Đình Từ Vũ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân tôn thờ Bản thổ Thành hoàng làng Vũ Chí Thắng. Thần tích làng Hàng Kênh cho biết: Vũ Chí Thắng còn gọi là Vũ Vạn Thắng, sinh năm 1253, mất năm 1325. Sinh tại thôn Nam, làng Hàng Kênh, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, nay là phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng. Ông là người có chí lớn, ham mê đọc sách, học binh pháp, luyện võ nghệ. Vũ Chí Thắng là tướng quân vừa có tài, vừa có đức. Lúc làm việc nơi màn trướng, ông là người tham mưu giỏi. Khi ra trận ông luôn đứng hàng đầu, chiến đấu mưu trí và anh dũng.
Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ 2, Vũ Chí Thắng tham gia nhiều trận đánh, lập công lớn trong các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Thăng Long, Vạn Kiếp. Đầu năm 1288, quân Nguyên lại phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, Vũ Chí Thắng đã có những dự đoán tài tình về việc di chuyển chiến thuyền của quân Nguyên. Ông hiến kế chặn giặc trên sông Giá, buộc Ô Mã Nhi phải cho thuyền xuôi dòng Bạch Đằng lọt vào trận địa cọc và mai phục do Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bày ra. Ô Mã Nhi cùng đội quân xâm lược bị nhấn chìm xuống “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”. Đất nước thanh bình, ông được vua ban thưởng và phong chức Điện tiền chỉ sứ kiêm Chưởng cấm binh và được tham dự triều chính.
Khi hưu trí nơi quê nhà, ông đã bỏ tiền của để tập hợp, tổ chức lưu dân các nơi đến mở mang, khai khẩn điền địa, giúp cho người dân có đời sống ấm no, hạnh phúc. Ngày 18 tháng Giêng năm 1325, ông mất, hưởng thọ 72 tuổi. Dân làng ai ai cũng kính trọng, mến mộ tài đức của Cụ, nên đã suy tôn làm Thành Hoàng, lập Đình Nhân Thọ rồi thờ cúng – nay là Đình Từ Vũ.
Trải qua hàng trăm năm với biết bao biến động của lịch sử, Đình Từ Vũ được tu bổ, tôn tạo nhiều lần, song vẫn bảo tồn được quy mô, kết cấu kiến trúc với bố cục mặt bằng kiểu chữ Nhị gồm 5 gian 2 chái Tiền tế và 3 gian Hậu cung.
Đình Từ Vũ còn bảo lưu được hệ thống khung gỗ chịu lực bằng gỗ lim; trên các bộ vì nóc, vì nách, bảy hiên được chạm lộng, chạm bong kênh tinh xảo các đề tài tứ linh, tứ quý, mang phong cách tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc gỗ triều Nguyễn thế kỷ 19.
Trong Đình hiện còn lưu giữ được thần tượng ngài Vũ Chí Thắng, kiếm thờ, kiệu bát cổng, long đình, chấp kích, bát biểu, bia đá, cầu đá… có niên đại từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, rất có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử hình thành ngôi Đình, cũng như nghệ thuật điêu khắc và trang trí truyền thống thời Lê – Nguyễn.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và di sản hiện còn được lưu giữ, Đình Từ Vũ (phường Hàng Kênh, quận Lê Chân) đã được UBND thành phố xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố. Đây là một di sản văn hóa có giá trị cần được lưu giữ, bảo tồn. Đồng thời cũng là nơi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ ngày hôm nay.
Tại buổi Lễ cũng đã công bố Quyết định về việc thành lập Ban quản lý di tích lịch sử cấp thành phố Đình Từ Vũ gồm 13 thành viên. Ban quản lý di tích có nhiệm vụ quản lý, phát huy giá trị di tích, tổ chức hoạt động theo đúng Luật di sản văn hóa và quy chế tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Phạm Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân đề nghị chính quyền và Nhân dân phường Hàng Kênh cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyền truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân, cộng đồng địa phương về niềm tự hào và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di tích lịch sử thành phố, thiết thực góp phần xây dựng các nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh địa phương. Bảo tồn và phát huy di tích cần định hướng trong việc công đức của các tổ chức, cá nhân, công khai, minh bạch, từ thu để chi cho công tác bảo tồn đảm bảo đúng luật, đúng quy định, tính chất tín ngưỡng của di tích. Bảo vệ khuôn viên cảnh quan của Đình Từ Vũ, đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo không gian linh thiêng của di tích. Nâng cao nhận thức về giá trị văn hoá tín ngưỡng cho Nhân dân. Kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm, phản cảm lợi dụng tín ngưỡng để thực hành mê tín dị đoan, làm biến dạng văn hoá tín ngưỡng tâm linh của người Việt.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận cũng đề nghị thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao, Bảo tàng Hải Phòng, các ngành, đoàn thể tiếp tục quan tâm để giúp địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử thành phố.
Hoàng Tùng
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More