Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hải Phòng là cơ quan tổ chức lập quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi được Bộ Xây dựng thẩm định. Thời gian hoàn thành quy hoạch không quá 15 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được duyệt.
Đô thị Hải Phòng. Ảnh: Hồng Phong
Nâng cao vai trò vị thế của thành phố Hải Phòng trong khu vực và thế giới
Phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Phòng, với diện tích 156.176 ha. Mục tiêu quy hoạch nhằm nâng cao vai trò vị thế của thành phố Hải Phòng trong khu vực và thế giới. Phát triển thành phố Hải Phòng thành thành phố cảng văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc. Phát triển phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước, là trung tâm dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc.
Theo quy hoạch, thành phố Hải Phòng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, một trung tâm lớn về kinh tế, giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Dự báo đến năm 2025, thành phố Hải Phòng sẽ có khoảng 2,4 – 2,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 – 65%; đến năm 2035 sẽ có khoảng 3,5 – 4,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%.
Dự báo đến năm 2025, quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 22.200 ha, chỉ tiêu 150 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng từ 9.000 ha – 11.500 ha, chỉ tiêu từ 60 m2/người – 78 m2/người. Dự báo đến năm 2035: Quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 56.700 ha, chỉ tiêu 180 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 18.900 ha – 24.500 ha, chỉ tiêu từ 60 m2/người – 78 m2/người.
Gợi mở về bức tranh phát triển Hải Phòng
Những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng gồm: Rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2009 và tình hình thực tiễn phát triển đô thị tại thành phố Hải Phòng; rà soát định hướng phát triển các khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng, đánh giá tính phù hợp với xu thế và vận hội phát triển thực tế của thành phố Hải Phòng.
Bổ sung các nội dung mới về thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống không gian ngầm đô thị, chiếu sáng trang trí đô thị; nghiên cứu đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển đô thị dựa trên hệ thống các phương pháp khoa học và cơ sở hiểu biết toàn diện về bảo tồn cảnh quan đô thị, khả năng cung ứng về hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo tính toàn diện, sáng tỏ và gợi mở về bức tranh phát triển để triển khai các công tác tiếp theo về lập Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc đô thị thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh đó, xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển đô thị; cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện hữu, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, chi tiết trên địa bàn thành phố; tạo sự hấp dẫn đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển vào những mục tiêu ưu tiên; rà soát, định hướng phát triển đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I; nghiên cứu đề xuất định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao trong đô thị.
Về yêu cầu về nội dung hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng, cần phân tích vị trí và mối quan hệ vùng. Cụ thể, phân tích các lợi thế và hạn chế do vị trí tạo ra. Phân tích mức độ khai thác lợi thế vị trí mà thành phố đã và chưa đạt được; phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước, vùng duyên hải Bắc Bộ và những ảnh hưởng qua lại của nó đối với vận hội phát triển đô thị tại Hải Phòng.
Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng, trong đó, phân tích các chỉ tiêu về hiện trạng kinh tế – xã hội; các cơ sở kinh tế kỹ thuật chủ yếu trong thành phố, mức độ phát triển của các ngành kinh tế chủ lực của thành phố; phân tích mô hình, không gian hoạt động và nhu cầu không gian để phát triển cho các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất, cùng các không gian liên quan. Rà soát các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo quy hoạch kinh tế – xã hội mới nhất của thành phố; các chỉ tiêu đánh giá đô thị loại 1.
Thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỉ lệ dân số, lao động (5 năm gần nhất); phân tích xu hướng phát triển dân số, tình hình phân bố dân cư (đô thị – nông thôn), các hiện tượng dịch cư, các vấn đề do đô thị hóa; thống kê, tổng hợp, đánh giá tình hình sử dụng đất đai; phân tích đánh giá tình hình sử dụng đất tại các khu vực lập quy hoạch, đặc biệt là quỹ đất đã xây dựng đô thị, công nghiệp, du lịch, hạ tầng….; rà soát, đánh giá quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất toàn thành phố.
Rà soát lại các dự án, định hướng phát triển không gian đô thị
Quy hoạch cần đánh giá thực trạng hệ thống hạ tầng xã hội trên các lĩnh vực: Hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi giải trí. Đặc biệt các công trình mang tính phục vụ cấp vùng: trung tâm giáo dục – đào tạo, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm văn hóa, du lịch. Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng xã hội, đề xuất bổ sung hoặc tôn tạo trên cơ sở hiện trạng, tập trung chủ yếu về khía cạnh quỹ đất và xây dựng công trình.
Đánh giá hiện trạng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên các lĩnh vực: đánh giá thực trạng chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, cấp điện, thu gom xử lý nước thải, rác thải, nghĩa trang; hiện trạng các công trình đầu mối cấp vùng liên quan trực tiếp đến thành phố Hải Phòng; hiện trạng môi trường. Quy hoạch xem xét các vấn đề về quản lý đô thị như hiện trạng quản lý phát triển đô thị; các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý quy hoạch đô thị.
Rà soát các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố: Tổng quan chung về các quy hoạch, chương trình, dự án trong khu vực. Xem xét đánh giá đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố Hải Phòng (năm 2009), Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Xem xét tính hiệu quả và sự phù hợp của các quy hoạch, chương trình, dự án với các vấn đề về mục tiêu, tầm nhìn đã đặt ra.
Trong quy hoạch cần tổng hợp, kết luận về phân tích đánh giá hiện trạng, cụ thể: lập bảng phân tích tổng hợp đối với các yếu tố chính và phân hạng ưu tiên vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch điều chỉnh.
Quy hoạch cũng sẽ định hướng phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất đai, định hướng xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược, xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư đảm bảo phù hợp với dự báo nguồn lực thực hiện.
Cổng TTĐT thành phố 19/05/2018
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More