Y tế

Dịch COVID-19: Thế giới đã ghi nhận hơn 6 triệu ca nhiễm

Dịch bệnh đang diễn biến mạnh tại khu vực châu Mỹ Latinh, khu vực bị cho là điểm nóng dịch bệnh mới. Quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực là Brazil với hơn 468.000 ca mắc bệnh.

Ngày 30/5, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 6 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 trong đó có hơn 367.000 ca tử vong.

Số bệnh nhân khỏi bệnh tính đến 22h cùng ngày là hơn 2,68 triệu ca trong khi số bệnh nhân đang điều trị trên toàn cầu là hơn 3 triệu ca với 2% số này trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.

Dịch bệnh đang diễn biến mạnh tại khu vực châu Mỹ Latinh, khu vực bị cho là điểm nóng dịch bệnh mới. Quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực là Brazil với hơn 468.000 ca mắc bệnh và hơn 27.900 ca tử vong.

Dịch bệnh không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ đối với hệ thống y tế mà còn tác động khôn lường tới nhiều lĩnh vực trong đời sống.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo số lượng người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng” – những người chịu cảnh đói do không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lương thực, cả về khối lượng lẫn độ đa dạng – tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe có thể tăng gấp 4 lần trong năm nay.

Cụ thể, khu vực này khép lại năm 2019 với 3,4 triệu người “mất an ninh lương thực nghiêm trọng,” nhưng với tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, con số này có thể tăng thêm hơn 10 triệu người trong năm nay và lên tới 13,7 triệu người vào cuối năm.

Tình hình dịch bệnh tại Nam Á cũng có nhiều diễn biến đáng lo ngại trong ngày 30/5. Ấn Độ ghi nhận thêm 7.964 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 256 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên lần lượt là 17.3763 ca và 4.971 ca.

Đây là số ca nhiễm và tử vong trong ngày cao nhất do COVID-19 được ghi nhận tại Ấn Độ cho đến nay. Số ca mắc bệnh vẫn tăng mạnh dù chính phủ nước này đã áp đặt những biện pháp phong tỏa được cho là nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Chuyển bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế Grigor Lusavorich ở Yerevan, Armenia ngày 27/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Dự kiến, lệnh phong tỏa toàn quốc giai đoạn 4 của Ấn Độ sẽ kết thúc vào ngày 31/5, và Bộ An ninh nội địa Ấn Độ sẽ sớm công bố những hướng dẫn sửa đổi về việc tiếp tục áp dụng lệnh phong tỏa giai đoạn 5 trong hai tuần tiếp theo.

Trong khi đó, Bangladesh cũng ghi nhận 2.523 ca nhiễm mới, số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát tại nước này hôm 8/3 vừa qua. Hiện tổng số ca nhiễm ở Bangladesh là 42.844 ca.

Số ca nhiễm tại Pakistan cũng đã vượt mốc 65.000 khi quốc gia này chi nhận thêm 2.429 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên mức 66.457 ca, trong đó có1.395 ca tử vong.

Tại Trung Đông, Iran, điểm nóng dịch bệnh của khu vực, tuyên bố cho phép mở cửa các đền thờ trên cả nước để phục vụ các hoạt động cầu nguyện tập thể hằng ngày dù số ca nhiễm mới ở quốc gia này có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian giảm.

Theo đó, người dân được phép thực hiện các nghi lễ cầu nguyện hàng ngày nhưng phải tuân thủ các quy định vệ sinh dịch tễ. Giới chức Iran đã yêu cầu đóng cửa tất cả các đền thờ trên cả nước sau khi quốc gia này xác nhận các ca mắc bệnh COVID-19 đầu tiên hồi tháng Hai.

Các đền thờ Hồi giáo, nơi tổ chức các nghi lễ cầu nguyện tập trung đông người trong không gian kín, bị cho là những địa điểm lý tưởng cho dịch bệnh lây lan và bùng phát mạnh.

Mặc dù dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, giới chức Iran thận trọng lưu ý người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống khi dịch bệnh vẫn đang tiếp diễn.

Đây cũng là ngày mà các thể chế tài chính lớn trên thế giới gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua các biện pháp quan trọng hỗ trợ các nước chống dịch COVID-19.

Ban Giám đốc điều hành IMF đã thông qua việc mở Cơ chế Tín dụng linh hoạt (FCL) với tổng trị giá lên tới 23,93 tỷ USD trong hai năm để giúp Chile đối phó với tác động tiêu cực của đại dịch.

Hội đồng quản trị của WB cũng đã phê duyệt 250 triệu USD hỗ trợ chương trình ứng phó khẩn cấp của Indonesia khắc phục tác động của dịch COVID-19.

Cùng ngày, Chính phủ Đức và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về gói cứu trợ hãng hàng không Lufthansa giúp hãng hàng không hàng đầu của châu Âu tránh nguy cơ phá sản. Các nguồn tin sở tại cho biết Chính phủ Đức và Ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất được những điểm chính trong đàm phán cho gói cứu trợ Lufthansa.

Theo đó, để nhận được số tiền cứu trợ 9 tỷ euro (hơn 10 tỷ USD) từ Chính phủ Đức, Lufthansa phải chấp nhận rút 8 máy bay với tổng số 24 vị trí cất cánh và hạ cánh ở hai sân bay Frankfurt/Main và München (4 máy bay mỗi sân bay).

EC muốn đặt điều kiện đối với việc giải ngân của chính phủ Đức cứu Lufthansa để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các hãng hàng không, đặc biệt là với những đối thủ cạnh tranh giá rẻ như Ryanair (Ireland) hay Wizzair (Hungary) mà những nước chủ sở hữu không có nguồn lực mạnh như Đức để hỗ trợ các hãng hàng không của họ.

Hiện tình hình tài chính của Lufthansa đang ở mức nguy cấp. Theo một thông báo của Lufthansa, hãng này chỉ có thể cầm cự đến ngày 15/6 và có thể phá sản nếu không được cứu trợ kịp thời./.

Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Giá vàng có thể tăng hơn nữa trong năm 2025

Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…

12/01/2025

Dự kiến bộ máy Chính phủ có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, không còn cấp tổng cục

Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…

11/01/2025

Bổ sung phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ

Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…

11/01/2025

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More