Print Thứ Bảy, 26/01/2019 19:59

Đoàn Cải lương Hải Phòng vừa ra mắt vở diễn mới “Thất lạc giữa gia đình”, được Hội đồng chuyên môn của Sở Văn hóa-Thể thao và người xem đánh giá cao. Thành công của vở diễn không chỉ là việc “trả bài”  thành phố với 1, 2 vở diễn/năm, còn mở ra hướng đi mới với loại hình nghệ thuật này khi mạnh dạn thay đổi quan điểm biểu diễn, đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống.

Vở diễn “2 trong 1”

 “Thất lạc giữa gia đình” do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản, NSƯT Phạm Huy Thục phụ trách phần âm nhạc, nghệ sĩ Huy Hùng  đạo diễn, Phó trưởng Đoàn phụ trách Hoàng Văn Thọ chỉ đạo nghệ thuật. Là một vở cải lương với đề tài hiện đại, “Thất lạc giữa gia đình” gửi đến người xem nhiều thông điệp về cuộc sống trong xã hội đương đại.

Vở diễn xoay quanh gia đình ông Bảo (NSƯT Đào Hải) với mối quan hệ tình ái giả dối giữa con trai ông là Thiện (nghệ sĩ Xuân Quý) và cô người yêu tên Ngọc (nghệ sĩ Kim Tuyến) cũng chính là nhân tình của ông Bảo. Trong công việc, ông Bảo là Chủ tịch Hội đồng quản trị một tập đoàn lớn ở tỉnh. Ông nổi tiếng với tài thao túng quyền lực, mưu đồ với mọi dự án lớn của tỉnh, cũng từ đó mà lâm vào vòng lao lý. Trong khi đó, Liên (nghệ sĩ Kim Oanh) – con gái ông Bảo, là  sinh viên báo chí vừa ra trường, với khát khao của tuổi trẻ, muốn dùng ngòi bút của mình vạch trần những  khuất tất trong xã hội. “Thất lạc giữa gia đình” được đánh giá là vở diễn “2 trong 1” khi nhà văn Nguyễn Quang Vinh vừa khéo léo truyền tải hai thông điệp giàu tính thời sự về công tác đấu tranh chống tham nhũng, vừa là tiếng cười giễu nhại về những hư danh ảo ảnh ở đời khi ông Bảo “quán triệt” vợ con phải thuộc lòng câu nói “Gia đình mẫu mực, hạnh phúc, đầm ấm” và thể hiện với người ngoài.

Vai diễn Liên (người đứng giữa) do nghệ sĩ Kim Oanh thể hiện là điểm sáng trong vở “Thất lạc giữa gia đình”.

Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Lại Đình Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Sở nhận xét: “Ở vở diễn này, phần âm nhạc được đánh giá cao nhất, nhạc sĩ Phạm Huy Thục giỏi pha trộn chất hiện đại với chất cổ của cải lương. Sân khấu cũng được thay đổi liên tục, hiện đại và hoành tráng, phù hợp với từng phân cảnh”.

Nhận những tràng pháo tay và hoa từ người yêu thích nghệ thuật cải lương thành phố, đạo diễn Huy Hùng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh xúc động: “Đến giờ phút này tôi khá hài lòng với cách thể hiện của các học trò. Trong điều kiện khó khăn bộn bề của Đoàn hiện nay như tình trạng thiếu hụt diễn viên khiến một số diễn viên có tuổi phải đảm nhiệm vai trẻ. Tuy nhiên, tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn nỗ lực hết mình, đoàn kết một lòng để vở diễn được ra mắt thành công”.

Cần mạnh dạn đổi mới hơn nữa

Thành công của vở diễn “Thất lạc giữa gia đình” mở ra hướng đi mới cho cải lương cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Những đề tài hiện đại vẫn đầy sức hút khi đụng chạm và đề cập đến các vấn đề đang diễn ra trong các gia đình, ngoài xã hội. Không chú trọng nhiều đến những chi tiết minh họa rườm rà, vở diễn chú trọng hơn đến lời ca của diễn viên, vốn là thế mạnh của cải lương. Điều này làm cho “chất” của vở diễn đậm hơn và quan trọng hơn là cải lương vẫn còn sức hút với người xem. “Cái người xem cần chính là thông điệp chuyển tải đến họ là những gì, có gắn sát và phản ánh được thực trạng của cuộc sống hôm nay hay không. Cải lương hiện đại hoàn toàn làm được điều này và sẽ còn hơn thế nữa trong thời gian tới”, ông Lại Đình Ngọc nhận định.

Theo dõi vở diễn của Đoàn Cải lương Hải Phòng suốt gần 2 giờ, ông Nguyễn Văn Tạo, 71 tuổi, phố Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng), một người trung thành với nghệ thuật cải lương phấn khởi: “Mặc dù vẫn yêu thích những vở lịch sử, nhưng khi xem vở diễn mới với đề tài hiện đại, tôi thấy khá ấn tượng. Khi xã hội thay đổi, nghệ thuật truyền thống cũng nên phản ánh về cuộc sống hiện đại, gần gũi với con người, chứ không chỉ quanh quẩn với những tích xưa, chuyện cũ… Những vấn đề hiện tại của cuộc sống về tình yêu, gia đình đến những vấn đề xã hội như đấu tranh chống tham nhũng… đưa vào vở diễn hôm nay rất “ngọt”, rất đời”.

Có thể nói, từ kịch bản văn học khá “hóc” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, ê-kip sáng tạo thành công trong chuyển thể vào thể loại cải lương. Chất hiện đại được thể hiện qua đề tài nóng hổi tính thời sự, nhưng vẫn bảo đảm được chất cải lương đong đầy trong vở diễn. Kịch tính được đẩy lên cao trào khi các diễn viên làm chủ được sân khấu, thể hiện sống động từng vai diễn, cày xới từng mạch cảm xúc trong từng nhân vật, nên hầu hết các vai diễn đều chạm đến cảm xúc của người xem. “Khi diễn trên sân khấu, dù chìm vào cảm xúc của nhân vật, nhưng tôi vẫn quán xuyến được người xem bên dưới. Cả khán phòng im lặng dõi theo từng diễn biến của vở và không một người nào bỏ ra về, tôi biết vở diễn thành công. Và điều này cũng chứng minh rằng, cải lương đề tài hiện đại vẫn lấy được nước mắt của người xem” – đạo diễn Huy Hùng chia sẻ.

Bài và ảnh: Đông Hải – Báo Hải Phòng 06/8/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đoàn Cải lương Hải Phòng thử nghiệm đề tài hiện đại – “Hội nhập” đời sống sôi động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác