Print Thứ bảy, 15/08/2020 22:10 Gốc

Nếu như trước đây, có thời gian rảnh và tiền tương đối rủng rẻng trong ví là các mẹ, các chị thường lựa chọn siêu thị hay shopping để tạo niềm vui cho bản thân.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm thay đổi thói quen của hầu hết người tiêu dùng và mua hàng online trở thành phương án tối ưu với nhiều người tiêu dùng.

Vì thế, chỉ cần ngồi đâu đó với một cái điện thoại thông minh hay cái máy tính kết nối mạng là “cả thế giới thu gọn trong lòng bàn tay“. Thế nhưng, cũng chính từ những tiện ích này đã kéo theo hệ lụy và những trường hợp “dở khóc, dở cười” khi những món đồ đặt trên mạng khác xa với thực tế, thậm chí còn là những cú lừa đảo ngoạn mục.

Người dân đang chuyển dịch mua sắm từ các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… sang mua sắm trực tuyến từ khi có dịch do COVID-19 gây ra. Ảnh minh họa: TTXVN.

*Nhiều kẽ hở

Là một phụ nữ năng động, sành điệu và yêu thích thời trang, chị Vũ Hoàng Giang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sao Star tại phố Nguyễn Lương Bằng không ngần ngại bỏ ra những số tiền lớn để tậu về cho mình những lọ nước hoa, mỹ phẩm đắt tiền tại các trung tâm thương mại lớn sau mỗi lần đi công tác.

Chị Vũ Hoàng Giang chia sẻ: “Từ sau Tết đến nay, do dịch COVID-19 hoành hành nên thay vì mua sắm tại các shop hàng hiệu hay trung tâm thương mại lớn, tôi quay ra đặt online cho tiện và đảm bảo an toàn sức khỏe“.

Không ít món hàng về tay rất ưng ý và nhanh chóng, thậm chí chỉ sau nửa giờ đồng hồ là đã nhận được, sau đó mình chuyển khoản lại cho chủ shop. Ngược lại, có những lần chị Giang đặt hẳn qua sàn thương mại điện tử nhưng hàng nhận được không đúng như nội dung quảng cáo.

Đơn cử như gần đây sau khi click chuột và đặt một lô hàng mỹ phẩm của Chanel nhưng khi nhận với trực giác của người dùng hàng hiệu lâu năm chị Giang nhận biết ngay đó là hàng giả mạo nhãn hiệu.

Ngay sau đó, chị Vũ Hoàng Giang điện thoại liên hệ lại với sàn thương mại điện tử để khiếu nại nhưng đơn vị này giải thích giao dịch nằm ngoài hệ thống của sàn nên không được hưởng chính sách trả hàng, hoàn tiền.

Cũng theo sàn thương mại này, bên bán hàng đã liên hệ thông báo đúng tên, địa chỉ, số điện thoại, sản phẩm để thông báo giao hàng nhưng sau sau khi tiếp nhận đơn, nhà bán hàng tự ý hủy và tự liên hệ với người tiêu dùng để giao một sản phẩm khác. Chính vì vậy, sàn giao dịch điện tử không thể kiểm soát những đơn nằm ngoài hệ thống.

Không chỉ với chị Giang mà rất nhiều trường hợp khác cũng chung tình cảnh tiền thật hàng giả, hàng không giống với quảng cáo cả về hình dáng và tính năng. Thậm chí nhiều mặt hàng hiệu sản xuất tại Đức, Italy nhưng về tay lại là xuất xứ Trung Quốc.

Chị Nguyễn Thu Trang, kế toán Công ty T&T và đang sống tại chung cư 885 Tam Trinh cho hay: “Ngày nào mở Facebook cũng thấy nhiều nhãn hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng quảng cáo tự xuất hiện trên trang cá nhân của mình“.

Do tò mò chị Trang cũng vào xem sản phẩm và nhân viên trang web đó khẳng định nếu nhận hàng không ưng có thể đổi trả thoải mái. Vì thế nên chị Trang chấp nhận đặt hàng nhưng khi nhận được hoàn toàn không đúng như hình ảnh đăng tải. Tuy có điện thoại lại nhưng không liên lạc được, vào trang web thì đã bị chặn tài khoản từ phía bên kia.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm kinh doanh thương mại điện tử ngày càng tinh vi, người mua khó phân định thật giả như không có kho hàng hay cửa hàng mà chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi, giao hàng với số lượng nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian; hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và yêu cầu khách đặt cọc, thanh toán qua trung gian, thậm chí khéo léo dụ dỗ khách thanh toán hết mới chuyển hàng… Các thủ đoạn này không mới nhưng vẫn dễ khiến khách hàng “sập bẫy” do mất cảnh giác.

Thống kê từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng của chuyển phát cho thương mại điện tử là 60%. Tuy phát triển nhanh và bùng nổ nhưng hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến.

Đáng lưu ý, các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh, khó kiểm soát do vậy hành vi lừa đảo bán hàng qua online khó ngăn chặn, kiểm soát triệt để.

Nhận định về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Cục đã liên tục nhận được nhiều đơn thư khiếu nại về việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi khi giao dịch với các tổ chức cá nhân có chủ đích lừa đảo, đặc biệt là qua mạng xã hội như facebook, zalo…

Thậm chí, có những trường hợp người tiêu dùng đặt mua điện thoại trên mạng và tiền chuyển khoản nhưng khi nhận được chỉ có mỗi cái vỏ hộp, bên trong lại là một món đồ khác thay thế.

Bên cạnh đó, còn có các khiếu nại, phản ánh do người bán không cung cấp hóa đơn; người mua hàng bị giao thiếu hàng khuyến mại, giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, giao hàng chậm, hủy đơn hàng không lý do…

Nhiều người tiêu dùng khiếu nại nhận hàng bị vỡ hoặc hư hỏng nhưng tổ chức, cá nhân từ chối hoặc đổ lỗi cho người tiêu dùng hoặc đơn vị vận chuyển.

*Ngăn chặn tận gốc

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, việc tiếp cận, giám sát loại hình kinh doanh trực tuyến không hề đơn giản, khó khăn hơn nhiều so với kinh doanh truyền thống.

Nhiều đối tượng mua tên miền và đặt máy chủ tại nước ngoài, thanh toán thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam, cố tình che giấu thông tin, không có địa chỉ, điện thoại hay thông tin liên lạc nên việc ngăn chặn và xử phạt gặp rất nhiều rào cản.

Bên cạnh đó, những khách hàng mua sắm online phần lớn không chú ý việc lấy hóa đơn, sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến đa dạng… gây khó khăn cho việc quản lý, xử lý của các cơ quan chức năng.

Để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường internet, cần chặn từ “gốc” người tiêu dùng phải ngừng “tiếp tay” cho các đối tượng vi phạm.

Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế… Mặt khác, cần cảnh giác với những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn.

Để tránh bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng về địa chỉ, số điện thoại hay mã số thuế.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận.

Đặc biệt, người tiêu dùng cần cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đang được Cục hoàn thiện và có những giải pháp đẩy lùi vấn nạn tận dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Trên thực tế, hiện các trang thương mại điện tử đăng ký hoạt động theo luật, tuy nhiên sàn giao dịch điện tử cũng giống như chợ truyền thống. Vì vậy, muốn kiểm tra có phải hàng giả, hàng nhái hay không cũng cần có biện pháp như ở chợ truyền thống.

Vì vậy, Bộ Công Thương tập trung vào các giải pháp trọng tâm, bao gồm nâng cấp, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử để tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng; hợp tác chặt chẽ với hải quan và các cơ quan liên quan để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan.

Ngoài ra, để siết chặt kỷ cương, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về thương mại điện tử (Tổ 368) với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh thương mại điện tử./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: “Dở khóc, dở cười” khi mua hàng online!
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác