Print Thứ Sáu, 19/05/2023 11:10 Gốc

Theo đề xuất của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2023, tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh, dù sử dụng nền tảng của nước ngoài hay trong nước. Đây được xem là giải pháp tích cực góp phần hạn chế hành vi lợi dụng sự phát triển công nghệ để thực hiện hành vi phạm pháp, nhất là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phức tạp như hiện nay.

Tài khoản ảo, lừa đảo thật

Vừa qua, Công an thành phố tiếp nhận đơn trình báo của anh H.N., ở quận Lê Chân về việc bị lừa đảo số tiền 139 triệu đồng khi thực hiện giao dịch mua bán điện thoại qua mạng. Bằng các biện pháp xác minh, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố) phối hợp phòng nghiệp vụ Công an thành phố Đà Nẵng, triệu tập đối tượng Nguyễn Mạnh Tuấn, sinh năm 2003, trú tại xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đến làm việc. Tại cơ quan công an, Tuấn khai nhận dùng thủ đoạn thu thập thông tin, hình ảnh qua mạng, tạo tài khoản mạo danh trang facebook bán hàng của cửa hàng điện thoại có thật, rồi kết bạn, trao đổi thông tin với những người làm nghề mua, bán điện thoại trong phạm vi cả nước. Tuấn mời mua điện thoại với giá rẻ, nhưng khi người mua chuyển tiền thì chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp của anh H.N. nằm trong số ít những vụ việc lực lượng chức năng truy tìm được chủ tài khoản mạng xã hội có hành vi lừa đảo. Trong phần lớn các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đối tượng thường dùng tài khoản ảo. Như trường hợp chị Nguyễn Thị T., (ở huyện Thủy Nguyên) được một người tự giới thiệu là công an, đang điều tra vụ án liên quan đến chị T. và yêu cầu chị chuyển tiền từ sổ tiết kiệm vào tài khoản khác để cơ quan điều tra “giữ hộ”, đồng thời dặn chị không được nói với ai. Sau khi chuyển tiền, chị T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Trực tiếp tham gia phá chuyên án đánh sập sàn giao dịch ngoại hối, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng lớn nhất từ trước đến nay tại Hải Phòng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lập tài khoản ngân hàng từ thông tin giả mạo trên căn cước công dân, thượng tá Phạm Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế (Công an thành phố) cho biết: Đơn vị nhận được hàng chục đơn thư tố giác tội phạm của người dân về các chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Cùng với thu thập thông tin trên mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo lấy mã OTP ngân hàng của người bị hại, chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố) rà soát, kiểm tra thông tin trên mạng xã hội.

Thêm giải pháp siết chặt quản lý

Qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cơ quan công an nhận định tội phạm trên không gian mạng ngày càng hoạt động tinh vi, khó phát hiện do tính ẩn danh cao. Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm này chưa đạt cao như các loại tội phạm khác, do đây là loại tội phạm ẩn. Sau khi phạm tội, các đối tượng nhanh chóng xóa dấu vết, gây khó khăn đối với lực lượng chức năng trong công tác xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ cũng như thu hồi tài sản. Sự phối hợp giữa các đơn vị, nhất là các ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông… chưa kịp thời, ảnh hưởng đến thời gian, hiệu quả công tác xác minh. Cùng với đó, nhận thức và sự cảnh giác của một bộ phận người dân còn hạn chế, sau khi phát hiện bị lừa đảo lại có tâm lý e ngại không trình báo cơ quan công an, hoặc chậm trễ tố giác tội phạm khi sự việc xảy ra nhiều ngày trước đó.

Trực tiếp tham gia đấu tranh với việc lợi dụng công nghệ để hoạt động phạm tội trên không gian mạng trong thời gian qua, thượng tá Nguyễn Đăng Trung, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố) cho biết: Qua thực hiện Đề án 06 xác thực cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với số điện thoại góp phần làm chuyển biến tình hình. Đến ngày 15/4, với những thuê bao không xác thực chính chủ đã bị cắt liên lạc 2 chiều, cơ quan chức năng phát hiện 1,2 triệu thuê bao không xác thực chính chủ, trong đó tiềm ẩn không ít trường hợp sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Bộ Công an phối hợp Ngân hàng Nhà nước tiến hành xác thực tài khoản thanh toán.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng với thay đổi rất quan trọng. Theo đó, yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh, này áp dụng đối với cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok…

Với các giải pháp quyết liệt của cơ quan chức năng, sẽ góp phần hạn chế tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng. Tuy nhiên, để chủ động phòng tránh, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội. Đối với những tin nhắn, cuộc gọi qua mạng xã hội, số điện thoại chứa thông tin thiếu minh bạch, người dân bình tĩnh xác minh, cẩn thận, nhất là trước những yêu cầu chuyển khoản, vay tiền… Nếu có dấu hiệu nghi vấn, cần đến thông báo ngay đến cơ quan công an./.

Bài và Ảnh: Lê Oanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Định danh tài khoản mạng xã hội: Góp phần hạn chế tội phạm lợi dụng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác