Từ năm 2017, quận Hồng Bàng có 121 thủ tục hành chính (TTHC) áp dụng thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp, hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Nhưng có thực tế, số người dân sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến còn thấp.
Nhiều người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến, mà vẫn trực tiếp đến nộp thủ tục hành chính. Ảnh: Duy Thính
Người dân còn e dè
Chánh Văn phòng HĐND, UBND quận Hồng Bàng Trần Thị Thu Hồng cho biết, ngày 1-10-2017, UBND quận có quyết định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 danh mục các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của quận. Theo quyết định, quận có 227 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó 121 thủ tục được áp dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4. Toàn bộ quy trình giải quyết TTHC được xây dựng bảo đảm yêu cầu tác nghiệp theo phiên bản ISO 9001:2015, tích hợp trên Cổng giao tiếp điện tử quận và liên thông cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến thành phố. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại của quận, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ theo 2 hình thức: tiếp nhận trực tiếp và qua hệ thống mạng internet (do công dân đăng ký trực tuyến trên Cổng giao tiếp điện tử quận). Cùng với đó, quận triển khai việc trả kết quả giải quyết TTHC theo 2 hình thức: trả trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả qua bưu điện. Tuy nhiên, số hồ sơ đăng ký giải quyết trực tuyến còn “khiêm tốn”.
Từ đầu năm đến nay, quận tiếp nhận và xử lý hơn 10.000 hồ sơ, nhưng chỉ có 87 hồ sơ đăng ký trực tuyến, trong đó 11 hồ sơ trả kết quả qua bưu điện. Trước đó, năm 2017, quận tiếp nhận và xử lý 460 hồ sơ đăng ký trực tuyến. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến ở các cấp độ 3, 4 bảo đảm thuận lợi cho người dân, mất ít thời gian, công sức đi lại, hạn chế tối đa tình trạng cán bộ gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân. Tuy nhiên, nhiều người dân còn khá e dè khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến.
Nguyên nhân, trình độ sử dụng công nghệ thông tin của nhiều người còn hạn chế, vẫn muốn trực tiếp đến các cơ quan hành chính làm thủ tục cho “yên tâm”. Người biết sử dụng thì lo ngại về sự mất an toàn thông tin khi sử dụng loại dịch vụ này. Cùng với đó, quãng đường từ phường xa nhất đến trụ sở UBND quận không xa. Do đó, người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến mà vẫn trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp thủ tục hành chính; chưa quan tâm nhiều đến những tiện ích mà dịch vụ công trực tuyến mang lại. Dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự phát huy hết hiệu quả là do có rất ít “công dân điện tử”.
Tăng cường đào tạo “công dân điện tử”
Nắm bắt thực tế này, thời gian qua, quận Hồng Bàng tổ chức thường xuyên các lớp tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Từ năm 2016 đến nay, quận tổ chức hàng chục lớp tập huấn các đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố cách thức khai thác thông tin và tham gia sử dụng, đăng ký dịch vụ hành chính công trực tuyến. Thông qua đội ngũ này, quận thông tin rộng rãi đến người dân những tiện ích của dịch vụ công trực tuyến và mô hình “chính quyền điện tử” của quận. Đồng thời, quận tập huấn toàn thể cán bộ, công chức từ quận đến phường về kỹ năng khai thác hệ thống phần mềm chính quyền điện tử phục vụ yêu cầu tác nghiệp hành chính và hướng dẫn tổ chức, công dân tham gia thực hiện. Hiện nay, 100% số cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa” hiện đại quận, phường nắm chắc các quy trình, cách thức sử dụng hệ thống phục vụ công việc. Đội ngũ này sẵn sàng hướng dẫn, giải đáp cho công dân và tuyên truyền, hướng dẫn tham gia thực hiện ứng dụng chính quyền điện tử. Mới đây, Đoàn Thanh niên phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) ra mắt công trình thanh niên hỗ trợ nhân dân ở 14 tổ dân phố sử dụng dịch vụ hành chính công thông qua Cổng thông tin điện tử của quận.
Mặc dù triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền người dân sử dụng dịch vụ công hiện đại, tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế. Quận Hồng Bàng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân và tổ chức thấy được những tiện ích và sử dụng hiệu quả cao dịch vụ này.
121 thủ tục hành chính công được giải quyết ở mức độ 3, 4, bao gồm: lĩnh vực xây dựng có 7 thủ tục; kế hoạch đầu tư: 17 thủ tục; giáo dục và đào tạo: 26 thủ tục; tài nguyên-môi trường: 24 thủ tục; y tế: 2 thủ tục; văn hoá-thể thao-du lịch: 6 thủ tục; lao động thương binh-xã hội 7 thủ tục; nội vụ: 8 thủ tục; tư pháp: 13 thủ tục; công thương: 9 thủ tục và thông tin và truyền thông: 2 thủ tục.
Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 05/05/2018