Chỉ chưa đầy 1 tuần, hai vụ tai nạn giao thông kinh hoàng xảy ra ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội, gây hoang mang, bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đáng nói, nguyên nhân gây tai nạn được xác định do tài xế đã sử dụng rượu bia trước khi lái xe…
Khoảng 0h10 ngày 1-5, Lê Trung Hiếu, sinh 1980, ở phố Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội, điều khiển xe ô tô Mercedes màu trắng BKS 30F-154.78, khi lưu thông đến hầm Kim Liên thì đâm vào chiếc xe Honda Vision đi cùng chiều phía trước. Lực đâm quá mạnh khiến 2 phụ nữ ngồi trên xe máy là chị Đinh Thị H.Y và Trần Thị Q. ngã xuống đường, tử vong.
Chiếc xe “điên” gây tai nạn liên hoàn do Đỗ Xuân Tuyên điều khiển
Ngay sau khi gây tai nạn, Lê Trung Hiếu lái xe bỏ chạy nhưng đã bị người dân và lực lượng chức năng bắt giữ, đưa về CAQ Hai Bà Trưng. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy, tài xế Hiếu vi phạm 0,751 mg/lít khí thở. Đây là mức vi phạm rất nặng, bởi chỉ cần vi phạm 0,4 mg/lít khí thở, tài xế đã bị xử phạt ở mức cao nhất là 17 triệu đồng, tước bằng lái 5 tháng. Hiện Cơ quan Công an cũng đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ để điều tra làm rõ.
Cũng tương tự như vậy, một vụ tai nạn thương tâm khác do tài xế sử dụng rượu bia đã xảy ra vào khoảng 23h30 ngày 22-4. Sau khi uống say tại đám cưới, Đỗ Xuân Tuyên, sinh năm 1970, trú ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội, điều khiển ô tô BKS 29A-784.09 từ ngõ Vĩnh Hồ đi ra Tây Sơn thì va chạm với 5 xe máy. Sau đó, Tuyên bỏ chạy về hướng Ngã Tư Sở, rồi đi về hướng đường Láng. Khi điều khiển xe đến khu vực số 220 đường Láng thì xe của Tuyên đâm vào chị Lê Thị Thu H, là nhân viên Công ty môi trường đô thị Hà Nội đang làm nhiệm vụ thu gom rác tại đây.
Không dừng lại ở đó, sau khi tông tử vong nữ công nhân quét rác, Tuyên tiếp tục tăng tốc và đâm vào một xe máy và một ôtô khiến nhiều người bị thương, phương tiện bị hư hỏng nặng. Khi hắn bỏ chạy về đường Láng Hạ thì bị người dân chặn lại. Về trụ sở công an, trên người Tuyên nồng nặc mùi rượu, thậm chí đến sáng, cơ quan công an vẫn chưa thể làm việc, lấy lời khai do hắn vẫn còn say rượu. Kiểm tra nồng độ cồn, công an đo được lần 1 là 1,041 mg/lít khí thở và lần 2 là 1,077 mg/lít khí thở, cao gấp gần ba lần mức phạt cao nhất (0,4mg/lít) theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Đến ngày 29-4, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Đỗ Xuân Tuyên để điều tra về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trong nhiều năm qua, Ủy ban ATGT quốc gia đã chỉ ra rượu, bia là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tình trạng lái xe vi phạm vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ gây ra hàng trăm, hàng nghìn vụ tai nạn thương tâm, cướp đi mạng sống của biết bao người vô tội. Theo số liệu thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia, hiện có tới 70% số vụ tai nạn giao thông là do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Con số này cũng khá khớp với thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi khảo sát hơn 18.000 nạn nhân tai nạn giao thông tại Việt Nam thì có tới 36,5% người lái xe máy và 66,8% lái ô tô có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép.
Theo các chuyên gia y tế, dù chưa đến mức say thực sự, rượu bia dễ gây hưng phấn, chạy xe tốc độ cao mà vẫn thấy chậm, không làm chủ được hành vi, gây buồn ngủ. Khả năng quan sát biển báo, tín hiệu và trên đường không còn rõ ràng, khả năng phản xạ giảm từ 10% đến 30% khi gặp tình huống bất ngờ nên dễ gây nguy hiểm cho mọi người tham gia giao thông.
Rõ ràng đã đến lúc cần phải có những hành động cụ thể, việc làm cụ thể cũng như sự răn đe đủ mạnh đối với vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Hiện nay, nhiều người dùng mạng xã hội Facebook đã đồng loạt thay hình ảnh đại diện với dòng chữ “Đã uống rượu bia – không lái xe” và “Say xỉn lái xe là tội ác”, như một nỗ lực cảnh tỉnh, ngăn chặn những tai nạn thảm khốc do rượu bia.
Còn tại hội nghị sơ kết đảm bảo an toàn giao thông quý 1/2019 vừa qua, nhiều ý kiến đã đề nghị Chính phủ xem xét, tăng mức phạt tiền, xử lý hình sự, tước bằng lái vĩnh viễn với tài xế uống rượu bia gây tai nạn chết người; tước bằng lái xe 3 – 5 năm với lái xe sử dụng rượu bia, ma túy tham gia giao thông, buộc lao động công ích với các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe…Đặc biệt, tại chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV diễn ra sắp tới, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng sẽ được Quốc hội xem xét thông qua, từ đó góp phần tạo thêm hành lang pháp lý cho việc kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu bia cũng như tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân ở các lứa tuổi về tác hại của rượu, bia.
Thu Ninh