Sáng 17/1, tại KCN Đình Vũ, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CS PCCC và CNCH) – CATP phối hợp cùng các lực lượng tổ chức diễn tập phương án PCCC và CNCH trên sông, biển quy mô lớn tại Cầu cảng EURO trong khu công nghiệp.
Đến dự và chỉ đạo cuộc diễn tập có các đồng chí: Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng cục Cảnh sát PCCC – Bộ công an; Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập; Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Giám đốc CATP Hải Phòng; Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó Giám đốc CATP, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo diễn tập…
Tham gia diễn tập có các đơn vị: Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I; Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 1; Bộ Chỉ huy Quân sự TP; Bộ đội Biên phòng TP; UBND quận Hải An; Công ty TNHH Cầu cảng EURO (Việt Nam); Xí nghiệp Tổng kho xăng dầu Đình Vũ; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc – Công ty TNHH MTV 128 Hải quân; Phòng CS PCCC và CNCH – Công an tỉnh Quảng Ninh và các sở, ban, ngành thành phố; các cơ quan, doanh nghiệp có xe chữa cháy trên địa bàn thành phố. Lực lượng trực tiếp tham gia diễn tập lên đến 700 người…
Xác định 5 loại hình cháy rất khó khăn, phức tạp khi cứu chữa đặc biệt là cháy trên sông, biển và cháy rừng, hằng năm, Bộ Công an đều đặt ra yêu cầu đối với công an các tỉnh, thành phố là phải tổ chức từ 1-2 cuộc diễn tập quy mô lớn, loại hình chữa cháy phức tạp. Năm 2022, Bộ Công an chỉ đạo CATP tổ chức cuộc diễn tập PCCC-CNCH tại cầu Cảng EURO trong KCN Đình Vũ. Đây là cuộc diễn tập quy mô lớn, được UBND TP chủ trì, chỉ đạo CATP xây dựng kế hoạch thực hiện. Lực lượng CS PCCC và CNCH – CATP được giao nhiệm vụ chủ công xây dựng phương án, tiến hành tập luyện, hợp luyện các phương án, bảo đảm mục tiêu cuộc diễn tập diễn ra an toàn, thành công, đạt mục tiêu đề ra.
Theo đó, vào những ngày cuối năm 2021, Phòng CS PCCC và CNCH đã làm tốt chức năng tham mưu Giám đốc CATP khẩn trương xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đơn vị và các cơ, quan, doanh nghiệp tổ chức phương án diễn tập. Trước ngày 31/12/2021, UBND thành phố đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo diễn tập do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường làm Trưởng ban; các đồng chí: Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó Giám đốc CATP; Đinh Đình Trường, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố làm Phó Trưởng ban Thường trực.
Mục tiêu lớn nhất từ đợt tổng diễn tập này là nhằm kiểm tra năng lực, sự hợp đồng tác chiến và thực hiện quy chế phối hợp của các đơn vị, đặc biệt là công tác lãnh đạo, chỉ huy của Cảnh sát PCCC và CNCH Hải Phòng cũng như các lực lượng phối hợp. Đây cũng là dịp để đơn vị rút ra những kinh nghiệm quý báu, từ đó từng bước xây dựng lực lượng ngày một chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng tình hình mới.
Tình huống giả định là tàu chở xăng An Phú 16 (trọng tải 7.000 tấn, chở 5.000m3 xăng A95; kích thước: dài 117m, rộng 17m, diện tích mặt boong khoảng 950m²) đang bơm hàng vào kho xăng dầu của Xí nghiệp Tổng kho xăng dầu Đình Vũ (PV Oil Đình Vũ) tại cầu tàu 10.000 DWT – cầu Cảng Euro thì máy bơm bị kẹt. Tiếp đó xảy ra sự cố hệ thống điện gây cháy tại khu vực mũi tàu (gần khoang chứa hàng 1), diện tích khoảng 50m².
Lửa nhanh chóng lan sang khoang chứa hàng 1 (trữ lượng khoảng 900m³ xăng A95) gây nổ hỗn hợp hơi xăng ở khoảng không tự do bên trong khoang làm vỡ mạn trái của tàu, đe doạ cháy sang các khoang chứa hàng lân cận gây cháy toàn bộ tàu. Cùng với đó, một lượng lớn xăng chảy tràn xuống mặt sông gây cháy lớn với diện tích khoảng 1.500m² theo dòng chảy thuỷ triều đe doạ gây cháy các tàu đang làm hàng tại cầu 20.000 DWT (tàu chở LPG/Hóa chất) và cầu Cảng DAP-Vinachem (tàu chở lưu huỳnh/amoniac) phía hạ lưu…
Khi nghe thấy tiếng nổ, một số công nhân hoảng loạn tìm cách thoát ra ngoài và bị thương, một số khác rơi ngã xuống sông gặp nguy hiểm tính mạng, rất cần sự trợ giúp của lực lượng cứu hộ và nhân viên y tế. Theo đúng kịch bản, lực lượng PCCC tại chỗ đã khẩn cấp báo cháy với CATP, đồng thời vừa chữa cháy tại chỗ vừa tổ chức sơ tán mọi người ra khu vực an toàn; di chuyển tài sản quan trọng, sơ cứu người bị nạn.
Ngay khi nhận được tin báo cháy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã huy động 5 xe chỉ huy, 23 xe chữa cháy, 2 xe cứu hộ, 3 xe cứu thương, 5 tàu chữa cháy, 2 tàu lai dắt; 9 tàu, xuồng, 8 xe chuyên chở lực lượng, phương tiện của các đơn vị: Công an, Quân đội, Biên phòng Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng I, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc – Công ty TNHH MTV 128 Hải Quân, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, Phòng CS PCCC và CNCH – Công an tỉnh Quảng Ninh cùng các cơ quan, doanh nghiệp có xe chữa cháy trên địa bàn thành phố.
Rất mau lẹ, tất cả đã phối hợp triển khai 3,5km đường vòi, chia thành 4 khu vực chiến đấu với giặc lửa với 8 lăng súng phun nước cố định, 6 lăng súng phun bọt, 4 lăng phun bọt LPB-600, 2 lăng giá mặt đất, 4 lăng A, 8 lăng B, gần 13m³ (12,312m³) bọt chữa cháy được huy động đến hiện trường khẩn trương triển khai đồng bộ các phương án chữa cháy và cứu nạn đã có sẵn, dập tắt, không để ngọn lửa bùng phát trở lại…
Cuộc tổng diễn tập lần này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, qua đó thể hiện rõ sự hiệp đồng tác chiến, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng trong cùng một lúc các công việc chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó với sự cố tràn dầu, khắc phục hậu quả môi trường,… Đồng thời, qua diễn tập, khẳng định sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với công tác PCCC, phục vụ cho sự phát triển hệ thống cảng biển của Hải Phòng, từ đó tạo lòng tin vững chắc cho các doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và nâng tầm vị thế, uy tín của cảng biển thành phố.
Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP cho biết, ở Hải Phòng trước đây đã xảy ra một số vụ cháy, nổ lớn phương tiện chở xăng, dầu khi đang làm hàng như vụ tàu Hải An (năm 2017), tàu Hải Hà (năm 2018)…
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Bộ Công an, UBND thành phố, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Hải Phòng đã cứu chữa kịp thời, giảm thiểu những thiệt hại về người, tài sản. Rất đáng an tâm, phấn khởi là thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã quan tâm, chỉ đạo triển khai nhiều nội dung, giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn cháy nổ hệ thống cảng biển. Đặc biệt, từ năm 2020, thành phố đã chi ngân sách 200 tỷ đồng để đóng mới Tàu Hải Phòng 01 – con tàu lớn nhất, hiện đại nhất về chữa cháy, cứu nạn ở Việt Nam.
Tàu Hải Phòng 01 được thiết kế là tàu cao tốc vỏ thép cường độ cao cabin hợp kim nhôm, phục vụ các nhiệm vụ: Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các tàu, thuyền vận chuyển hàng hóa, xăng dầu, khí gas hóa lỏng, tàu du lịch, hành khách, nghề cá… trong nước và nước ngoài cập cảng, neo đậu hoạt động trên địa bàn sống, biển tại Hải Phòng; Trực tiếp chữa cháy và tham gia tiếp nước cho xe chữa cháy khi có sự cố đối với các cơ quan, trụ sở doanh nghiệp, khu công nghiệp, công trình, khu chung cư ven sông, biển, hải đảo trên địa bàn thành phố; Tham gia các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có các sự cố tai nạn hàng hải và thiên tai bão lũ xảy ra trên địa bàn sông, biển Hải Phòng.
Tàu có chiều dài lớn nhất 46,20 mét; chiều rộng lớn nhất 8,60 mét; chiều cao mạn 4,50 mét; được trang bị 2 máy chính diesel với tổng công suất 4.440 mã lực cùng các trang thiết bị đồng bộ; tốc độ lớn nhất 21,5 hải lý/giờ; tầm hoạt động tối đa 2.000 hải lý; thời gian hoạt động liên tục trên biển 7 ngày đêm.
Thiết bị chuyên dụng chữa cháy trên tàu gồm: 2 bộ súng phun nước lưu lượng 1.200m³/giờ, tầm phun xa 142m; 1 bộ súng phun bọt lưu lượng 820m³/giờ, tầm phun xa 105m; 2 bộ súng phun bọt lưu lượng 410m³/giờ, tầm phun xa 70m. Ngoài ra trên tàu còn có các hệ thống, thiết bị chuyên dụng phục vụ cứu nạn, cứu hộ trên sông, biển. Các hệ thống thiết bị này sẽ đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ được kịp thời, hiệu quả. Vào cuối tháng 12/2021, CATP đã tiếp nhận tàu Hải Phòng 01 và chính thức đưa vào hoạt động.
Cuộc diễn tập chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ kết hợp cả trên mặt đất và trên mặt nước lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn thành phố Hải Phòng với con tàu Hải Phòng 01 khẳng định phương tiện chữa cháy được trang bị hoạt động tốt, bảo đảm công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu; công tác điều hành, chỉ huy, phối hợp giữa các lực lượng bảo đảm và thống nhất, hiệu quả cao.
Thái Bình