Print Chủ Nhật, 21/04/2019 09:15

Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2019 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế vùng lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Ninh. Đây là cơ hội tốt để các tỉnh, thành trong khu vực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy hợp tác liên vùng, phát triển kinh tế từng địa phương. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã ghi nhanh một vài ý kiến tham luận của đại diện các tỉnh thành…

Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Quảng Ninh đã đề ra mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế: “phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc”.

Để đạt mục tiêu đề ra, Quảng Ninh đã xây dựng đồng bộ hệ thống quy hoạch trọng điểm của tỉnh với sự tư vấn, tham gia lập quy hoạch của các tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới như McKinsey, BCG của Mỹ; Nikken Sekkei, Nippon Koei của Nhật Bản… Đây là tiền đề quan trọng và cơ sở để Quảng Ninh triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là trong thu hút, huy động đa dạng nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế xã hội. 

Ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Quảng Ninh đã tìm hướng đi phù hợp, đa dạng hóa hình thức đầu tư và mạnh đạn đề xuất Chính phủ cho phép huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai các dự án trọng điểm, nhất là các dự án hạ tầng giao thông động lực. 

Cùng với đó, Quảng Ninh quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là tập trung giải quyết thủ tục tại các TTHCC cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng đơn giản, minh bạch, giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư và nhân dân, đảm bảo 4 bước (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) tại chỗ. Đồng thời không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm đạo đức công vụ trong quá trình thực thi công vụ, nhất là đội ngũ cán bộ thực thi tại các TTHCC tỉnh và huyện, một cửa điện tử cấp xã.

Những chuyển động này góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh với tốc độ tăng trưởng GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, năm 2018 đạt 11,1%, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây; tổng thu ngân sách 40.500 tỷ đồng trong đó thu ngân sách nội địa đạt 30.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.110 USD/người/năm, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Trần Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng: Thời gian qua, cùng với các tỉnh, thành trên cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, UBND TP Hải Phòng ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo quyết liejt các sở ngành địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện.

Liên tục từ năm 2016 đến nay, Thành ủy và HĐND TP lựa chọn và ban hành chương trình hành động thực hiện chủ đề năm là “Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”. Thành phố đã tập trung xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối DN theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài; định hướng gắn kết tới thị trường quốc tế; rà soát điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội các quận huyện.

Bà Trần Thị Hải Yến – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hải Phòng

Trên cơ sở ban hành các Quyết định và Kế hoạch về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố đến năm 2020, hỗ trợ DN nhỏ và vừa thành phố đến năm 2020, Hải Phòng đã triển khai hàng loạt hoạt động hỗ trợ DN như: tư vấn thông tin, xúc tiến thị trường, tổ chức nhiều khóa đào tạo hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và hỗ trợ DN đổi mới; định kỳ tổ chức Hội nghị đối thoại DN. Năm 2016, thành phố cũng ký Bản cam kết với VCCI Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN. Trong đó thành phố cam kết thực hiện các chỉ tiêu về đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian giải quyết TTHC, thông quan, tiếp cận điện năng, tăng cường mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tăng cường đối thoại giữa chính quyền và DN…

Kết quả đến nay 100% TTHC của thành phố thực hiện giải quyết cá dịch vụ hành chính công ở mức độ 2; 533 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 374 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thời gian trung bình để xử lý hồ sơ thành lập mới và thay đổi dưới 2,3 ngày làm việc; hồ sơ qua mạng chiếm tỷ lệ 76,76% số hồ sơ. Thời gian giải quyết thủ tục đầu tư đối với dự án của nhà đầu tư trong nước giảm trên 60%; đối với dự án đầu tư nước ngoài giảm khoảng 30% so với quy định. Thời gian cấp phép xây dựng, thủ tục liên quan đến đất đai cũng đã giảm từ 33-50% thời gian. Riêng trong năm 2018, 100% DN của thành phố đăng ký khai thuế điện tử, 100% DN đăng ký nộp thuế điện tử; các giao dịch điện tử như nộp tiền điện, tiền nước qua mạng được các DN triển khai mạnh với nhiều hình thức thanh toán mới được áp dụng.

Với sự chỉ đạo rõ nét, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP cùng sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, đoàn kết, thống nhất cao của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân, kinh tế xã hội thành phố tiếp tục chuyển biến đột phá, tích cực, nổi bật. Nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội của thành phố hoàn thành ở mức cao, đặc biệt tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 16,27%, cao nhất từ trước đến nay, gấp 2,3 lần bình quân chung cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt trên 25%, gấp 2,5 lần bình quân chung cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,62 tỷ USD, gấp 2,76 lần so với cùng kỳ…

Ông Đặng Ngọc Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên: Tỉnh Hưng Yên ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng quy hoạch xây dựng Thủ đô có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, thời gian tới tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư kế hoạch trung hạn công và kế hoạch hàng năm. Tập trung bố trí vốn đầu tư công vào những ngành, lĩnh vực đem lại lợi ích cho xã hội mà khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI không tham gia hoặc tham gia với hiệu quả thấp. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát quá trình thi công và nghiệm thu dự án đảm bảo chất lượng và đúng thiết kế được duyệt; chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Ông Đặng Ngọc Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên

Phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao. Tích cực thu hút đầu tư phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ chất lượng cao. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng hệ thống y tế phát triển toàn diện theo hướng hiện đại và chuyên sâu. Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Bên cạnh đó tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo ổn định vững chắc…

BÙI HẠNH thực hiện

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Diễn đàn kinh tế khu vực duyên hải phái Bắc 2019: Thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế địa phương
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác