Dịch tả lợn châu Phi bùng phát: Nhiều bất cập trong công tác phòng, chống

Dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhiễm và lây lan ra 7 tỉnh, TP của nước ta, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Mặc dù các địa phương đã kịp thời khống chế, nhưng sự lây lan chóng mặt cùng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của người chăn nuôi, nhiều hộ bán tháo đàn khiến giá thịt lợn giảm mạnh.

Lực lượng chức năng lấy mẫu phẩm lợn xét nghiệm virut dịch tả lợn Châu phi tại cơ sở giết mổ Vạn Phúc, Thanh Trì. Ảnh: Phương Nga

Diễn biến phức tạp
Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra nhiều địa phương. Ghi nhận mới nhất cho thấy, Hải Dương là tỉnh thứ 7 xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ ngày 1- 2/3, dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại 3 hộ chăn nuôi lợn ở xã Hiến Thành, huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương. Toàn bộ 107 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.Mặc dù dịch tả lợn châu Phi mới chỉ xuất hiện tại phía Bắc, nhưng với sự lây lan nhanh chóng, người chăn nuôi nên hết sức cẩn trọng, thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng… theo yêu cầu và chỉ đạo của cơ quan chức năng.
Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT)
Như vậy, chỉ tính từ 1/2 đến ngày 3/3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7, tỉnh, TP gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn vị mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 4.200 con với tổng trọng lượng hơn 297 tấn. Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, Cục đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú ý xử lý tiêu hủy ngay lập tức. Đáng chú ý, Cục Thú y đã giải trình tự gen của virus dịch tả lợn châu Phi gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng virus dịch tả lợn châu Phi gây bệnh tại Trung Quốc.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác của Cục Thú y đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng. Tính đến ngày 2/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 38 hộ tại 12 thôn, 5 xã thuộc 2 huyện Thủy Nguyên (Chính Mỹ, Liên Khê, Lưu Kiến, Đông Sơn, Thủy Đường) và xã Nam Hưng, huyện Tiên Lãng. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 424 con (46 con lợn nái, 299 con lợn thịt, 79 con lợn theo mẹ).
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, hiện dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trên nhiều tỉnh thành và diễn biến rất phức tạp. Bộ trưởng đánh giá rất cao tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Hải Phòng khi chứng kiến việc chấp hành của người chăn nuôi và chính quyền địa phương theo quy định quy trình ngành thú y khuyến cáo trong việc lập chốt tiêu độc khử trùng cách ly khi ổ dịch xảy ra theo đúng kịch bản Bộ NN&PTNT đã chuẩn bị ban hành ngày từ khi dịch bắt đầu xuất hiện ca đầu tiên tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, thực tế công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn những bất cập nhất định. Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, bên cạnh việc lập chốt tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt thì TP Hải Phòng cố gắng sớm nhất để hỗ trợ tiền cho người dân bị tiêu hủy lợn theo Nghị định 02 của Chính phủ là 38.000 đồng/kg hơi. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này cào bằng chung nên chưa phù hợp với lợn nái lợn bố mẹ, lợn giống. Do đó kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm có kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ có thêm các quy định hỗ trợ tốt hơn, sát hơn đối với những hộ phải tiêu hủy lợn nái như tăng thêm 1,8 – 2 hệ số so với mức hỗ trợ chung hiện nay.
Kiểm soát chặt ổ dịch
Nguyên nhân dẫn tới dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh là do nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm. Đáng lo nhất là tình trạng người dân vẫn còn vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường khiến cho công tác kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch rất khó khăn. Đơn cử như tại xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, địa phương đang có dịch tả lợn châu Phi nhưng có hàng chục con lợn chết được phát hiện trên sông Tà Sa theo dòng nước trôi. “Tình trạng này này không những làm cho cán bộ địa phương phải căng mình kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường bộ và trên sông thuộc địa bàn mà còn ấn chứa nguy cơ phát sinh bệnh dịch cho đàn gia súc của người dân trong xã là rất lớn” – lãnh đạo xã Bắc Sơn nhìn nhận.“5 không” để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi
Theo Cục Thú y, để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện “5 KHÔNG” theo đúng quy định của Luật Thú y: 1. Không giấu dịch; 2. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; 3. Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; 4.Không vứt lợn chết ra môi trường; 5. Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Về ổ dịch tả lợn châu Phi phát hiện tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, ông Nguyễn Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, nguyên nhân có thể là do hộ này cho lợn ăn thức ăn thừa không qua nấu chín. Ngay sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã khoanh vùng, dập dịch theo đúng quy định. Hiện tại, TP đã có 6 chốt kiểm dịch cố định đặt tại các điểm giết mổ tập trung, quản lý chặt hoạt động trao đổi, mua bán lợn. Các chốt kiểm tra và báo cáo hàng ngày lên Sở NN&PTNT. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên quá sốt ruột, hoang mang bán tháo đàn lợn, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Mặt khác, nếu bán tháo lợn bệnh thì sẽ là một mối nguy cho ngành chăn nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi cần tỉnh táo, theo dõi sát tin tức, tuân thủ quy định và hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương.
Ông Sơn cũng khuyến nghị, các trang trại chăn nuôi lớn nên hạn chế vào đàn thời điểm này để tránh nguy cơ lây nhiễm. Người dân tuyệt đối không nên giấu dịch. Một khi phát hiện đàn lợn có triệu chứng, cần thông báo tới cơ quan thú y tại địa phương để tiến hành xét nghiệm, khử trùng, tiêu hủy. Thông báo đến các cơ quan chức năng để được hỗ trợ tiêu hủy với mức giá 38.000 đồng/kg lợn. Bên cạnh đó, tăng cường sát trùng chuồng trại, hạn chế người ra vào trại khi không cần thiết, khi vào phải qua sát trùng. Nhập lợn giống, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng và giám sát tình trạng sức khỏe của đàn lợn hàng ngày.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất khó lường vì nguồn lây chuyền rất đa dạng, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết lên đến 100%. Do đó, đề nghị tất cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, mong muốn có thêm lực lượng công an, quân đội để kiểm soát chặt chẽ việc bán “chạy”, bán “chui” của một số cơ sở chăn nuôi nhằm tránh lây lan. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đề nghị địa phương tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để người chăn nuôi có thể sớm nhận được tiền hỗ trợ – trích từ quỹ giảm nhẹ thiên tai của các tỉnh.
Dự kiến trong ngày hôm nay (4/3), Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi.

Thịt lợn liên tục giảm giá
Trong khi dịch lở mồm long móng vẫn còn hoành hành ở nhiều địa phương, người chăn nuôi lợn lại tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm, gây tử vong gần như 100% ở lợn và hiện chưa có thuốc phòng, chữa. Thông tin này đã khiến người chăn nuôi hoang mang, nhiều hộ bán tháo đàn mong bảo vệ đồng vốn. Lợi dụng tình hình này, tư thương đã ép giá, khiến giá thịt lợn giảm sâu.
Khoảng hơn 1 tuần nay, sau khi công bố dịch tả lợn châu Phi tràn vào nước ta, giá lợn hơi xuất chuồng đã giảm trên diện rộng. Cụ thể, giá lợn hơi tại Vĩnh Phúc 2 tuần trước có giá 49.000 đồng/kg nay giảm xuống chỉ còn 42.000 đồng/kg, Thái Nguyên cũng từ 48.000 đồng/kg giảm xuống còn 43.000 đồng/kg, Hưng Yên từ 46.000 đồng/kg giảm xuống còn 42.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, hiện đã phát hiện một ổ dịch tả châu Phi tại quận Long Biên. Ngày 24/2, sau khi nhận được thông tin đàn lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh, cơ quan thú y địa phương đã khẩn trương tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 25/2, sau khi có kết quả dương tính với virus bệnh tả, các cơ quan chức năng của địa phương đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, thực hiện các biện pháp khoanh vùng ổ dịch. Tuy chỉ là một điểm dịch nhỏ và đã được ngăn chặn xử lý kịp thời nhưng theo ghi nhận tại nhiều địa phương, người dân vẫn bán tháo đàn khiến giá lợn giảm mạnh. Hiện giá lợn hơi trên địa bàn Hà Nội dao động từ 42.000 – 45.000 đồng/kg, giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg.

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tin khác

Hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Nam Tràng Cát (Hải Phòng)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 101/QĐ-TTg chủ trương đầu…

15/01/2025

Đồng chí Bí thư Thành uỷ Lê Tiến Châu thăm, chúc Tết gia đình chính sách

Chiều 14/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

14/01/2025

Năm 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy chuyển đổi số

Chiều 14/1, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá kết…

14/01/2025

Tích cực tham mưu, đề xuất thành phố thực hiện các chính sách đặc thù về an sinh xã hội

Chiều 14/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết…

14/01/2025

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tràng Duệ 3 (Hải Phòng)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 86/QĐ-TTg ngày 14/1/2025 chủ trương…

14/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More