Đồ Sơn được mùa sứa biển

Hàng năm, cứ vào khoảng đầu tháng Giêng cho đến tháng 4 Âm lịch, ngư dân Đồ Sơn lại căng lưới ra khơi đánh bắt sứa biển. Dù mùa sứa chỉ kéo dài từ 3, 4 tháng nhưng “lộc biển” từ sứa đã đem lại cho họ nguồn thu lớn sau mỗi vụ ra khơi buông lưới.

Sứa biển được chuyển từ tàu đánh bắt lên bờ

Nhọc nhằn nghề sứa

Những ngày này là vào “chính vụ” sứa ở vùng biển Đồ Sơn. Tinh mơ một ngày giữa tuần, khi trời còn tối đen như mực, chúng tôi đã có mặt ở Đồ Sơn. Men theo con đường đê nhỏ dẫn vào xưởng sản xuất sứa tại cảng cá Ngọc Hải, phường Ngọc Hải, chúng tôi khá bất ngờ với không khí tấp nập, rộn rã tiếng nói cười của người dân nơi đây.

Tiếng gọi nhau của các chủ tàu cùng tiếng động cơ của những chiếc máy quay chế biến sứa càng làm cho không khí của xưởng sản xuất sứa thêm nhộn nhịp.

Trước kia, mỗi lần mùa sứa đến là một lần ngư dân nơi đây tỏ ra phiền muộn do nguồn thu nhập bị gián đoạn. Song khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi sứa biển được các thương lái Trung Quốc tìm đến, Đồ Sơn lại rộn rã vào mùa thu hoạch và chế biến. 4 giờ sáng, những con tàu đánh bắt cuối cùng đã trở về sau một ngày ra khơi buông lưới mang theo niềm vui với thứ “lộc biển” đầy khoang.

“Năm nay sứa được mùa thật đấy nhưng chỉ những người làm nghề đánh bắt như chúng tôi mới biết được nỗi cơ cực, sự vất vả, nguy hiểm của nghề cô chú ạ”, một vài ngư dân đang bốc sứa trên tàu nói vọng vào.

Mỗi lao động làm việc tại xưởng sản xuất sứa có thu nhập từ 40-50 triệu/vụ/người 

Thấy chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên, anh Nguyễn Văn Nhàn – một chủ tàu đánh bắt sứa giải thích thêm, không như các loại hải sản khác, phải đánh bắt xa bờ, sứa chỉ cần đánh gần bờ là được. Mùa sứa bắt đầu từ tháng Giêng cho đến tháng 4 Âm lịch. Vào khoảng thời gian này, sứa sinh sản và kết thành từng mảng lớn trôi thành luồng trên biển.

Nói là đi vớt sứa nhưng nếu không biết cách vớt hoặc sơ suất để sứa tiết chất độc vào tay thì sẽ gây ngứa, nổi mề đay, vô cùng khó chịu. Chưa kể những con sứa nặng đến vài chục cân, thân trơn mang theo cả nước biển, nếu ai không đủ sức khỏe thì rất khó có thể theo được nghề này.

“Tàu của tôi chủ yếu đánh bắt gần khu vực Đảo Dấu, Long Châu. Buổi sáng chạy tàu ra điểm đánh bắt thì tranh thủ nghỉ ngơi. Đến khoảng 2 giờ chiều, anh em bắt đầu công việc. Đến 11 giờ đêm tàu lại quay về bến để giao sứa. Công việc cứ thế quay vòng cho đến khi hết con nước mới nghỉ. Thông thường, một tháng có 2 con nước, mỗi con nước kéo dài khoảng 7-8 ngày. Một chuyến ra khơi đánh bắt nhiều thì được khoảng 1.500 con, mà ít thì chỉ khoảng 300 – 400 con sứa”, anh Nhàn bật mí.

Nghề đánh bắt sứa vất vả là thế nhưng thu nhập của nghề này cũng khá bấp bênh vì không phải năm nào cũng được mùa. Theo ông Ký, một ngư dân làm nghề này cho biết: “Nghề đánh bắt sứa có lâu rồi nhưng khoảng13 năm trở lại đây, sứa được đem đi xuất khẩu, mang lại thu nhập cho người dân nên mới được chú trọng. Giá sứa thì tùy năm, tùy vụ. Như năm nay, sứa to có giá từ 15.000 – 20.000/con, sứa nhỏ hơn có giá khoảng 8.000 – 12.000 đồng/con”.

Còn theo bà Hoàng Thị Diệp – chủ cơ sở sản xuất sứa Dũng Diệp tâm sự, nếu như năm ngoái, tầm này mới bắt đầu vào vụ sứa thì năm nay, ngay từ đầu vụ, sứa về nhiều nên bà con lao động không lúc nào được ngơi tay. Cũng theo bà Diệp, không chỉ được mùa “chính vụ” mà vụ sứa chiêm (tức vào tháng 9, tháng 10 – 2018), ngư dân cũng được mùa thắng lớn. Sứa được đánh bắt về, chế biến rồi xuất sang Trung Quốc là chủ yếu.

Trắng đêm sơ chế

Để thu được những cân sứa thành phẩm xuất ra thị trường trong và ngoài nước, không chỉ những người làm nghề đánh bắt mà cả những nhân công làm nghề chế biến cũng vất vả không kém.

Thông thường, chuyến đánh bắt sứa kéo dài từ sáng đến đêm. Tàu khai thác sẽ trở về cảng cá từ 23 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, người lao động cũng trắng đêm để sơ chế vì sứa phải được làm khi còn tươi nguyên thì mới đảm bảo giữ được độ ngon của miếng sứa thành phẩm.

Những con sứa trong suốt sau đó được sơ chế theo từng công đoạn tuần tự. Sứa tươi chuyển từ tàu xuống được kiểm đếm cẩn thận, sau đó được đưa vào một sân lớn, nơi có hàng chục nhân công đang đợi sẵn để sơ chế. Với phần thân sứa (bìa) được cho vào máy cắt thành những miếng nhỏ tầm đốt ngón tay. Còn riêng phần chân, tay, óc sứa sẽ được làm thủ công theo đúng quy cách.

Đang thoăn thoắt đôi tay cắt từng miếng sứa, bà Bùi Thị Ý (nhân công thuộc một xưởng sản xuất sứa trên địa bàn phường Ngọc Hải) vừa lý giải, chân sứa mỗi con khác nhau, người làm phải biết lựa để không bị vụn.

Bể ngâm sứa cũng phải được phân chia rõ ràng gồm bể thân sứa; chân, tay sứa và óc sứa. Cũng theo bà Ý, việc sơ chế sứa được làm liên tục từ lúc chuyến tàu sứa đầu tiên cập bến cho đến khi chuyến tàu cuối cùng rời đi.

Phần chân, tay sứa được công nhân chế biến làm thủ công theo đúng quy cách

Sứa cắt nhỏ được cho vào các bể nước, quay khoảng 10 tiếng. Trong quá trình quay phải được thay nước liên tục để miếng sứa hết nhớt, kiệt nước. Sứa sau khi đã hết nhớt được rửa sạch rồi mang đi ngâm muối khoảng 1 tuần cho đến khi nước trong, sứa không “ngậm” muối, hết sạch mùi là chín. Miếng sứa đạt tiêu chuẩn phải đảm bảo được độ trong suốt, cứng, giòn.

Sứa thành phẩm được bán với các mức giá khác nhau. Phần chân, tay sứa là những phần ngon nhất, chiếm tới hơn 60% giá trị cả con, được bán với giá khoảng 60.000 đồng/kg. Bìa sứa có giá khoảng 13.000 đồng/kg. Lượng sứa thành phẩm chủ yếu xuất đi Trung Quốc, số còn lại bán trong nước để chế biến thành nộm sứa…

Ông Hoàng Trung Kiên – Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hải – cho biết, cảng cá Ngọc Hải hiện có 6 cơ sở chế biến sứa. Trung bình, mỗi xưởng sản xuất đón khoảng 10 chuyến tàu/ngày. Vào vụ sứa, mỗi tàu gồm 5-6 thành viên nếu chăm chỉ làm việc sẽ thu khoảng 200 triệu/tháng; trừ mọi chi phí, mỗi thuyền viên thu được 60-80 triệu/vụ.

Không chỉ vậy, mỗi xưởng sản xuất còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 nhân công với thu nhập từ 40-50 triệu/vụ/người. Mặc dù nghề khai thác sứa khá vất vả, chế biến kì công, thu nhập lại bấp bênh tùy con nước, nhưng với những người đi biển ở Đồ Sơn, vào những ngày biển vắng tôm, vắng cá thì sứa như một thứ “lộc biển” mà ông trời ban tặng.

Trời bắt đầu hửng sáng, những chuyến tàu ra khơi đã bắt đầu nhổ neo, hứa hẹn sẽ mang về theo niềm vui với thứ “lộc biển” đầy khoang. Trong lòng chúng tôi cũng cồn lên niềm hy vọng, vụ sứa năm nay sẽ đem lại thu nhập thật cao cho bà con, giúp họ ổn định cuộc sống, giúp ngư dân yên tâm bám biển, phát triển kinh tế địa phương

Hải Ngân

Nguồn. ANHP

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

Hải Phòng sẵn sàng cho Chợ Tết công đoàn quy mô lớn năm 2025

Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…

10/01/2025

Hải Phòng thông tin hội thi Vật dân tộc thời Mạc lần thứ 4

Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…

10/01/2025

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu tiếp xã giao Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

10/01/2025

Tiếp nhận “Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More