Tính độc quyền trong ngành điện còn cao nên chưa thể điều hành giá điện theo chu kỳ như xăng dầu hiện nay.
Để điều hành giá bán điện sát với thị trường, trước hết cần thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích nhiều chủ thể tham gia vào ngành điện, từng bước giảm độc quyền, tiến tới xây dựng một thị trường điện cạnh tranh.
Nhận định này được TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi có thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có kiến nghị thay đổi cơ chế điều hành giá bán lẻ điện như cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay. Bên cạnh đó, Tuổi Trẻ cũng ghi nhận thêm những ý kiến khác.
Cần hình thành cơ chế đầu vào, đầu ra cạnh tranh
* Về kiến nghị này, quan điểm của ông thế nào, thưa ông?
Tôi cho rằng trước khi nghĩ tới cơ chế mở này cần có cơ chế phát triển thị trường điện cạnh tranh, trong đó có cả yếu tố đầu vào cho sản xuất điện. Làm sao để đầu vào của ngành điện cởi mở, cạnh tranh hơn.
Chẳng hạn việc cạnh tranh bán điện giữa các nhà máy điện, đặc biệt là những nhà máy không được bảo đảm bằng nguồn nhiên liệu trong nước.
Nhiệt điện than đang nhập khẩu 30% từ bên ngoài nên cần có cơ chế để các nhà máy điện than được chủ động tìm kiếm nguồn cung than.
Hiện nay, việc nhập khẩu nhiên liệu đầu vào các nhà máy điện đang được điều tiết bởi Bộ Công Thương, thông qua sự điều phối giữa Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và EVN.
Nhiều chủ đầu tư nhà máy điện, đặc biệt chủ đầu tư nước ngoài, thời gian qua đã đề xuất cơ chế đàm phán trực tiếp để mua bán điện với những khách hàng tiềm năng, chẳng hạn như chủ đầu tư các khu công nghiệp. Tóm lại cần hình thành cơ chế đầu vào, cơ chế đầu ra cạnh tranh cho ngành điện.
Tuy nhiên, hiện nay EVN nắm lợi thế độc quyền rất lớn đối với điện tiêu dùng cả ở đầu vào và đầu ra.
Như vậy thì EVN không thể dùng cơ chế giá “thả nổi” của thị trường tự do. EVN không thể áp giá điện theo mức chuẩn của thị trường được. Thị trường điện vẫn phải có vai trò điều tiết của Nhà nước.
* Ông có thể phân tích kỹ hơn sự khác biệt trong cơ chế điều hành giá điện và giá xăng dầu hiện nay?
Kể cả điện sản xuất hay điện tiêu dùng thì giá bán cũng không thể điều hành như xăng dầu, điều hành giá chạy theo giá bất ổn trên thị trường. Giá bán điện luôn cần có trù liệu, đặc biệt là điện sinh hoạt của hộ gia đình, không thể “thả nổi“, thiếu sự điều tiết của Nhà nước.
Thị trường xăng dầu dù sao cũng có nhiều nhà cung cấp, hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu của tư nhân nhiều nên việc định giá neo theo thị trường.
Hơn nữa, nhu cầu sử dụng xăng dầu có thể cá thể hóa, cá nhân hóa được, người đi xe máy, xe hơi hay phương tiện công cộng có nhu cầu xăng dầu khác nhau. Trong khi đó, nhu cầu điện lại phổ quát và bắt buộc, không có những lựa chọn như nói trên.
Vì thế, EVN có thể bù giá từ điện sản xuất sang điện sinh hoạt hoặc có cơ chế nào đó để bù đắp trong một quá trình dài.
Giá điện sản xuất thường gắn với lợi nhuận kinh doanh nên EVN có thể tính toán thu theo một mức nào đấy nhưng điện tiêu dùng gắn với an sinh xã hội, chỉ số lạm phát, rất nhạy cảm, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực tiêu dùng và mọi dịch vụ, sản xuất nhỏ lẻ của người dân đều phụ thuộc vào điện nên giá phải duy trì ổn định trong thời gian nhất định.
Trên thực tế, giá xăng dầu thế giới thay đổi theo ngày nhưng giá điện thì không nơi nào thay đổi theo ngày được cả.
Cần làm rõ khoản lỗ của EVN
* Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để tăng tính cạnh tranh trên thị trường điện?
Cần thí điểm trên quy mô nhỏ việc mua bán điện trực tiếp giữa các nhà máy điện với các bên đủ điều kiện mua điện trực tiếp, những nơi tiêu thụ điện lớn, tập trung như khu công nghiệp hoặc những nhà máy tiêu thụ điện lớn như gang thép Formosa, Hòa Phát.
Khi có thị trường mua bán điện cạnh tranh thì các bên mới có thể tự thương lượng, thỏa thuận giá bán. Còn khi hệ thống điện quốc dân, phổ cập chưa có cơ chế giảm độc quyền của EVN thì không thể để giá điện thả nổi.
Những năm qua, Chính phủ chưa quyết tăng giá điện nhằm kìm mặt bằng giá cả, hỗ trợ an sinh, phục hồi kinh tế, chính sách kiềm chế giá năng lượng là chính sách chung dù doanh nghiệp phải gồng lỗ.
Giờ điều tiết về mặt kỹ thuật sao cho hài hòa thì cần tính toán kỹ từ phía Bộ Công Thương và EVN.
* Vậy việc EVN đang đối mặt với khoản nợ hàng chục ngàn tỉ được cho là vì giá bán điện quá thấp, theo ông, cần làm gì để hóa giải áp lực này?
Bối cảnh vĩ mô hiện nay cần có một cơ chế để hài hòa lợi ích của EVN, phải linh hoạt hơn trong điều hành ngành điện.
Nhiều đơn vị sản xuất điện than, điện khí cho rằng do họ không có được cơ chế linh hoạt, được quyền tự chủ nhất định trong đàm phán mua than, khí của nước ngoài nên chi phí đầu vào của họ cao, họ thiệt thòi.
Lúc giá nhiên liệu thấp phải chờ cơ quan quản lý duyệt, đến khi đi đàm phán mua thì giá nhiên liệu lại lên cao nên họ không giảm được chi phí đầu vào.
Những năm gần đây, đến người công chức còn chưa được tăng lương thì những thứ giá khác phải kiểm soát, đặc biệt EVN là doanh nghiệp nhà nước, là bộ phận chủ đạo để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Cần làm rõ khoản lỗ của EVN hiện nay là do chi phí đầu vào bao nhiêu hay cơ chế quản lý còn có vấn đề.
Rõ ràng cơ chế đàm phán bán điện cho EVN cũng đang còn vấn đề khi mà nhiều dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đang thừa công suất vì họ chưa đàm phán xong việc bán điện cho EVN.
Nếu các nhà máy điện này được tự do mua bán một phần điện sản xuất với một số đối tác sẽ giảm gánh nặng điều tiết điện quốc gia, giảm gánh nặng cho EVN. Như vậy EVN chỉ tập trung lo điện tiêu dùng thì sẽ quá tốt.
Nếu làm được việc này cũng sẽ giảm gánh nặng cho cả một hệ thống điều tiết ngành điện từ Bộ Công Thương đến EVN, TKV hiện nay.
Cơ chế hiện nay quá cồng kềnh làm chi phí của EVN tăng lên. Trong ngành điện cái gì thị trường được thì nên đẩy mạnh thị trường, tăng cạnh tranh, hướng tới thị trường điện mở, đặc biệt thị trường điện phục vụ sản xuất công nghiệp.
Trước đây ngành nước sạch cũng như ngành điện do Nhà nước bao sân, bây giờ một số địa phương cũng có vài doanh nghiệp cung cấp nước sạch, sự cạnh tranh tăng lên và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nhà nước.
Tương tự, ngành viễn thông cũng vậy khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thì cước phí đã giảm mạnh những năm qua.
PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính):
Có thể điều chỉnh tăng giá điện ở mức phù hợp
Giá điện không thể điều chỉnh theo chu kỳ ngắn ngày như giá xăng dầu hiện nay vì quá trình hạch toán giá điện là quá trình toàn ngành, ít nhất sáu tháng mới có thể hạch toán toàn ngành một lần.
Về bản chất thì điều chỉnh giá xăng dầu và điều chỉnh giá điện như nhau, đều dựa vào chi phí đầu vào. Hiện thị trường xăng dầu, đặc biệt thị trường điện còn độc quyền nên Nhà nước phải định giá, nhưng là định giá sát với thị trường.
Cơ sở định giá xăng dầu, điện của Nhà nước dựa trên chi phí sản xuất. Với giá điện, chi phí gồm bốn khâu: phát điện; truyền dẫn; phân phối bán buôn, bán lẻ và chi phí điều hành.
Với điều hành giá điện, Thủ tướng đã có quyết định 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (QĐ24), theo đó khi giá đầu vào tăng thì Nhà nước sẽ tiến hành định giá lại cho sát với thị trường.
Chúng ta cũng có bài học kinh nghiệm về điều hành giá xăng dầu vừa qua khi định giá không sát với thị trường, doanh thu kinh doanh xăng dầu quá thấp không bù đắp đủ chi phí kinh doanh, doanh nghiệp bị lỗ nên họ không nhập khẩu xăng dầu về phân phối đã tạo thiếu hụt cục bộ.
Hiện nay chi phí đầu vào ngành điện tăng là do khách quan, giá nhiên liệu đầu vào tăng thì giá bán điện phải tăng theo. Từ tháng 3/2019 đến nay chúng ta không điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân dù giá đầu vào tăng mạnh.
Như vậy, đề xuất điều chỉnh giá điện theo thị trường như giá xăng dầu theo đề xuất của lãnh đạo EVN là về mặt hình thức, dựa theo chi phí đầu vào với tần suất điều chỉnh sáu tháng/lần. Có thể thấy, EVN chỉ nhắc lại nội dung quyết định của Chính phủ từ năm 2017.
Thời gian qua giá điện rất nhạy cảm, tác động toàn diện đến mặt bằng giá nên Chính phủ phải chờ đến khi kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp thì mới điều chỉnh tăng giá bán điện.
Bối cảnh hiện nay có thể kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% thì có thể thực hiện việc điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức phù hợp.
Đôi khi chúng ta sai lầm, để giá điện dồn nén quá lâu như lò xo đến khi bật tung lên thì tác động sẽ rất lớn.
EVN “vỡ trận” vì hơn 3 năm không được tăng giá bán điện
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN, cho hay như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 15/12 tại Hà Nội.
Theo ông Nhân, năm 2022 là năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên. Mặc dù doanh thu tăng, sản lượng tăng nhưng EVN là một trong hai doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước kinh doanh thua lỗ. Nguyên nhân lỗ là do EVN không được tăng giá điện.
Về nguyên nhân EVN lỗ trong năm 2022, theo ông Nhân, là do giá than nhập khẩu đã tăng sáu lần so với đầu năm 2021 và tăng gấp ba lần so với đầu năm 2022. Chi phí than tăng thêm làm cho chi phí EVN tăng hơn 47.700 tỉ đồng trong năm nay. Phần khí sản xuất điện ăn theo giá dầu cũng tăng thêm 5.500 tỉ đồng.
Trong hoạt động của EVN hiện nay có hai khó khăn lớn, một là chi phí hoạt động cao, các dự án đầu tư nguồn điện thua lỗ.
Nguyên nhân do các quy hoạch chưa được phê duyệt, do các thủ tục đầu tư, khủng hoảng năng lượng, thu xếp vốn khó khăn. Đây là những khó khăn lớn. Nếu như các dự án EVN được giao chậm triển khai thì sẽ ảnh hưởng tới cung ứng điện cho giai đoạn tiếp theo, từ nay đến năm 2030 và sau năm 2030.
Mỗi kwh điện bán ra EVN đang lỗ khoảng 180 đồng, con số lỗ của tập đoàn này trong năm nay lên tới hơn 31.000 tỉ đồng.
EVN đưa hai kiến nghị với ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
1. Xác nhận EVN lỗ do nguyên nhân khách quan. Trong năm 2022 EVN đã thua lỗ rồi, năm 2023 EVN sẽ tiếp tục lỗ nếu không được điều chỉnh giá điện kịp thời hoặc điều chỉnh tăng giá bán ở mức thấp.
2. Xem xét việc than và khí trong nước không bảo đảm cho phát điện. Nguồn than trong nước hiện bảo đảm được khoảng 70%, còn lại phải nhập khẩu, nhiên liệu khí cũng chỉ bảo đảm được khoảng 2/3 công suất phát điện.
Giá điện phải có tăng, có giảm (N.HIỂN ghi)
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho rằng gọi là thị trường thì EVN phải tăng và giảm giá theo giá đầu vào, như giá điện hiện nay chưa theo thị trường bởi chỉ có tăng thôi mà không giảm.
“Do đó, khi thị trường thế giới ổn định, giá dầu giảm, giá than xuống thấp và huy động thủy điện nhiều lên, dứt khoát EVN phải tính lại các chi phí để buộc phải giảm. Ví dụ ba tháng mùa mưa huy động thủy điện nhiều, lúc đó EVN phải giảm giá cho người dân bởi giá thủy điện thấp“, ông Thịnh nói.
Trước các lo ngại về việc điều chỉnh giá điện thường xuyên tác động đến các ngành kinh tế, ông Thịnh cho rằng khi giá điện theo thị trường, các ngành sản xuất sẽ tự điều tiết để thích nghi với cơ chế giá điện mới. Đồng thời, cả người dân, doanh nghiệp và các ngành công nghiệp buộc phải tính toán lại, tiết kiệm nhiều hơn, tránh lãng phí nguồn điện.
Tương tự, một chuyên gia năng lượng cũng cho biết hiện nay với phần lớn các ngành sản xuất, doanh nghiệp chưa thực sự đầu tư các loại máy móc công nghệ mới, tiết kiệm điện năng.
Tuy vậy, việc điều chỉnh cần tránh gây “sốc“, phải có cảnh báo, chia sẻ thông tin để doanh nghiệp nắm, điều chỉnh kế hoạch sản xuất bởi đơn hàng thường đặt trước 3-6 tháng, nếu tăng giá điện khi đơn hàng đã ký sẽ khó khăn cho doanh nghiệp.
BẢO NGỌC thực hiện