANTT; chuyển đổi số; sắp xếp đơn vị hành chính…
Về huyện Kiến Thụy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, địa phương đang có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển, nhất là sau khi hoàn thành tuyến đường bộ ven biển; thành lập các KCN mới; các khu đô thị mới… Đồng chí mong muốn huyện Kiến Thụy tiếp tục phát huy ý chí vươn lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng trân trọng tiếp thu các ý kiến của cử tri, đồng thời giao lãnh đạo các ngành Nội vụ, Y tế, Nông nghiệp và PTNT trực tiếp trả lời tại chỗ những vấn đề cử tri quan tâm thuộc thẩm quyền của thành phố. Những nội dung còn lại sẽ được Đoàn tổng hợp báo cáo Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương giải quyết.
Đồng chí Bí thư Thành ủy trân trọng tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và khẳng định, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn; giữ vững bản lĩnh, kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu phát triển, phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2024 và cả nhiệm kỳ.
Đồng chí Bí thư Thành ủy làm rõ một số kết quả phát triển KTXH, QPAN của Hải Phòng 4 tháng đầu năm 2024; chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Đồng thời nêu rõ 7giải pháp chủ yếu trong thời gian tới.
Cụ thể, thành phố sẽ sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, gắn với tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, điều động, luân chuyển và đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhằm chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Cùng với đó, tập trung thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện các công trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch Hải Phòng và Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà; khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng; thành lập thành phố Thủy Nguyên; quận An Dương; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…
Đồng thời, tiếp tục CCHC; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các đề án: xây dựng chính quyền đô thị; điều chỉnh địa giới hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ, tạo môi trường sống an bình, văn minh, thân thiện.
Đồng chí Bí thư Thành ủy mong muốn cử tri, nhân dân huyện Kiến Thụy nói riêng, thành phố Hải Phòng nói chung tiếp tục chung sức, đồng lòng, hiện thực hóa khát vọng phát triển Hải Phòng./.
Hồng Thanh
Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…
Huyện Thủy Nguyên vừa thông tin trụ sở các đơn vị hành chính khi sắp…
Sau 10 ngày diễn tập với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, chiều 27/12,…
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với…
Vũ Hoàng Oanh là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp thực…
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy và thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More