Print Thứ Bảy, 16/03/2019 07:32

Trong khi dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đang hoành hành tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung, thông tin mới nhất cho biết ASF đã xuất hiện tại Campuchia ở khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Phước, Tây Ninh. Như vậy, nguy cơ các tỉnh phía Nam bị dịch ASF xâm nhiễm không chỉ do từ phía Bắc vào, mà còn có thể từ Campuchia thẩm lậu sang.

Các tỉnh giáp ranh với vùng dịch từ Campuchia lên “báo động”

Trước thông tin dịch ASF đã xảy ra ở tỉnh Kampongcham (Campuchia), ngày 13.3.2019, UBND tỉnh Long An đã có công văn số 993/UBND-KTTC gửi các sở, ban, ngành của tỉnh chỉ đạo biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh ASF. Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã tiếp tục quán triệt và nghiêm túc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi; Cục Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện kiểm soát nguồn gốc lợn và sản phẩm từ lợn đi qua hay nhập vào tỉnh; Cục Hải quan phối hợp kiểm tra việc mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn qua các cửa khẩu, tuyệt đối không cho nhập vào tỉnh thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn nếu chưa qua kiểm dịch; kiểm tra chặt chẽ du khách nước ngoài có mang thịt lợn.

Trong khi đó, Bình Phước có hơn 260km đường biên giới với Campuchia, là địa bàn trung chuyển giữa nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, có 2 tuyến quốc lộ 13 và 14, là các tuyến đường vận chuyển hàng hoá quan trọng từ miền Bắc và từ biên giới qua địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hơn 250 trại chăn nuôi tập trung, với tổng đàn gần 740.000 con. Ông Huỳnh Anh Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – cho biết, tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương huyện, thị có kế hoạch hành động, ứng phó với dịch bệnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa phát hiện dịch ASF, nhưng nguy cơ dịch bệnh này từ nước ngoài, các tỉnh đang có dịch lây nhiễm vào Bình Phước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao, đặc biệt là tại các huyện biên giới giáp Campuchia.

Những tỉnh đã bị dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm. Nguồn: C.T.Y

Dịch ASF đe dọa cả 3 vùng trọng điểm

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã thực hiện chủ động và khá đồng bộ các biện pháp, nhưng dịch ASF với con đường lan truyền phức tạp nên khó kiểm soát một cách triệt để. Trong khi bệnh này hiện không có vaccine phòng bệnh hay thuốc điều trị nên chỉ có giải quyết an toàn sinh học phải được thực hiện triệt để.

Trong đó, 3 khu vực trọng điểm có nguy cơ phải đối mặt với dịch ASF trong thời gian tới nếu không được kiểm soát tốt, đó là vùng Đồng bằng sông Hồng (hiện đang có số lợn bệnh ở mức cao nhất); miền núi phía Bắc với địa hình phức tạp; các tỉnh miền Nam với hệ thống sông nước dày đặc, xung quanh là thị trường khổng lồ TPHCM. “Nếu để lây lan sang các khu vực này thì thiệt hại vô cùng lớn, đe dọa phải mất thời gian dài mới khôi phục được ngành chăn nuôi. Nếu chúng ta không quyết liệt, ráo riết, thì không biết sẽ thiệt hại đến đâu. Việc phải làm ngay là phải áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để khống chế dịch ASF” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Không còn là “vấn đề riêng” của ngành nông nghiệp

Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này dịch ASF đã lan rộng trên 17 tỉnh của Việt Nam, với tổng đàn lợn bệnh phải tiêu hủy gần 24.000 con, dự báo ASF còn tiếp tục bùng phát mạnh và có thể lan rộng trên phạm vi cả nước. Đến nay, ASF không còn là “vấn đề riêng” của cơ quan thú y hay ngành nông nghiệp, mà đã là vấn đề chung của cả hệ thống, bao gồm cả các ngành công thương, hải quan, y tế, môi trường.

Lo dịch ASF gây thiệt hại đến xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn (chiều 14.3), chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động ngăn chặn dịch, hạn chế tối đa thiệt hại đến xuất khẩu thịt lợn trong thời gian tới. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu lãnh đạo bộ, tổng cục triển khai các biện pháp ứng phó với buôn lậu lợn và các sản phẩm từ thịt lợn trên toàn quốc, bao gồm cả việc nhập lậu lợn và các sản phẩm từ thịt lợn từ biên giới các nước vào Việt Nam. “Nếu làm không tốt công tác phòng chống dịch, sẽ là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bộ phận lớn người nông dân và doanh nghiệp. Đồng thời ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân và các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, CPI” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. Do đó, quản lý thị trường (QLTT) phải thực hiện nghiêm việc xử lý dịch bệnh, không để ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và an toàn thực phẩm. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục QLTT phải tổ chức ngay các đoàn kiểm tra, đánh giá về việc tổ chức triển khai nhiệm vụ và phối hợp tại các địa phương đang có dịch bệnh, nguy cơ lây lan và đường biên giới ngay trong tháng 3 này.

“Tôi đề nghị trước mắt tổ chức hai đoàn công tác, một là do Thứ trưởng Đặng Hoàng An và hai là do Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh đi kiểm tra và cần thực hiện ngay trong tháng 3.2019” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo. Tại các tỉnh thành có dịch, lực lượng QLTT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương; cử công chức trực 24/24h tại các trạm/chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép.

Từ ngày 1.2-14.3.2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An. Đến thời điểm này, tổng số có 23.442 con lợn bị bệnh phải tiêu hủy. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện dịch tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn.

KHÁNH VŨ
Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Dịch tả lợn tiến sát vùng chăn nuôi  phía Nam
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác