Print Thứ Hai, 18/03/2019 10:56

Liên tiếp trong 3 năm trở lại đây, nhìn từ góc độ kinh tế thị trường thì có lẽ lợn là một trong những mặt hàng được chú ý nhiều nhất. Từ nghịc cảnh lao dốc đến tột độ làm khốn khó người chăn nuôi, đến đột ngột lên đỉnh khiến Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia có giá thịt lợn cao nhất thế giới, giờ đây lợn lại tiếp tục tạo ra cơn sóng mới, khi trở thành nạn nhân của dịch tả châu Phi.

                                                                                                                                   

Nguồn tái tạo lợn thịt phụ thuộc nhiều vào quyết định của các chủ trang trại

Nghịch cảnh người chăn nuôi

Gần 3 năm trước, người chăn nuôi cả nước lâm vào một trận lao đao khi giá lợn hơi lao dốc đến mức khủng khiếp, từ mức gần 50 nghìn đồng/kg, giảm xuống tới mức kỷ lục hơn 3 lần. Hậu quả dây chuyền dẫn tới giá thịt lợn có thời điểm cũng chỉ được bán trên 30 nghìn đồng/kg, dẫn đến các loại thực phẩm khác như gia cầm, thủy sản cũng lâm vào hoàn cảnh “tiều tụy”.

          Ông Nguyễn Sỹ Tiến – một nông dân ở huyện Kiến Thụy nhớ lại, nhà ông có đàn lợn hơn 20 con, gạ hàng xóm “đụng” được vài con, còn lại vợ chồng ông tự giết đem ra chợ bán đổ bán tháo. Ông Tiến chia sẻ, cả xã ông lúc đó có khoảng 1 vạn con lợn đến kỳ xuất chuồng, nhiều gia đình phải bán theo mướn, nghĩa là ước lượng theo đàn thay cho cân như thông lệ, tính ra giá lợn hơi chỉ đạt khoảng 15 nghìn đồng/kg. Nhưng do sản lượng lớn nên dù giá rất rẻ cũng không thể tiêu thụ hết, trong khi hàng ngày người chăn nuôi vẫn phải mua thức ăn về nấu “phục vụ” lợn. Cực chẳng đã vì giá lượng cám mỗi con lợn ăn hàng ngày cũng gần tương đương với giá lợn hơi.

          Việc giá lợn lao dốc năm 2017 đã trở thành một sự kiện kinh tế lớn, đến nỗi Chính phủ phải vào cuộc trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch hỗ trợ. Nhìn từ góc độ xã hội, sự kiện này đã tác động đến nhiều phương thức sinh hoạt của nhân dân khi mà nông dân khắp nơi rộ lên phong trào “giải cứu lợn”. Trong các dịp nghỉ lễ hay gặp mặt, người ta cũng chọn mua lợn tổ chức liên hoan. Không chỉ thế, trào lưu chung tiền “đụng” lợn còn lan ra cả phố, bắt đầu từ những nhà có người thân ở quê, lan sang gia đình khác.

Giá thịt lợn trên thị trường Hải Phòng vẫn ở mức cao

          Đột ngột đảo chiều

          Sau hơn một năm lao dốc, mà các giải pháp “giải cứu” không mấy khả quan, bất ngờ đến giữa năm 2018 giá lợn thịt quay đầu tăng chóng mặt. Chỉ tính riêng lợn hơi, từ đáy dưới 15 nghìn đồng/kg thời điểm trước đó, đã bước lên ngay ngưỡng 40 nghìn đồng/kg, rồi tiếp tục tăng tiến đến mức kỷ lục 58 nghìn đồng/kg.

          “Lúc giảm thì giảm theo ngày, lúc tăng cũng không chịu kém cạnh…”, bà Hoàng Thị Phượng – một tiểu thương ở chợ Cầu Tre chia sẻ. Bà Phượng cho biết thêm, người chăn nuôi đã khổ, thương lái chuyên về lợn thịt có lúc còn khốn khổ hơn. Nghĩa là diễn biến tăng giá quá nhanh đối với lợn hơi, đã khiến các tiểu thương bán thịt khu vực nội thành “trở tay không kịp”. Chẳng hạn mức thịt lợn lúc giao cho nhà hàng chỉ có 60 nghìn đồng/kg, trong khi chẳng nhà hàng nào chịu thanh toán đúng hạn, đến lúc đòi được tiền nợ thì giá lợn hơi đã tăng gần bằng giá thịt. “Nhiều sạp hàng phải đóng cửa, thịt lợn tại các chợ đầu mới chưa quá buổi đã sạch nhẵn…” – Bà Phượng bồi hồi nhớ lại.

Tương tự như lúc giảm giá, việc giá lợn đảo chiều năm 2018 cũng là mức tăng chưa từng có đối đối với mặt hàng nông sản nói chung (trừ rau xanh). Đáng nói là, vì hệ lụy giảm của năm trước đó, khiến nhiều doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã không dám đầu tư, khiến sản lượng lợn thịt trong nước đã giảm rất lớn. Nên nỗi, giá tăng nhưng vào lúc “xế chiều”, nhiều chủ trang trại chỉ biết “than trời” mà tiếc nuối trong cảnh “lực bất tòng tâm”.

Nỗ lực ngăn chặn nạn dịch

Đến “quả bom” dịch bệnh

Trong khi những diễn biến bất thường về lợn thịt chưa kịp để cả hộ chăn nuôi, thương lái hay người tiêu dùng trấn tĩnh, thì ngay đầu năm Kỷ Hợi 2019, lợn tiếp tục tạo ra cơn sốc mới khi lâm vào cuộc dịch mang tên “tả châu Phi”. Theo tin từ Bộ NN&PTNT, ngày 19-2 vừa qua tỉnh Hưng Yên và Thái Bình là hai địa phương đầu tiên của cả nước công bố phát hiện ổ dịch Đến nay dịch lan rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh và lan nhanh đến các địa phương, trong đó có Hải Phòng.

Điều đáng nói là, mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, người tiêu dùng thường hay có động thái tẩy chay tiêu thụ, để lại hệ lụy nhiều khi rất nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù Bộ NN&PTNT cũng đã khẳng định tả lợn châu Phi không gây bệnh cho các loài động vật khác, cũng như không lây sang người, nhưng chỉ trong mấy ngày qua giá lợn hơi đã giảm rất mạnh, từ mức 50 nghìn đồng/kg cách đây một tháng, hiện chỉ còn khoảng từ 35 nghìn đồng đến 40 nghìn đồng/kg.

Ở nhiều địa phương trong cả nước, đã xuất hiện thông tin người tiêu dùng e ngại tiêu thụ thịt lợn, rât may là Hải Phòng tình trạng này chưa phổ biến. Tuy nhiên theo bà Vũ Thị Hằng – một thương lái ở xã Khởi Nghĩa (Tiên Lãng), thì diễn biến dịch bệnh và giá lợn hơi đang khiến nhiều thương lái lo ngại, một số người đã tính nước chuyển sang kinh doanh gia cầm và thực phẩm khác thay thế.

Cần chủ động nguồn tái tạo

Như đã nói ở trên, những ngày qua dù lợn hơi đang giảm sâu, nhưng thực tế ở các chợ nội thành thịt lợn vẫn tiêu thụ tốt và đang ở mức khá cao. Cụ thể thịt ngon như mông, sấn vẫn trên 100 nghìn đồng/kg, thịt “ba chỉ” và sườn ngon bình quân 100 nghìn đồng/kg, hầu như không giảm so với một tháng trước. Điều này cho thấy, ảnh hưởng của dịch bệnh chưa thực sự là nỗi lo cho thị trường thành phố.

Mặc dù vậy, nhìn về lâu dài dịch bệnh sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ, bởi bên cạnh một lượng lớn gia súc bị tiêu hủy, dịch bệnh cũng sẽ tác động vào tâm lý các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Theo ông Phạm Văn Nghĩa – một hộ chăn nuôi ở huyện An Lão, thì mỗi lứa lợn thịt từ lúc đầu tư giống đến lúc thu hoạch bình quân mất 3 tháng. Trước câu hỏi “nên tiếp tục tái đầu tư hay bỏ cuộc?”, ông Nghĩa đánh giá, dù muốn hay không thì việc tiêu thụ thịt trong nước vẫn là nhu cầu thiết yếu, nhất là khi mùa du lịch đã cận kề. Trên quan điểm này, ông Nghĩa cho biết sẽ tiếp tục đầu tư, tuy nhiên ông Nghĩa cũng cho biết là sẽ cân nhắc kỹ về số lượng. “Kinh nghiệm cho thấy đầu tư trong sự thất thường của thị trường là rất mạo hiểm…” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Nhìn về tổng thể thị trường thành phố, sự bất ổn mang tên “lợn thịt” sẽ tác động mạnh đến những thực phẩm khác, chưa kể các dịch vụ ăn uống, chế biến thức ăn sẵn, đồng thời sẽ tạo phản ứng dây chuyền tới thị trường thức ăn chăn nuôi. Rõ ràng, diễn biến cho thấy một làn sóng mới khó lường liên quan đến lợn thịt đang hiển hiện, những lúc như vậy người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng rất cần sự vào cuộc thiết thực của các cơ quan chức năng, từ việc đánh giá thực trạng, kiểm soát ổn định thị trường cho đến rà soát, tư vấn và quy hoạch nguồn cung.

Được biết toàn thành phố có 651 trang trại đã được đầu tư xây dựng và hoạt động hiệu quả, trong đó có 210 trang trại lợn, cùng với hàng nghìn gia trại. Hy vọng rằng qua cuộc lao đao này, các trang trại, gia trại sẽ được định hướng và hỗ trợ, để chủ động nguồn tái tạo cho thị trường thực phẩm thành phố.

Lê Minh Thắng

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Dịch tả lợn châu Phi và hệ lụy thị trường
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác