Quyết định số 535 ngày 15-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, có nhiều điểm mới về định hướng phát triển không gian đô thị, phát triển thành phố cảng văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc- đánh giá của Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Võ Quốc Thái. Đây là cơ sở để thành phố phối hợp các bộ, ngành sớm hoàn thiện, trình duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch.
Khu đô thị Vinhome Riverside khi hoàn thành sẽ tạo thêm điểm nhấn cho đô thị Hải Phòng.
Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa
Đô thị hiện đại, giàu bản sắc
Để tạo bộ mặt đô thị thống nhất và có bản sắc riêng, điều chỉnh quy hoạch chú trọng đến việc chỉnh trang, tái thiết đô thị cũ. Hiện, thành phố đang tập trung chỉnh trang ở khu vực ven sông Tam Bạc bằng việc hình thành các tuyến công viên, đường bộ ven sông. Triển khai quy hoạch Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt- Tiệp và khu vực hồ An Biên; tiếp tục nâng cấp, xây dựng lại các khu chung cư cũ; hình thành hệ thống công viên cây xanh… Thành phố tiếp tục mở rộng các khu đô thị mới về phía Bắc sông Cấm như xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Bắc sông Cấm; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị gắn với công nghiệp như VSIP, Bến Rừng, làm cơ sở hình thành quận mới.
Đặc trưng hướng biển thể hiện ở mục tiêu phát triển mạnh đô thị về hướng đông ở khu vực Đình Vũ- Cát Hải, quần đảo Cát Bà, khu vực Tràng Cát và phía Đông Nam quận Dương Kinh, Đồ Sơn để khai thác tiềm năng, lợi thế của đô thị biển. Quy hoạch khu vực Cát Hải thành “đảo thông minh” gắn với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải. Khai thác hết quỹ đất xây dựng các khu đô thị mới ở các phường Nam Hải, Đông Hải, Tràng Cát, cảng ven sông Cấm và khu công nghiệp, cảng Đình Vũ…Hướng đột phá phát triển về phía huyện Cát Hải khi xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện; giai đoạn 1 quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí đảo Cát Bà và tổ hợp nhà máy sản xuất chế tạo ô tô Vinfast. Hướng đột phá phát triển về phía Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray có Bệnh viện quốc tế Vinmec sắp hoàn thành. Dự án tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp CHUO đang triển khai. Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu, Trung tâm thương mại AEON (Nhật Bản) đang hình thành…
Định hướng của việc điều chỉnh Quy hoạch chung là phát triển Hải Phòng thành thành phố cảng văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước, là trung tâm dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, y tế của vùng Duyên hải Bắc bộ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc.
Mở rộng không gian đô thị hài hòa, cân đối
Một trong những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng là bổ sung các nội dung mới về thiết kế đô thị, nghiên cứu phát triển đô thị gắn với bảo tồn. Quy hoạch bảo đảm tính toàn diện, sáng tỏ và gợi mở về bức tranh phát triển để triển khai các công tác tiếp theo về lập quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị. Xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển đô thị; cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện hữu, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, chi tiết trên địa bàn thành phố. Qua đó, tạo sự hấp dẫn đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển vào những mục tiêu ưu tiên; rà soát, định hướng phát triển đáp ứng các tiêu chí đô thị loại 1; nghiên cứu đề xuất định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao trong đô thị.
Về định hướng không gian đô thị, quy hoạch xác định, trong định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, cần đề xuất mô hình cấu trúc phát triển như: khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, khu kinh tế, khu du lịch, các vùng sinh thái, dự trữ phát triển mở rộng… Hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, cảng và dịch vụ sau cảng; hệ thống trung tâm hành chính – chính trị, thành phố, cấp quận huyện; hệ thống không gian xanh.
Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Võ Quốc Thái, từ việc xác định quy mô dân số đến năm 2025 và 2035, quy hoạch định hướng rõ phát triển không gian đô thị cũng phải được mở rộng tương ứng nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa, cân đối. Theo đó, lấy trung tâm đô thị gồm 3 quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền hiện nay làm vùng lõi, quy hoạch định hướng không gian đô thị phát triển mở rộng ra các hướng chung quanh theo lộ trình đến năm 2025- 2035. Cụ thể, không gian đô thị mở rộng về khu vực Thủy Nguyên, An Dương, Cát Hải. Đồng thời, phủ kín mật độ đô thị ở các khu vực hiện còn thưa thớt như Dương Kinh, Kiến An, Đình Vũ, các đô thị vệ tinh. Định hướng đến năm 2050 về lâu dài, không gian đô thị Hải Phòng cần tính đến việc mở rộng các khu vực ven sông ở khu vực ngoại thành như sông Văn Úc ở khu vực An Lão, Tiên Lãng, Kiến Thụy…
Dự báo đến năm 2025, Hải Phòng có khoảng 2,4 – 2,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 – 65%; đến năm 2035 có khoảng 3,5 – 4,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%. Dự báo đến năm 2025, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 22.200 ha, chỉ tiêu 150 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng từ 9.000 ha – 11.500 ha, chỉ tiêu từ 60 m2/người – 78 m2/người.
Phạm Lượng – Báo Hải Phòng 06/7/2018
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More