Theo trang thống kê worldometers.info tính đến 6 giờ sáng 2/4 (giờ Việt Nam), trên thế giới trong 24 giờ qua đã có thêm 4.531 ca tử vong mới, nâng số người thiệt mạng về bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên con số 46.840 trên tổng số 932.760 trường hợp mắc bệnh.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 193.891người và có tới 35.475 bệnh nhân COVID-19 đang trong tình trạng nặng.
Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 212.980 ca mắc, tăng tới 24.450 ca so với một ngày trước. Số ca tử vong tăng thêm 706 người nâng tổng số tử vong của Mỹ lên 4.759 ca.
Số ca tử vong vì COVID-19 tiếp tục tăng cao kỷ lục tại Pháp
Giới chức y tế Pháp cho biết trong 24 giờ qua, số người chết vì dịch COVID-19 tại các bệnh viện của nước này đã lập kỷ lục mới với 509 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong lên đến 4.032 kể từ ngày 1/3, trong đó 83% trên 70 tuổi.
Các trường hợp nhiễm virus được xác nhận qua xét nghiệm là 56.989 bệnh nhân, tăng 4.861 người so với một ngày trước. Trong số 24.639 bệnh nhân (+1.882) có triệu chứng nặng phải nhập viện, 6.017 người (+452) đang được chăm sóc đặc biệt. Gần 11.000 người đã được chữa khỏi và ra viện.
Tối 1/4, Thủ tướng Edouard Philippe đã có buổi điều trần trước Quốc hội về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Được hỏi về thời hạn bãi bỏ lệnh hạn chế đi lại, hiện đã bước sang tuần thứ ba, ông Philippe cho biết các nhóm làm việc của chính phủ dựa trên một số giả thuyết để đưa ra nhiều kịch bản. Có thể việc dỡ bỏ lệnh này sẽ không diễn ra “cùng một lúc cho tất cả mọi nơi và tất cả mọi người“, ông nhấn mạnh.
Các kịch bản được đề ra theo vùng miền, theo các xét nghiệm thậm chí theo nhóm tuổi. Sự quyết định cũng sẽ phụ thuộc vào các phương pháp điều trị cũng như cách thức hoạt động của virus. Bên cạnh đó, một chỉ số quyết định là “số bệnh nhân nặng phải đưa vào diện chăm sóc đặc biệt“. Ông Philippe hy vọng có thể công bố một chiến lược dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại trong những ngày tới.
Italy ghi nhận mức tăng số ca tử vong hàng ngày thấp nhất trong một tuần
Mặc dù số ca mắc bệnh chỉ chưa bằng 1/2 so với Mỹ với 110.574 ca, nhưng số ca tử vong của đất nước hình chiếc ủng nhiều gấp 3 Mỹ, trong ngày 1/4, Italy đã có thêm 727 ca tử vong, nâng số tử vong của nước này lên con số 13.155.
Mặc dù vậy, theo đánh giá từ Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, đây là mức tăng thấp nhất trong một tuần trong khi đó số ca hồi phục tăng lên 16.847 ca (tăng 1.118 ca).
Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.403 ca nhập viện, 4.035 ca phải điều trị tích cực và 48.134 ca cách ly tại nơi ở.
Với dấu hiệu tích cực trong kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, Chính phủ Italy đã quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa đất nước đến ngày 13/4.
Phát biểu tại Thượng viện hôm 1/4, Bộ trưởng Y tế Italy, ông Roberto Speranza nói: “Chúng ta không được nhầm lẫn các tín hiệu tích cực đầu tiên với tín hiệu ‘tất cả rõ ràng. Dữ liệu cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng và những quyết định quyết liệt đang mang lại kết quả“.
Đức kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội
Theo số liệu của worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng 2/4 (theo giờ Việt Nam), trên cả nước Đức đã ghi nhận 77.981 trường hợp nhiễm bệnh và 931 ca tử vong.
Bang Bayern hiện vẫn là bang có số người nhiễm cao nhất với 17.151 trường hợp và 241 ca tử vong. Trong khi đó, thủ đô Berlin ghi nhận 2.777 trường hợp nhiễm bệnh với 16 ca tử vong.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh vẫn tăng nhanh, Đức sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế tiếp xúc thêm hai tuần cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh (19/4) nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Đây là tuyên bố được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra sau cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang chiều 1/4 (theo giờ Đức).
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sau khi đánh giá tình hình về diễn biến của dịch bệnh COVID-19, bà và thủ hiến các bang đã nhất trí duy trì các biện pháp hạn chế tiếp xúc nghiêm ngặt ít nhất cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào ngày 19/4 tới.
Theo các quy định hiện hành, người dân được yêu cầu hạn chế liên lạc và tiếp xúc với những người không phải là thành viên trong gia đình ở mức tối thiểu, ngay cả trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh.
Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng kêu gọi người dân hạn chế đi du lịch và thăm người thân trong các ngày nghỉ lễ. Thủ tướng Merkel cũng cho biết bà và người đứng đầu các bang sẽ đánh giá lại tình hình trong cuộc họp vào ngày 14/4 tới.
Trong khi đó theo truyền thông Đức, trong cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Merkel và thủ hiến các bang cũng trao đổi thông tin về tình hình chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt tại các bệnh viện, cơ sở y tế và các viện dưỡng lão.
Thủ tướng Merkel cũng chỉ đạo chính quyền các bang cố gắng đảm bảo đủ các trang thiết bị bảo vệ y tế cần thiết trong tình hình dịch bệnh đang lan nhanh như hiện nay.
Theo bà, bệnh nhân và các nhân viên y tế là những người cần phải được trang bị đủ các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, thuôc xịt khuẩn… Về khả năng áp dụng yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra những nơi công cộng, Thủ tướng Merkel cho biết hiện vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng và trước mắt Chính phủ Đức chưa đưa ra quyết định chính thức.
Trước đó hôm 23/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công bố một loạt biện pháp bổ sung về hạn chế tiếp xúc trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 sau cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang ở Đức. Các biện pháp này sẽ được áp dụng trên toàn liên bang và duy trì trước mắt trong 2 tuần.
Anh có thêm 563 ca tử vong do COVID-19
Chính phủ Anh thông báo, nước này đã có thêm 563 ca tử vong do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở Xứ sở sương mù lên thành 2.352 người tính đến 6 giờ sáng 2/4 (theo giờ Hà Nội).
Tính đến 6 giờ sáng 2/4 (theo giờ Hà Nội), Anh ghi nhận 29.474 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, tăng 4.324 ca so với con số 25.150 ca nhiễm một ngày trước đó.
Brazil ghi nhận trường hợp thổ dân đầu tiên mắc COVID-19
Ngày 1/4, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp người thổ dân đầu tiên nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp trong tổng số 5.717 ca dương tính ở Brazil cho tới thời điểm này.
Theo thông báo chính thức, bệnh nhân là một thanh niên 19 tuổi thuộc bộ lạc Kokama sinh sống tại khu vực huyện Santo Antonio do Içá gần biên giới với Colombia thuộc bang Manaos. Thanh niên này làm việc trong lĩnh vực y tế và đi qua nhiều làng thổ dân trong khu vực trước khi trở về nhà với triệu chứng sốt, đau họng và đau ngực.
Trước đó, cơ quan y tế Brazil cũng đã xác nhận có 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 ở cùng huyện trên, trong đó có một bác sỹ và đây là một dấu hiệu cho thấy có thể virus này đang bắt đầu lây lan tại các cộng đồng thổ dân sống ở những khu vực xa xôi hẻo lánh.
Hiện nay Brazil có khoảng 300 bộ tộc với khoảng 850.000 sinh sống tại các vùng trên cả nước.
Tây Ban Nha vượt qua ngưỡng 100.000 trường hợp nhiễm virus
Tây Ban Nha đã vượt qua ngưỡng 100.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Theo số liệu chính thức, quốc gia này đã có nhiều trường hợp nhiễm virus hơn bất kỳ quốc gia nào ngoại trừ Italy và Mỹ. Trong khi đó, số tử vong của Tây Ban Nha đứng thứ 2 thế giới với 9.387 người.
Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha cũng đã xác lập một kỷ lục buồn với 923 ca tử vong mới.
Như vậy, tính đến 6 giờ sáng 2/4 (giờ Việt Nam) Tây Ban Nha đã ghi nhận 104.118 trường hợp nhiễm virus và 9.387 trường hợp tử vong (theo số liệu của trang worldometers.info)./.
Tới 6h sáng 2/4, Việt Nam đã ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS CoV-2 lên 222 người.
Trong số này, đã có 63 người được chữa khỏi, không có ca tử vong.
(Vietnam+)
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More