Để ăn mừng kênh YouTube của mình được 20.000 lượt đăng kí, người con trai làm video đổ một chậu 200 quả trứng xuống đầu mẹ từ ban công. Chủ nhân của kênh này đang bị lên án mạnh mẽ.
Hiện chủ nhân kênh YouTube đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ đã phải đóng facebook, kênh này cũng không thể tìm thấy. Các bạn trẻ, người làm YouTube khác nói gì về sự nhảm, thiếu văn hóa, giáo dục trong các nội dung trên Youtube gần đây?
YouTube là trang chia sẻ video phổ biến nhất trong thời đại ngày nay. Bất kỳ ai sở hữu mạng Internet đều có thể truy cập vào trang này. Nhiều bạn trẻ với những đề tài video sáng tạo, độc đáo có cơ hội thể hiện bản thân mình trên YouTube. Kênh chia sẻ video lớn nhất hành tinh này là công cụ kiếm tiền của nhiều người. Đây cũng là nơi sinh ra các Vlogger (người làm blog bằng video) nổi tiếng và nhiều gia đình tại Việt Nam hiện nay coi YouTube là nguồn giải trí chính yếu. Thậm chí nhiều gia đình “xem” YouTube nhiều hơn cả xem truyền hình.
Tuy vậy, nhiều bạn trẻ đã không ý thức được về các nội dung mình truyền tải lên trang chia sẻ video lớn nhất hành tinh này. Với châm ngôn “độc và dị”, nhiều bạn bất chấp làm những video với nội dung phản cảm và đi ngược lại với các truyền thống để làm ra những video có nội dung gây sốc để được nổi tiếng. YouTuber đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ chỉ để ăn mừng kênh của bản thân được 20.000 lượt đăng ký đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ và phản đối của cộng đồng giới trẻ Việt Nam, mặc dù người này đã đăng clip xin lỗi mẹ, người mẹ cũng bênh vực con trai, mong cộng đồng bỏ qua.
Không thể lấy mẹ ra để mua vui
Nguyễn Phương Huyền, 22 tuổi, sinh viên năm 4 Trường ĐH Hải Phòng, cho hay: “Mình thấy thật là lố bịch. Kể cả anh chàng kia có xin lỗi cộng đồng mạng đi nữa, hay là xin lỗi mẹ mình đi chăng nữa, thì những gì anh ấy làm là đã làm rồi. Mình nghĩ là mẹ anh ấy là người sẽ cảm thấy buồn nhất trong chuyện này. Đối với mình, lấy mẹ ra để mua vui như vậy là không thể chấp nhận được”.
Nguyễn Thị Tú Uyên, 24 tuổi, du học sinh Trường ĐH Khí tượng và Thủy văn Nga, đang bắt đầu xây dựng một kênh YouTube, chia sẻ quan điểm: “Nhiều bạn trẻ làm YouTube mới nổi tiếng đã tìm mọi cách bất chấp để được nổi tiếng hơn, đặc biệt ví dụ là anh con trai đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ để ăn mừng 20.000 lượt theo dõi, hay đã từng có những bạn làm video thử làm chó trong vòng 1 ngày, hoặc thử làm người chết một ngày. Đây là những nội dung nhảm nhí và thiếu suy nghĩ, không nghĩ đến hậu quả sau này. Thậm chí những nội dung này mình hoàn toàn không thấy một ý nghĩa giải trí nào cả.
Nhưng bên cạnh đó là có những người làm video vì đam mê như bà Tân Vlog được mọi người đón nhận. Những nội dung video như của bà Tân Vlog hoàn toàn không hề xấu, hoàn toàn không ảnh hưởng đến ai, thậm chí tạo ra niềm vui, chia sẻ những món ăn cho hàng xóm, các cháu hay bạn bè. Cách đây không lâu thì các thử thách dọn sạch rác ở một địa điểm nhất định trên YouTube cũng tạo được làn sóng ủng hộ mạnh mẽ. Tại sao những nội dung bổ ích như vậy mà các bạn không làm, lại phải đi làm những video vô nghĩa và nhảm nhí chỉ để có cơ hội nổi tiếng hơn? Thậm chí ở đây là tai tiếng”.
YouTube nên chọn lọc nội dung để xem
N.H.S, chủ nhân của một kênh YouTube nổi tiếng hướng dẫn nhiều thông tin bổ ích cho du học sinh, bày tỏ: “Hiện nay mình thấy có khá nhiều kênh YouTube nổi lên nhờ những video có nội dung nhảm nhí vô bổ, thậm chí là nguy hiểm, bạo lực, thiếu tính nhân văn, lợi dụng sự tò mò của khán giả để câu được lượt xem hay kiếm tiền, mà bất chấp những hậu quả có thể gây tới cho cộng đồng, cho những người xung quanh. Mình nghĩ YouTube cần kiểm duyệt nội dung gắt gao hơn để hạn chế những video có nội dung phản cảm, mà người xem cảm thấy khó chịu hơn là được giải trí”.
Đào Hoàng Thành, 24 tuổi, sinh sống tại Hải Phòng, chia sẻ: “Bản thân mình là người rất hay truy cập vào YouTube để xem video. Đây là nơi mình được giải trí, xem những nội dung mình yêu thích. Tuy vậy, những video có nội dung phản cảm ví dụ như đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ thì thực sự mình nhìn thấy là bỏ qua luôn và không muốn xem. Để cho những nội dung nhảm nhí thế này không được lan truyền rộng rãi thì bản thân mỗi người xem YouTube cũng nên chọn lọc nội dung để xem. Nếu không ai xem và không ai ủng hộ thì trong tương lai những nội dung như vậy sẽ không có ai bất chấp để làm video nữa”.