Dịch tả heo châu Phi lan rộng ra 15 tỉnh, thành

Các địa phương khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn và khử độc tiêu hủy những đàn heo bị bệnh dịch tả châu Phi nhưng đến nay bệnh dịch vẫn lan rộng ra 15 tỉnh, thành phía Bắc

Chiều 12-3, kết quả xét nghiệm trên đàn heo của gia đình ông Hoàng Văn Đức (ở thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) đã dương tính với virus dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Ngày 13-3, lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ 19 con heo của các hộ tại khu vực này.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tả heo châu Phi tại Thanh Hóa Ảnh: KHƯƠNG LỰC

Ngay khi phát hiện DTHCP, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, đã tới hiện trường và chỉ đạo cơ quan chuyên môn chốt trực, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Theo chỉ đạo của tỉnh, trên tuyến Quốc lộ 3 và đường Thái Nguyên – Chợ Mới các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường và thú y sẽ triển khai kế hoạch kiểm dịch liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo ra vào địa bàn tỉnh qua các chốt kiểm dịch.

Ông Nông Quang Nhất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bắc Kạn, cho biết do đặc thù tại Bắc Kạn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, xen lẫn trong các khu dân cư, lại có tuyến Quốc lộ 3 dẫn lên cửa khẩu, thường xuyên có ôtô vận chuyển heo lưu thông qua lại khiến công tác kiểm soát dịch bệnh khó khăn, phức tạp.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn sẽ thành lập tổ phản ứng nhanh để kịp thời ứng phó dịch bệnh. Chốt kiểm dịch động vật trên tuyến Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên – Chợ Mới huy động cán bộ trực 24/24 giờ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển có dấu hiệu nghi vấn; phun khử trùng, tiêu độc các phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sơn La, DTHCP đã xuất hiện tại tỉnh này. Ổ dịch được phát hiện tại bản Huổi Ái, xã Mường É, huyện Thuận Châu – địa phương giáp ranh với huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, là huyện đã có dịch từ vài ngày trước.

Tại Quảng Ninh, nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo vào địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Văn bản số 1039/QĐ-UBND về việc thành lập thêm các chốt kiểm soát liên ngành kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo vào địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định thành lập thêm 2 chốt tại ngã ba Yên Than (xã Yên Than, huyện Tiên Yên) và tại Trạm liên hợp Km15 – Bến tàu Dân Tiến (xã Hải Tiến, TP Móng Cái). Trước đó, Quảng Ninh đã lập 11 chốt trên địa bàn các địa phương Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều, Hoành Bồ…

Tại thị xã Quảng Yên, chiều 13-3, cơ quan thú y đã xác định đàn heo 43 con của gia đình ông Vũ Ngọc Hoàn (xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên) dương tính với DTHCP buộc phải tiêu hủy. Xã Sông Khoai hiện có hơn 1.000 hộ chăn nuôi heo với tổng số đàn heo trên 10.000 con. Đây là địa phương có tổng số đàn heo lớn nhất của thị xã.

Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, cho biết địa phương đang khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng khoanh vùng, bao vây, kiểm soát dịch bệnh, tránh để dịch lây lan sang vùng lân cận. Trước đó, thị xã đã cấp miễn phí 30 tấn vôi bột cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn để phòng chống DTHCP. Đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện 4 ổ DTHCP tại 3 địa phương, gồm thị xã Đông Triều, huyện Hải Hà và thị xã Quảng Yên.

Tại Thanh Hóa cũng vừa phát hiện thêm nhiều ổ DTHCP. Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, cho biết đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh này đã phát hiện thêm 4 ổ DTHCP trên địa bàn 4 xã Thiệu Tiến, Thiệu Thành (huyện Thiệu Hóa) và Định Bình, Định Thành (huyện Yên Định), nâng tổng số hộ có heo bị dịch lên 21 hộ, 12 thôn, 10 xã.

Như vậy đến thời điểm này, đã có 15 tỉnh, thành phố xuất hiện DTHCP, gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định và Bắc Kạn, Sơn La.

Đề nghị xử lý người tung tin dịch tả heo châu Phi

Ngày 13-3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau đã có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh Cà Mau đề nghị xử lý thông tin sai sự thật về tình hình DTHCP.

Theo đó, DTHCP chưa xảy ra ở Cà Mau nhưng vào ngày 12-3, chủ tài khoản Facebook có tên là Bảo Trân, Bảo Yến đã đăng thông tin: “Tới Cà Mau rồi; Thề không ăn thịt heo”. Sự việc trên khiến người tiêu dùng trong tỉnh hoang mang và lo lắng khi mua thịt heo làm thực phẩm cho gia đình. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau xác nhận thông tin trên là không đúng sự thật, đã ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi trong địa bàn và gây hoang mang dư luận. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh Cà Mau điều tra làm rõ và xử lý nghiêm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và tránh gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi trong tỉnh.

V.Du

Văn Duẩn – Trọng Đức – Tuấn Minh

Nguồn. Người Lao động

Nguồn tin: Người Lao động

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More