Print Thứ Bảy, 25/04/2020 13:26 Gốc

Hiện nay, Sở Xây dựng, Liên danh Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia và AECOM SINGAPORE PTE.LTD tiếp tục hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đề xuất mới của các đơn vị, đô thị Hải Phòng phát triển theo mô hình “3 hành lang, 2 vành đai, 3 trọng điểm”.

Đổi mới mô hình phát triển đô thị

Theo KTS Phạm Thị Nhâm, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia việc bổ sung, điều chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố lần này được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 874 ngày 13-9-2019 và ý kiến của các chuyên gia quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố. Theo đó, đồ án đề xuất 4 mô hình đô thị tiên tiến của thế giới là: đô thị hàng hải toàn cầu, đô thị đáng sống ven sông, đô thị sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh để định hình khung phát triển tương lai cho thành phố cửa ngõ Hải Phòng. Đồ án xác định mô hình cấu trúc không gian đô thị chuyển hướng từ mô hình đô thị đa tầm kết nối trung tâm nội thành hiện hữu với các tỉnh (theo quy hoạch chung năm 2009) sang mô hình đô thị 2 vành đai, 3 hành lang và 3 trọng điểm đô thị.

Cơ sở hạ tầng Khu đô thị Bắc sông Cấm đang được triển khai xây dựng.

Cụ thể, 2 vành đai kinh tế là phát triển vành đai công nghiệp và vành đai ven biển. Trong đó, vành đai công nghiệp được phát triển nối từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thủy Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) cho phép khai thác quỹ đất rộng lớn hơn trong đất liền, để giải quyết xung đột công nghiệp, đô thị. 3 hành lang phát triển đô thị gồm: không gian đô thị dọc sông Cấm; không gian đô thị dọc sông Lạch Tray và không gian đô thị dọc sông Văn Úc. 3 trọng điểm phát triển đô thị gồm: đô thị lịch sử – hành chính mới; đô thị hàng hải trung tâm tài chính và đô thị sân bay (sân bay Tiên Lãng mới). Trên cơ sở này, có thể định hình các trung tâm đô thị bao gồm: trung tâm động lực chính là đô thị lịch sử thành phố Hải Phòng phía bờ Nam sông Cấm, đô thị hàng hải kết nối cảng và trung tâm hiện hữu, đô thị sân bay và trung tâm động lực hỗ trợ là đô thị tài chính, thương mại tại khu vực Dương Kinh, đô thị du lịch Đồ Sơn, đô thị công nghiệp tại Thủy Nguyên.

Cũng theo KTS Phạm Thị Nhâm, mô hình này nhằm giải quyết 2 thách thức lớn của Hải Phòng – đô thị cửa ngõ trong bối cảnh quốc gia đang chuyển dịch nền kinh tế có thu nhập thấp sang thu nhập trung bình, Hải Phòng sẽ đối mặt với sự chuyển đổi từ mức độ đô thị hóa thấp sang đô thị hóa cao hơn và chuyển đổi từ kết nối hẹp sang kế nối rộng hơn. Xây dựng mô hình đô thị “đa tâm” sẽ tạo cơ hội cho tất cả các quận, huyện có cơ hội tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa, không phân biệt khu vực đô thị và nông thôn. Các địa phương trên địa bàn thành phố cùng có trách nhiệm như nhau, để xây dựng một thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Bên cạnh đó, vành đai trung tâm động lực mới hướng ra biển Đông theo mô hình đô thị hàng hải toàn cầu, gồm trung tâm công nghiệp – cảng hiện hữu, trung tâm tài chính, dịch vụ hàng không sân bay, cùng với thành phố lịch sử và hành chính mới đón nhận các vận hội mới để phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh

Theo ông Lê Văn Hiến, nguyên Viện phó Viện quy hoạch Hải Phòng, đồ án quy hoạch lần này có căn cứ rõ hơn về chủ trương (từ Nghị quyết 32 chuyển sang Nghị quyết 45). Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần làm rõ căn cứ chọn vùng phát triển đô thị hàng hải và chỉ ra tính khả thi của việc phát triển đô thị khu vực này. Bởi, thực tế khu vực vùng phát triển đô thị hàng hải theo đơn vị tư vấn chủ yếu là đất sình lầy, đang bồi lắng. Nếu không nghiên cứu kỹ, việc đầu tư xây dựng sẽ lãng phí, không phát huy hiệu quả. KTS Võ Quốc Thái, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hải Phòng cho rằng, qua nghiên cứu đồ án, đơn vị tư vấn cần xem lại quy hoạch phát triển cảng Nam Đồ Sơn, tổ hợp khu đô thị sân bay… Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu hệ thống đại lộ đô thị kết nối các trung tâm lại với nhau, quy hoạch cấp nước cho các vùng đô thị, chú trọng khuyến cáo về bảo vệ nguồn nước..

Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, để hoàn thiện đồ án, trong tháng 1-2020, Sở tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại diện các sở, ngành, địa phương về đồ án điều chỉnh lần này. Phần đông các ý kiến cơ bản nhất trí với các phân tích đánh giá mới của đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phương án quy hoạch. Trong đồ án cũng cần phải cập nhật thêm các dữ liệu mới về dự án giao thông, công nghiệp, hạ tầng kinh tế cảng, biển… thành phố đang triển khai để xây dựng định hướng, quy hoạch phù hợp hơn… Trên cơ sở các góp ý này, Sở phối hợp đơn vị tư vấn triển khai bổ sung, hoàn thiện đồ án, báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét.

Hà Minh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050: Đề xuất phát triển 3 trọng điểm đô thị
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác