Y tế

Dịch COVID-19 ở Ấn Độ: Số ca mắc vượt 18 triệu, ca tử vong cao kỷ lục

Trong 24 giờ qua, số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 3.654 ca, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người.

Ấn Độ hiện là “tâm chấn” mới của đại dịch COVID-19 khi trong suốt một tuần qua, quốc gia này liên tục ghi nhận hơn 300.000 ca mắc mới mỗi ngày và đã có hơn 200.000 ca tử vong.

Ngày 28/4, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết tổng số ca mắc tại nước này hiện đã vượt 18 triệu ca.

Theo số liệu mới nhất, trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 379.257 ca mắc mới, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 3.654 ca, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca tử vong theo ngày vượt mốc 3.000 người và đây cũng là mức cao kỷ lục mới.

Hiện số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ đã lên tới lần lượt là 18,38 triệu ca và 204.832 ca.

Trong bối cảnh số ca mắc mới trên toàn cầu vẫn không ngừng gia tăng trong 9 tuần liên tiếp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/4 cho biết chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm tới 38% tổng số ca mắc mới, tương đương 2.172.063 ca, được ghi nhận trong giai đoạn 7 ngày kết thúc vào ngày 25/4. Sự gia tăng số ca mắc ở Ấn Độ được cho chủ yếu do sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên B.1.617.

Biến thể này chứa hai đột biến đáng lo ngại là E484Q và L425R, có tốc độ lây lan nhanh hơn so với các biến thể mới khác tại Ấn Độ. WHO cho biết biến thể này được phát hiện trong nhiều ca mắc mới gần đây tại Ấn Độ.

Cũng trong tuần qua, Ấn Độ cũng ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng 93% so với tuần trước đó. Trong vòng 7 ngày qua, đã có 15.161 người không qua khỏi vì COVID-19.

Hiện hệ thống y tế của Ấn Độ rơi vào tình cảnh quá tải khi không còn đủ giường bệnh, ôxy y tế và thuốc điều trị COVID-19. Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã cam kết sẽ gấp rút hỗ trợ.

Ngày 28/4, người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết đội ngũ Liên hợp quốc tại Ấn Độ, do Điều phối viên thường trú Renata Lok-Dessallien dẫn đầu, đang hỗ trợ chính quyền sở tại ứng phó với dịch COVID-19 thông qua việc cung cấp thiết bị và vật tư y tế.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

WHO và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang tích cực mua sắm thiết bị và vật tư y tế, bao gồm 7.000 máy tạo ôxy, máy xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và đồ bảo hộ cá nhân.

WHO cũng đang hỗ trợ thành lập các đơn vị bệnh viện di động và đã triển khai khoảng 2.600 cán bộ thực địa hỗ trợ giới chức y tế Ấn Độ. Đội ngũ của WHO tại Ấn Độ cũng đang tiếp tục thúc đẩy chiến dịch nhấn mạnh việc thực hiện 3 biện pháp chống dịch gồm đeo khẩu trang, rửa tay và đảm bảo khoảng cách.

Cùng ngày, Anh thông báo sẽ viện trợ cho Ấn Độ 3 máy tạo ôxy công suất lớn, được mệnh danh là “các nhà máy tạo ôxy“. Mỗi “nhà máy” có kích thước bằng 1 thùng container, có thể sản xuất 500 lít ôxy/phút.

Ngoại trưởng Dominic Raab khẳng định Anh luôn sát cánh cùng Ấn Độ trong cuộc chiến chống COVID-19.

Ông nêu rõ: “Hợp tác quốc tế là yếu tố cần thiết hơn bao giờ hết và gói hỗ trợ bổ sung của Anh sẽ giúp đáp ứng nhu cầu hiện tại của Ấn Độ, đặc biệt là ôxy y tế“. Tổng cộng, Anh đã chuyển 495 máy tạo ôxy và 200 máy thở đến Ấn Độ trong tuần này.

Ireland cùng ngày thông báo chuyến hàng quyên góp khẩn cấp gồm 700 máy tạo ôxy đã khởi hành đến Ấn Độ.

Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo trong thời gian tới, Mỹ sẽ gửi các loại trang thiết bị y tế có tổng trị giá hơn 100 triệu USD để hỗ trợ Ấn Độ. Ngoài ra, Mỹ cũng chuyển nguyên liệu sản xuất vaccine AstraZeneca của riêng nước này cho Ấn Độ để quốc gia Nam Á sản xuất hơn 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.

Dịch bệnh phức tạp tại Ấn Độ cũng khiến Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo công dân “không nên đến Ấn Độ hoặc nên rời đi ngay nhằm đảm bảo an toàn“.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, bộ trên viết: “Công dân Mỹ muốn rời Ấn Độ nên tận dụng các phương tiện giao thông thương mại đang hiện tại sẵn có“, lưu ý “các chuyến bay trực tiếp hàng ngày đến Mỹ và các chuyến bay qua Paris (Pháp) và Frankfurt (Đức) đều có sẵn“.

Trong một cảnh báo về y tế riêng, Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ lưu ý các ca mắc mới và tử vong do COVID-19 đã tăng mạnh trên khắp Ấn Độ, trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xét nghiệm được cho là bị hạn chế ở nhiều địa điểm.

Các công dân Mỹ cũng đã thông báo bị từ chối tiếp nhận vào các bệnh viện ở một số thành phố do thiếu chỗ. Bộ Ngoại giao đã ban hành cảnh báo “cấp độ 4“, cấp độ cao nhất, đối với việc du lịch tới Ấn Độ.

Trong tuần qua, khoảng 20 nước đã tạm dừng khai thác các chuyến bay chở khách từ Ấn Độ trong những khoảng thời gian khác nhau hoặc áp đặt các tiêu chuẩn nhập cảnh khắt khe đối với du khách từ Ấn Độ.

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ không tiếp nhận những du khách đã ở Ấn Độ trong 14 ngày trước đó. Những quốc gia này bao gồm Canada, Anh, Hà Lan, Đức, Italy, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Saudi Arabia, Oman, Bangladesh, Maldives, Singapore, Indonesia, Australia, New Zealand và vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc)./.

Phương Oanh-Tiến Hiến (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Công an quận Hồng Bàng xử lý 07 trường hợp đốt pháo sáng sau trận chung kết ASEAN CUP 2024

Đêm 02/01/2025, Công an quận Hồng Bàng tổ chức tuần tra vây ráp phòng chống…

03/01/2025

Hải Phòng: Phát hiện và xử lý hơn 31.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hải Phòng) thông tin, trong năm 2024,…

03/01/2025

Xét xử đối tượng hành hung bác sĩ

Ngày 2/1, TAND huyện Tiên Lãng (TP. Hải Phòng) mở phiên tòa xét xử sơ…

03/01/2025

Bộ Kim phẩm Đền nghè lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng được Chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1712/QĐ-TTg về…

02/01/2025

Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2025

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố,…

02/01/2025

Giảm thuế giá trị gia tăng đến hết 30.6.2025

Giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang…

02/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More