Print Thứ Bảy, 26/01/2019 16:42

Lễ hội đình Đẩu Sơn, phường Văn Đẩu, quận Kiến An mồng 10-2 âm lịch năm nay, người dân có thêm niềm vui khi di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố đình Đẩu Sơn được trùng tu, tôn tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, bảo tồn các giá trị kiến trúc, lịch sử truyền thống.  

 

Ông Trần Thành Thẩn, Trưởng Ban trị sự, Ban quản lý di tích đình Đẩu Sơn cho biết, được sự quan tâm của thành phố, quận Kiến An và phường Văn Đẩu, sự chung sức đóng góp tiền của, công sức của người dân, con em xa quê và khách thập phương, đình Đẩu Sơn hoàn thành trùng tu xây mới tòa nhà đại bái, nhà tả vu, hữu vu, phương đình khang trang hơn với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Theo đó, khuôn viên đình được quy hoạch trên diện tích 1.500 m2, giữ nguyên hệ thống cây xanh lâu năm, liền kề với khu hai ngôi miếu cổ, nhà bia, nhà hậu cung, cổng tam quan, hồ bán nguyệt và tiểu cảnh.


 Khuôn viên đình Đẩu Sơn được hoàn thiện khang trang.

 

Người dân địa phương luôn tự hào về di tích đình Đẩu Sơn, nơi thờ 5 vị thần tướng thời Trần là Trần Nhội, Trần Phương, Nguyễn Chính, Tô Phong, Trần Văn Bích. Ngài Trần Nhội, Trần Phương là người Văn Đẩu, cũng là anh em đồng sinh dưới gốc cây nhội. Năm 1288, quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 3, các ngài Trần Nhội, Trần Phương được nhà Trần giao bài binh bố trận chặn giặc trên sông Bạch Đằng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, bắt sống tướng giặc Ô Mã Nhi. Cũng theo thần tích, ngọc phả, đình Văn Đẩu còn là nơi thờ các vị thành hoàng Tô Phong, Trần Văn Bích quê ở vùng Chí Linh, Hải Dương. Hai ngài làm đạo sĩ, có nghề thuốc, chữa bệnh giỏi và ngài Nguyễn Chính, quê ở Văn Đẩu, học trò ngài Tô Phong.

 

Di tích đình Đẩu Sơn không chỉ là chứng tích một thời mà còn là nhân chứng cho truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm và cách mạng của quần chúng sau này. Nơi đây từng là căn cứ địa xây dựng phong trào Cần vương do cụ Trần Thành Hộc làm thủ lĩnh. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình Đẩu Sơn là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật, che giấu cán bộ, nơi kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến, gắn liền với tên tuổi, chiến công của Anh hùng Trần Thành Ngọ và các đồng chí Trần Thanh Thóa, Trần Thành Hợi, Phạm Tiến Biểu, Trần Thành Lâm… đã – những người đã vì nước, chiến đấu, hy sinh, góp phần đem lại độc lập, tự do cho đất nước, cuộc sống thanh bình cho quê hương.

 

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và chiến tranh, đình Đẩu Sơn bị thiêu hủy, song vẫn giữ được một số di vật quý. Trong đình hiện còn 7 sắc phong và hương ước làng từ thời cổ, nhiều đồ thờ tự có niên đại từ thế kỷ 18. Đặc biệt, trong khuôn viên đình còn giữ được 3 tấm bia cổ, có khắc tên “Đẩu Sơn thôn đình”. Bên sân đình, cây bồ đề xòe tán rộng che phủ toàn bộ hai ngôi miếu thổ thần ở góc sân đình và một cây bàng cổ thụ có niên đại hơn 100 năm. Với bề dày truyền thống lịch sử, đình Đẩu Sơn được công nhận là di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố năm 2006. Đình Đẩu Sơn trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tinh thần của dân làng. Các cụ cao niên và Ban quản lý di tích lịch sử thường xuyên hội họp tại đình làng, bàn việc chung của địa phương. Vào dịp lễ hội, dân làng tổ chức nhiều hoạt động như tế thần rước kiệu, tái hiện trận chiến Bạch Đằng giang, bơi chải, thi nấu cỗ, hát chèo, hát đúm, hát văn, đấu cờ, đấu vật, chọi gà, kéo co, đi cầu thùm và các trò chơi dân gian khác. Để xứng tầm di tích lịch sử cấp thành phố, địa phương vận động nhân dân tiếp tục gìn giữ, tôn tạo di tích, bảo tồn những di vật quý của đình.

 

Vân Nga – Báo Hải Phòng 22/03/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đình Đẩu Sơn (phường Văn Đẩu, quận Kiến An): Đậm dấu ấn lịch sử kháng chiến
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác