Print Thứ bảy, 26/01/2019 17:30

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, tại Hải Phòng, môn Lịch sử có đông thí sinh đăng ký thi nhất ở tổ hợp bài khoa học xã hội với 12.479 thí sinh, song chỉ có 2.471 bài thi đạt từ 5 điểm trở lên (chiếm khoảng 19,9% số bài dự thi) còn lại 80,1% bài thi có điểm dưới trung bình, điểm trung bình môn Lịch sử chỉ đạt 3,9 điểm.

 

Học sinh tìm hiểu lịch sử Việt Nam tại Bảo tàng Hải Phòng. Ảnh: Đỗ Hiền

 

Đề đổi mới, học chưa tới

Em Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt, huyện Thủy Nguyên) bộc bạch: “Đạt điểm 3 môn thi Lịch sử, em thấy tiếc nuối, nhưng không bất ngờ. Vì ngay từ lúc lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội, em xác định môn Lịch sử rất dài và nhiều dữ kiện. Do đó, em chỉ tập trung học những mốc thời gian, sự kiện quan trọng để tránh điểm liệt; còn Địa lý được sử dụng Atlat và môn Giáo dục công dân thường gần gũi đời sống nên có thể tự suy luận. Phần lớn thời gian ôn tập em dành cho các môn của khối thi A1 để xét tuyển đại học”. Theo em Quỳnh nhiều bạn trong lớp em cũng có cách học này nên đạt điểm thấp.

Thầy Ngô Văn Qúy (Tổ trưởng Tổ -sử- địa- giáo dục công dân, Trường THPT Lê Ích Mộc, huyện Thủy Nguyên) nêu quan điểm: “Môn Lịch sử đạt điểm thấp là thực trạng chung ở nhiều địa phương, mà nguyên nhân căn bản do tình trạng học lệch, học thiếu phương pháp của học sinh. Bản thân chương trình môn Lịch sử vừa quá dài, vừa nặng. Nhưng ngoài Lịch sử, các em phải học nhiều môn học khác nữa. Vì lẽ đó, ngoại trừ những học sinh đăng ký xét tuyển đại học (khối C) chuyên ngành Lịch sử, phần lớn học sinh chọn tổ hợp môn khoa học xã hội bởi 2 môn còn lại dễ kiếm điểm để vớt lại môn chỉ cần qua điểm liệt. Do đó, muốn giành điểm số cao học sinh không chỉ cần ghi nhớ bằng phương pháp học hợp lý, biết cách sử dụng tài liệu linh loạt, mà còn đòi hỏi khả năng tư duy, liên hệ thực tiễn.

Lý giải thêm về nguyên nhân dẫn đến việc điểm thi môn Lịch sử đạt thấp, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Theo chủ trương cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay có sự đổi mới trên nhiều phương diện: từ hình thức đến nội dung. Đây là năm đầu, môn Lịch sử chuyển từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm. Thêm nữa, nội dung kiến thức bao quát cả chương trình lịch sử lớp 11, lớp 12, do đó không chấp nhận cách học thuộc lòng mốc thời gian, sự kiện như những năm trước. Đề thi năm nay mang tính phân loại cao ở 4 cấp độ vì không chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp, còn góp phần tích cực lựa chọn những thí sinh theo học chuyên ban. Trong đề thi có 8 câu hỏi chiếm 2 điểm ở mức độ vận dụng cao đòi hỏi tư duy lập luận, phân tích vấn đề và khả năng liên hệ thực tiễn của học sinh. Tôi cho rằng đề thi Lịch sử năm nay nặng hơn, khó hơn so với đề thi năm ngoái. Nếu chỉ cố gắng học thuộc, không tập trung ôn tập tích cực, thí sinh nhận điểm thấp là điều dễ hiểu”.

Dạy sáng tạo, học tích cực, nắm chắc dạng đề mới để ôn tập tốt

Chia sẻ về điểm Sử đạt 8,45 trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, em Nguyễn Thị Diệu Anh, lớp 12D9, Trường THPT Thái Phiên cho biết: “Môn Lịch sử nằm trong khối thi em chọn xét tuyển đại học là C00 và D78 (Ngữ văn, tiếng Anh, Khoa học xã hội). Bởi vậy, ngay từ giai đoạn học trên lớp, em chủ động nắm vững những nội dung cần ghi nhớ trong sách giáo khoa; lưu ý mà giáo viên hướng dẫn. Sau đó xây dựng phương pháp ôn tập; chọn những sự kiện bản thân thấy thú vị, hấp dẫn để học trước, rồi tới những sự kiện lớn, cuối cùng mới đi vào học chi tiết, cụ thể từng giai đoạn lịch sử. Bên cạnh đó, em cho rằng để môn Lịch sử đạt kết quả tốt, mỗi học sinh cũng cần sự kiên trì, chăm chỉ nhất định”.

Trong năm học tới, cách ra đề thi kiểu mới đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận kiến thức cả từ 2 phía giáo viên và học sinh. Hiệu trưởng Trường THPT Kiến An (quận Kiến An) Đinh Hồng Tiệp cho biết: Bước vào năm học mới, nhà trường một lần nữa quán triệt đến toàn thể học sinh cần học đều các môn; giáo viên giúp học sinh định hướng trong những môn học yêu thích, say mê trong việc xác định ban thi phù hợp. Riêng môn lịch sử, thay vì dạy những bài riêng lẻ cần tập trung thành chuyên đề, xâu chuỗi kiến thức giúp học sinh dễ dàng hiểu sâu, hiểu chắc; đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh của các kỳ thi hiện nay; đồng thời các buổi học sẽ chú trọng kết hợp giữa kiến thức trong sách giáo khoa và liên hệ thực tiễn như đi trải nghiệm thực tế tại một số di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn thành phố; xem phim tư liệu về những trận đánh lịch sử; làm báo cáo chuyên đề…, tạo cảm hứng học tập cho học sinh.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài, Chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo), ngay khi tiếp nhận chủ trương ra đề dạng thức mới theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở tổ chức nhiều cuộc tập huấn để giáo viên tiếp cận các điểm mới trong cách ra đề thi trắc nghiệm. Theo đó, năm học 2018-2019 Sở tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn giáo viên làm quen với ma trận đề, tiếp cận ngân hàng đề thi và tự biên soạn đề thi theo dạng thức mới. Phòng Giáo dục trung học thành lập các đoàn tư vấn tới nhiều trường để hỗ trợ thầy, cô giáo trong quá trình ôn thi, giúp học sinh nhuần nhuyễn, quen thuộc với dạng đề mới này. 

Phương Linh – Tuyết Mai – Báo Hải Phòng 01/08/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Điểm thi môn Lịch sử- kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đạt thấp: Không thể học lệch, học tủ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác