Print Thứ Tư, 06/11/2019 14:43

Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 22 vừa thống nhất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020. Đây là lần thứ 3 phải điều chỉnh, bổ sung bởi sự thay đổi của cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng những quy định chặt chẽ của Luật Đầu tư công.

Tuy nhiên, mỗi lần thay đổi lại phải thực hiện rất nhiều thủ tục, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các dự án đã được phê duyệt nằm trong danh mục đầu tư công trung hạn 5 năm.

Với sự hỗ trợ xi măng của thành phố, người dân xã Đại Hà (huyện Kiến Thụy) đóng góp ngày công, tiền mua cát, đá bê tông hóa đường nội đồng.

Do nguồn vốn Trung ương giảm

Theo ông Trần Việt Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của thành phố đã được HĐND thành phố phê duyệt tại Nghị quyết (NQ) số 10 ngày 20-7-2017; điều chỉnh bổ sung lần thứ nhất tại NQ số 29 ngày 10- 12-2018; lần thứ 2 tại NQ số 35 ngày 19-7-2019 và đây là lần thứ 3 sẽ phải trình kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố cuối năm nay.

Ông Trần Việt Tuấn cho biết, tổng vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 của thành phố theo NQ 35 là 57.897 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư công của Trung ương là 9.456,5 tỷ đồng; vốn đầu tư công của thành phố là 48.440 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, theo NQ số 38 ngày 19-7-2019 của HĐND thành phố (về dự kiến lần thứ nhất kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2020), tổng nguồn vốn là 16.443 tỷ đồng, bao gồm 2.872 tỷ đồng vốn Trung ương và 13.571 tỷ đồng vốn địa phương. Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc giao dự toán ngân sách Nhà nước và kế hoạch vốn đầu tư công của Trung ương. Theo đó, dự kiến năm 2020, vốn đầu tư công của Trung ương dành cho thành phố chỉ có 1481,7 tỷ đồng, giảm 1390 tỷ đồng so với NQ 38. Cùng với đó, dự toán ngân sách thành phố năm 2020 chuẩn bị trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 11 cũng dự kiến mức vốn đầu tư công của thành phố chỉ còn 10.918 tỷ đồng, giảm 2652,7 tỷ đồng so với NQ 38. Đây là những lý do chủ yếu buộc phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016- 2020 để bảo đảm sự cân đối nguồn vốn và tính khả thi khi triển khai thực hiện các dự án, tránh tình trạng dự án có trong danh mục nhưng lại phải chờ vốn.

Đáp ứng các yêu cầu phát triển trọng điểm

Với sự điều chỉnh đó, tổng mức vốn đầu tư công trung hạn của thành phố 5 năm 2016-2020 chỉ còn 53.854 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương từ 9456,5 tỷ đồng giảm còn 8066 tỷ đồng; vốn thành phố từ 48.440 tỷ đồng giảm còn 45.788 tỷ đồng.

Do tổng nguồn vốn bị giảm nên việc phân bổ vốn cho các chương trình, dự án cũng buộc phải điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, thành phố dự kiến bảo đảm đáp ứng các yêu cầu phát triển trọng điểm. Trong đó, chỉ giảm mức phân bổ tại một số khu vực chưa thật sự cần thiết. Nhưng ngược lại, có những khu vực lại được điều chỉnh tăng. Chẳng hạn như, tại chương trình xây dựng nông thôn mới, mức vốn phân bổ mới cho cả 5 năm dự kiến là 3673,9 tỷ đồng, tăng 840 tỷ đồng so với NQ số 35. Lý do là sau khi 100% số xã của Hải Phòng hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí thì yêu cầu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đang là đòi hỏi cấp thiết. Do đó, thành phố dự kiến năm 2020 sẽ phân bổ 1500 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có 800 tỷ đồng phục vụ việc hoàn thành các huyện nông thôn mới và 700 tỷ đồng thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Một số chương trình cũng được thành phố giữ nguyên như: phân cấp cho các quận, huyện (vẫn bảo đảm 8396,8 tỷ đồng như NQ 35); bổ sung vốn cho Quỹ đầu tư và phát triển đất 264,3 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng 277,5 tỷ đồng; trả các khoản nợ, các khoản phải trả đến hạn 1219 tỷ đồng; bố trí cho các nhiệm vụ khác 30,4 tỷ đồng…

Một số chương trình sẽ được điều chỉnh giảm để phù hợp với cơ cấu nguồn vốn mới là vốn chuẩn bị đầu tư giảm 20 tỷ đồng (còn 118,3 tỷ đồng); vốn cho công tác quy hoạch giảm 45 tỷ đồng (còn 35 tỷ đồng); bố trí cho các dự án của thành phố còn 27.401 tỷ đồng (giảm 3428 tỷ đồng). Đáng lưu ý là trong số này, thành phố vẫn ưu tiên dành 1691 tỷ đồng bố trí cho các dự án vay lại vốn ODA theo hiệp định đã ký; chỉ giảm vốn bố trí cho một số dự án chưa thật sự cần thiết của thành phố.

Phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn sẽ tiếp tục được rà soát, cập nhật theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư về giao dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2020 để hoàn chỉnh hồ sơ trình HĐND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, qua công tác điều hành vốn đầu tư công những năm gần đây cho thấy phải thường xuyên, liên tục điều chỉnh, bổ sung. Nguyên nhân là việc xác định kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả 5 năm tuy có những ưu việt nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập khi thực hiện. Rõ nhất là các nguồn vốn trên thực tế, theo từng năm sẽ rất khó như dự kiến. Trong khi đó, mỗi sự thay đổi về cơ cấu nguồn vốn là phải điều chỉnh, bổ sung. Và mỗi lần bổ sung đều phải trình Thành ủy; HĐND thành phố thông qua với không ít thủ tục, công việc phải tiến hành. Đây là vấn đề rất cần được xem xét, sửa đổi các quy định, thủ tục để bảo đảm việc điều hành vốn đầu tư công tuân thủ các quy định, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả nhưng rất linh hoạt, nhanh chóng, giảm thủ tục, giảm thời gian, tạo điều kiện để các công trình, dự án đã nằm trong danh mục được phê duyệt là được thực hiện thuận lợi, đúng thời gian đã định.

Bài: Hồng Thanh; Ảnh: Duy Thính

Nguồn. Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Điều hành linh hoạt với sự thay đổi nguồn vốn đầu tư công
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác