Đoàn Ca múa Hải Phòng giành thành tích tốt tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc Khẳng định vị thế tại “sân chơi” lớn

Vừa trở về từ Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 năm 2018, diễn ra từ 30-6 đến 7-7 tại Cao Bằng, nghệ sĩ Chu Tâm Huy, Trưởng Đoàn Ca múa Hải Phòng trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng về kết quả chương trình tham dự liên hoan cũng như những trăn trở, suy nghĩ để duy trì, phát triển nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp hiện nay.

– Chúc mừng anh và tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn vừa hoàn thành chương trình dự thi tại “sân chơi” nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Anh có thể chia sẻ đôi điều về thành công của liên hoan năm nay?

– Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 năm 2018 được tổ chức thành công, như đánh giá của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên: các nghệ sĩ, diễn viên trình diễn những tác phẩm nghệ thuật đầy cá tính, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm cái hồn, cái tinh túy của vùng đất, con người nơi họ đang sống và làm việc. Sự đa dạng trong phong cách trình diễn nghệ thuật với nội dung phản ánh phong phú là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công của liên hoan.

Đối với Đoàn Ca múa Hải Phòng, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố và các sở, ngành liên quan, tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, khẳng định vị thế của mình tại “sân chơi” lớn này. Các giải thưởng của Đoàn đồng đều ở cả 3 thể loại ca, múa và nhạc. Ngoài NSƯT Khánh Hòa có nhiều kinh nghiệm biểu diễn, Đoàn cũng hiện có những gương mặt nghệ sĩ trẻ tiềm năng, được Hội đồng nghệ thuật tại Liên hoan đánh giá cao, như: Tuấn Long, Minh Sơn, Khánh Ngọc… Tôi khá hài lòng về kết quả này.


Tiết mục biểu diễn trong chương trình “Giai điệu từ cửa biển” của Đoàn Ca múa Hải Phòng.

Mặt khác, trong suốt thời gian tham dự liên hoan, điều tập thể nghệ sĩ, diễn viên trong Đoàn cảm nhận chính là tình cảm, sự đón tiếp, đón nhận nồng hậu của Ban tổ chức và người dân địa phương. Sau khi hoàn thành phần diễn thi với chương trình “Giai điệu từ cửa biển”, Đoàn Ca múa Hải Phòng được Ban tổ chức liên hoan lựa chọn cùng với 2 đơn vị đến từ Yên Bái và Vĩnh Phúc được mời biểu diễn phục vụ bà con nhân dân các huyện Thạch An, Hà Quảng, Trùng Khánh của tỉnh Cao Bằng. Khi biểu diễn, nhìn xuống sân khấu lúc nào cũng đầy ắp người nghe, người xem, là niềm vui, động lực to lớn với người nghệ sĩ, diễn viên khi tham gia liên hoan.

– Để đạt được thành tích này, không thể không nhắc tới công tác chuẩn bị chu đáo, sự nỗ lực của tập thể nghệ sĩ, diễn viên ?

– Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 3 năm mới diễn ra một lần, nên Đoàn có sự chuẩn bị khá chu đáo. Trong mỗi chương trình Đoàn xây dựng hằng năm, chúng tôi đều tìm kiếm, thử nghiệm những thể loại mới để lựa chọn tiết mục tham dự chương trình. 3 tháng trước khi diễn ra liên hoan, lãnh đạo Đoàn quyết định mời nhạc sĩ Sơn Thạch (Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội), là nhạc sĩ có kinh nghiệm hoà âm phối khí trong lĩnh vực nhạc nhẹ để dàn dựng âm nhạc (phần ca nhạc) của toàn bộ chương trình. Lãnh đạo Đoàn cũng khuyến khích, giao các ca sĩ tự lựa chọn bài phù hợp chất giọng của mình trên cơ sở phù hợp với chủ đề “Giai điệu từ cửa biển”, như: Tuấn Long lựa chọn bài “Tổ quốc”, Minh Sơn chọn bài “Hải Phòng tuổi thơ tôi” và đều đoạt huy chương. Cách làm này giúp ca sĩ không bị áp lực về tâm lý và trách nhiệm cao hơn khi luyện tập tiết mục dự thi.

Trong toàn bộ chương trình nghệ thuật “Giai điệu từ cửa biển” có “điểm rơi” cũng là điểm nhấn là tiết mục biểu diễn cùng tên của NSƯT Khánh Hòa. Đây là sáng tác mới của nhạc sĩ Sơn Thạch, được “đặt hàng riêng cho nữ ca sĩ. Sau thời gian ngắn tập luyện, với sự nỗ lực của bản thân, tại chương trình biểu diễn thi, Khánh Hòa hoàn thành tốt phần thi của mình, mang về tấm huy chương vàng cá nhân.

– Trên cương vị là trưởng đoàn nghệ thuật, khi “cầm quân” tham gia “sân chơi” lớn, anh rút ra bài học kinh nghiệm gì ?

 Qua Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm nay, tôi nhận thấy Hội đồng nghệ thuật làm việc công tâm, khách quan, đánh giá đúng thực lực, sự trưởng thành của các nghệ sĩ, diễn viên trong suốt quá trình hoạt động âm nhạc 3 năm (2015-2018), không chỉ là đánh giá tại thời điểm hiện tại. Như tấm huy chương vàng của NSƯT Khánh Hòa, ngoài việc ghi nhận những nỗ lực luyện tập của nữ ca sĩ trong thời gian ngắn, Hội đồng nghệ thuật còn xem xét các yếu tố khác, như: bài khó, tuổi tác và cả sự nhìn nhận quá trình trưởng thành trong hoạt động âm nhạc. Đối với các nghệ sĩ trẻ, có thể có đôi điều tiếc nuối, nhưng theo tôi kết quả ấy giúp họ rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân, nhìn nhận đúng mình đang ở đâu để có định hướng phát triển trong thời gian tới. Bởi trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, ngoài năng lực bản thân, họ cần trau dồi tính chuyên nghiệp và tính tự giác, kỷ luật cao trong quá trình tập luyện, biểu diễn.

– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Đông Hải thực hiện – Báo Hải Phòng 17/7/2018

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More