Print Thứ bảy, 06/07/2019 07:06

30 năm kể từ ngày thành lập, 5-7-1989, nhà giàn DK1 tồn tại hiên ngang giữa biển Đông như một bằng chứng lịch sử về ý chí kiên cường của các chiến sĩ hy sinh quên mình quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc

Nhà giàn DK1 là “Cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”, nhằm công bố với thế giới đây là chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam, mang tầm nhìn chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tầm nhìn chiến lược

Tên dân sự các nhà giàn DK1 là “Trạm kinh tế – khoa học – dịch vụ”, thực chất là nơi sống, huấn luyện, học tập, bảo vệ vùng trời, vùng biển của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1. Trước đây Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân, đóng trên vùng biển thềm lục địa Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhiệm vụ của các nhà giàn DK1 là làm chỗ dựa cho ngư dân các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ đánh bắt hải sản, làm tiêu cho tàu thuyền qua lại, thu thập số liệu thủy văn, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Ngày 5-7-1989, ngày Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 180 về việc xây dựng Cụm Dịch vụ kinh tế – khoa học – kỹ thuật thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (tức nhà giàn DK1), đã trở thành ngày sinh nhật của nhà giàn. Hiện nay, trên thềm lục địa có 15 nhà giàn DK1 đóng quân ở các bãi cạn Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Cà Mau.

Năm 1989, ông Giáp Văn Cương lúc đó là Tư lệnh Hải quân nhận thấy các giàn khoan dầu khí hoạt động, nhất thiết phải có lực lượng bảo vệ vòng ngoài, lực lượng này phải sử dụng bộ đội Hải quân, đủ sức mạnh, am hiểu về biển đảo. Ngay từ năm 1985, ý tưởng ông Cương cho xây dựng nhà giàn DK1 với 2 lý do: Thứ nhất, trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam, vì thế việc xây dựng nhà giàn trên các bãi san hô ngầm là tất yếu. Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn tổng kết lịch sử trong chiến tranh vệ quốc của Việt Nam, trong 14 lần bị đối phương tấn công, có đến 10 lần từ đường biển.

Cho đến bây giờ, sau ba thập kỷ ra đời, tồn tại và phát triển, nhà giàn DK1 vẫn là bằng chứng sinh động về sự sáng tạo quyết chí của một vị tướng tài ba họ Giáp. Và ít người biết về vị Tư lệnh tài tình lúc chào cờ và thăm chiến sĩ nhà giàn đầu tiên Phúc Tần 3 đóng năm 1989, ông chỉ còn 1/3 dạ dày sau ca mổ năm 1980 và đang mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo khác. Năm 1990, ông mất tại Viện Quân y 108 Hà Nội.

Nhà giàn đầu tiên được xây dựng kiểu boong tong ở bãi cạn Phúc Tần Ảnh: tư liệu

Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh khi xây dựng nhà giàn DK1 Ảnh: TUẤN CƯỜNG

Vào chiến trận

Ngày 6-11-1988, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 do trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân, chỉ huy cùng đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa xây dựng nhà giàn.

Thượng úy Nguyễn Tiến Cường, thuyền trưởng tàu HQ-668 (nay là thượng tá đã nghỉ hưu), kể: “Chiều ấy, tạm biệt vợ mới cưới, thuyền trưởng Cường xuống tàu. Nhìn vợ, anh Cường động viên: “Biển rộng lớn nhưng anh nhất định sẽ về!”. Sau sự kiện Trường Sa năm 1988, đi biển ngày ấy cũng đồng nghĩa với vào chiến trận, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.

Ra đi trong gió mùa Đông Bắc tràn về, biển động dữ dội, con tàu nhỏ bé cứ chồm lên ngụp xuống trong sóng gió. Phương tiện duy nhất trong chuyến hải trình này là chiếc la bàn, hai cuộn dây, sáu cây sào tre để đo độ sâu. Sau ba ngày khảo sát, các thủy thủ đã tìm được vị trí tọa độ trùng khớp với tọa độ ghi trên bản đồ, đo được độ sâu tương đối chính xác, thả phao quả nhót đánh dấu. Vị trí khảo sát đầu tiên ở bãi cạn Phúc Tần A đã hoàn thành, các thủy thủ tiếp tục hành trình đến các bãi cạn Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính và Cà Mau.

Tháng 5-1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng bắt đầu chở khung nhà giàn cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần xây dựng nhà giàn.

Ông Trần Xuân Vọng, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 129 Hải quân, nhớ lại: “Có bữa trời đang trong xanh, chỉ vài phút sau là sấm chớp ầm ầm, sóng đang lặng lẽ bỗng lừng lững như quả núi. Mặc cho sóng gió, anh em chúng tôi vẫn quyết tâm làm”.

Sau hơn một tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10-6-1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần hiện hữu giữa thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ công binh và những người thợ lặn nhìn nhà giàn mà trào nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng và tự hào khôn xiết. Tiếp theo đó, ngày 3-7-1989, nhà giàn Tư Chính (1A) được xây dựng, sau đó là nhà giàn Ba Kè (6A). Từ tháng 6-1989 đến đầu năm 1995, ta đã xây dựng được những nhà giàn ở các cụm Phúc Tần, Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên trên thềm lục địa Bà Rịa – Vũng Tàu và nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau, tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau).

Sự sống và cái chết

29 tuổi quân, 25 năm liên tục công tác ngoài nhà giàn DK1, cho đến thời điểm này, thiếu tá Bùi Xuân Bổng được ví như “cây đại thụ” của DK1.

Chúng tôi tìm đến nhà thiếu tá Bùi Xuân Bổng ở khu tập thể B Lữ đoàn 171 Hải quân. Ngôi nhà cấp 4 thiết kế kiểu “3 buồng” (buồng khách, buồng ngủ, buồng ăn) cũ kỹ lọt giữa dãy nhà lầu. Mời chúng tôi ly nước trà xanh, ông nhìn ra khoảng sân trước nhà có mấy bồn rau – kỷ vật đem từ nhà giàn về – giọng chùng xuống: “Đó là những năm tháng không thể nào quên. Họ đã hy sinh để nhà giàn trường tồn vững chắc. Tôi và những đồng đội ở nhà giàn Phúc Tần ngày ấy đều là những người may mắn sống sót trở về “.

Chiều 4-10-1990, vùng biển thềm lục địa khu vực Phúc Tần bỗng khác thường. Phía Tây trời trong xanh, còn phía Đông từng mảng mây đen bất chợt kéo về, chẳng mấy chốc phủ kín bầu trời. Sóng gió nổi lên dữ dội. Nhà giàn Phúc Tần rung bần bật. Tình huống vô cùng gian nguy. Trong phút giây hiểm nghèo ấy, ông Bổng đã chỉ huy anh em lấy dây thừng kết những tấm gỗ bung lên từ sàn nhà lại với nhau thành một chiếc bè, sẵn sàng rời nhà. Ông còn căn dặn: “Nhảy xuống biển, anh em cố gắng bám chặt vào thanh gỗ, nhất định chúng ta phải sống và trở về, tàu sẽ đến cứu chúng ta”.

Trong đêm, nhà giàn bị sóng lớn đánh đổ sập, ông Bổng cùng các chiến sĩ bị cuốn vào đêm đen. Bè bị đánh tan tác, ông xé áo buộc các chiến sĩ vào với nhau, hy vọng nếu có chết cũng còn mang được xác về. Trong khi đó, ở một nhóm khác, chính trị viên Nguyễn Hữu Quảng cùng y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền bám vào thanh gỗ cố chống chọi với bão tố. Anh em lấy lương khô ăn để cố giữ sức. 18 giờ trôi trong bão tố, biết mình không trụ được nữa, anh Quảng đã nhường lại miếng lương khô cuối cùng và chiếc áo phao của mình cho đồng đội rồi chìm vào lòng biển. Có ngờ đâu, y sĩ Là và chiến sĩ cơ điện Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm ngay sau đó.

Ngay khi nhận được tín hiệu nhà giàn Phúc Tần 3 bị đổ, Lữ đoàn 171 đã báo cáo Sở chỉ huy Hải Phòng và điều tàu HQ-711 khẩn cấp đi cứu hộ. Sau 20 giờ tăng tốc, ngụp lặn trong sóng gió, tàu HQ-711 chỉ cứu được thiếu ta Bổng, Quỳnh, Công, Báu, Trung.

Kể lại giờ phút đau buồn trong cơn bão ngày ấy, thiếu tá Bổng mắt đỏ hoe: “Tôi không bao giờ quên được, đó là những giây phút bất tử của cuộc đời tôi”. 

Hy sinh vì Tổ quốc

Sáng 5-7, tại căn cứ quân sự Long Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiểu đoàn DK1 phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ra đời, phát triển, trưởng thành và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì.

Thay mặt Đảng ủy chỉ huy và hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cùng thế hệ người lính đã “sinh tử” với nhà giàn, thiếu tá Nguyễn Trung Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, đã ôn lại quá trình ra đời, xây dựng nhà giàn giữa biển khơi, đặc biệt sự chiến đấu chống chọi với bão tố cuồng phong và anh dũng hy sinh của 10 liệt sĩ.

Tất cả tinh thần và nghị lực, ý chí và hành động, sự cống hiến và hy sinh thầm lặng cao cả ấy đều nhằm mục tiêu bảo vệ nhà giàn DK1 mãi mãi trường tồn bất tử trên biển Đông. Công lao to lớn và sự hy sinh thầm lặng cống hiến tuổi xuân cho sự vững chãi trường tồn của mỗi nhà giàn DK1 trong 30 năm qua, không những là sứ mệnh thiêng liêng của người lính biển thời bình lặng im tiếng súng, mà còn thể hiện tình yêu, nghĩa cử, trách nhiệm đối với biển đảo của Tổ quốc.

TUẤN CƯỜNG

Nguồn. Người Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: DK1 – 30 năm chủ quyền trên biển
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác