“Hãy đứng im khi Tổ quốc cần” hay “Ai nơi nào, ở yên chỗ đó” là những khẩu hiệu được người dân nghĩ ra và chia sẻ trong những ngày qua tưởng như hài hước nhưng lại rất có tác dụng thời điểm hiện tại.
Cả thế giới đang phải dồn mọi nguồn lực chống chọi với một đối thủ vô hình mang tên COVID-19. Một số quốc gia đã ra lệnh phong tỏa đất nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Việt Nam được ghi nhận là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh. Mặc dù vậy, trước sự nguy hiểm khó lường của virus SARS-CoV-2, mỗi người dân cần chung sức đồng lòng cùng Chính phủ, quyết tâm chống “giặc” với tinh thần hiểu biết và trách nhiệm.
Hãy ở nhà nhiều hơn nếu có thể
Cuộc chiến thực sự bắt đầu khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Đây không phải là cuộc chiến giành lợi ích của các quốc gia, mà là cuộc chiến đấu của nhân loại trước kẻ thù chung, không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của con người, đó là virus SARS-CoV-2.
Đặc tính nguy hiểm của loại virus này chính là tốc độ lây lan rất nhanh, nhưng lại có thời gian ủ bệnh kéo dài tới 14 ngày. Nếu không phát hiện sớm để thực hiện cách ly, người nhiễm không hề biết mình đang mang mầm bệnh, đi khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người, khiến hậu quả khôn lường. Một người bình thường cũng không thể biết người đối diện với mình đang “ủ” bệnh hay không, cho đến khi có biểu hiện lâm sàng thì số lượng người tiếp xúc, bị lây đã tăng theo cấp số nhân. Thực tế, virus SARS-CoV-2 đã lan ra toàn thế giới, vượt qua tầm kiểm soát của nhiều quốc gia.
Sáng 20/3, chủ trì họp Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý, lực lượng chức năng cần thực hiện tốt việc khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động bất ngờ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho rằng, chúng ta đã bước sang giai đoạn phức tạp, phải chống dịch từ trăm ngả thay vì vài ngả như trước đây. Chính phủ khuyến cáo người dân thực hiện những phương pháp kiểm soát dịch một cách hiệu quả, bao gồm rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang khi ra ngoài để đảm bảo an toàn, khai báo bệnh khi cảm thấy không khỏe và đặc biệt, hạn chế đi lại nếu không thực sự cần thiết.
Trong cuộc họp gần đây nhất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, những ngày tới tình hình diễn biến của bệnh dịch sẽ phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Người đứng đầu chính quyền Thủ đô đề nghị người dân hãy ở nhà nhiều hơn nếu có thể, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tránh chỗ đông người; phụ huynh có con em từ các nước trên thế giới trở về nên cách ly tại nhà, không được ra ngoài…
“Hãy đứng im khi Tổ quốc cần” hay “Ai nơi nào, ở yên chỗ đó” là những khẩu hiệu được người dân nghĩ ra và chia sẻ rộng rãi trong những ngày qua tưởng như hài hước nhưng lại rất có tác dụng trong thời điểm hiện tại, nhằm chặn đường lây lan của COVID-19.
Cảnh ùn tắc trở thành “đặc sản” lâu năm của Hà Nội đã biến mất và thay vào đó là hình ảnh phố xá vắng vẻ hiếm thấy. Những tụ điểm ăn chơi, đông đúc hay nhà hàng, quán bia, dịch vụ giải trí dần đóng cửa. Không ít cơ quan, đơn vị hủy bỏ những cuộc họp, sự kiện chưa cần thiết; nhiều cơ quan, doanh nghiệp nghiên cứu triển khai phương án làm việc online, hạn chế tiếp xúc trực tiếp…
Tuân thủ khuyến cáo của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn, nhiều chuyến du lịch đã được hủy bỏ, những cuộc vui cá nhân được trì hoãn, thậm chí nhiều người còn lùi thời gian tổ chức đám cưới vì mục đích an toàn cho cộng đồng. Câu chuyện của Thiếu úy Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Đội Quản lý hành chính, Công an huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, hoãn lấy vợ để lên đường nhận nhiệm vụ, tham gia vào tuyến đầu phòng, chống dịch là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng lòng, quyết tâm của toàn dân, cũng không ít cá nhân vì ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà quay lưng lại với xã hội. Họ hồn nhiên ngao du khắp nơi, tiếp xúc với nhiều người, thậm chí khai báo gian dối lịch trình di chuyển sau khi đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Nhiều người cuống cuồng rời khỏi nơi cư trú khi trên địa bàn phát hiện có trường hợp nhiễm bệnh mới, trong khi chỉ vài ngày trước đó họ đã lên án gay gắt những hành vi tương tự.
Đó là những trường hợp có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến công tác phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, mà câu chuyện về bệnh nhân thứ 31 ở Hàn Quốc và bệnh nhân thứ 34 ở Việt Nam là một bài học vô cùng đắt giá cho những cá nhân không chịu “đứng im” trước sự an nguy của cộng đồng. Thông điệp “Chúng tôi đi làm vì bạn, hãy ở nhà vì chúng tôi” đang lan tỏa rộng khắp trên toàn thế giới muốn nhắc nhở người dân hãy ở nhà vì đó cũng là một trong những hành động góp phần vào cuộc chiến chung của đất nước.
Hành động bằng hiểu biết và trách nhiệm
Khái niệm “đứng im” được cộng đồng lan tỏa và đề cao trong thời gian qua, không chỉ vận động mọi người hạn chế đi lại mà còn kêu gọi mỗi cá nhân cần phải có thái độ đúng mực, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
“Đứng im” không phải là dừng hết mọi việc, không tiếp xúc với ai, thu mình trong nhà và trở thành “anh hùng bàn phím” khi chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng chỉ để thể hiện cho thiên hạ thấy ta là người hiểu biết, thạo tin…
“Đứng im” không có nghĩa là ở một chỗ, lên mạng xã hội thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân đi ngược với các quy định, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong thời điểm nhạy cảm, mọi thông tin về dịch bệnh luôn được cập nhật thường xuyên, thì một dòng chữ không đúng sự thật như “Có người trốn khỏi khu cách ly, sợ quá“, hay “Sắp cách ly cả Hà Nội rồi đấy“… cũng có thể gây tác động không nhỏ đến tâm lý, khiến nhiều người sợ hãi, hoang mang. Hãy chung tay, góp sức cùng cộng đồng chặn đứng dịch bệnh bằng những hành động thông thái. Đơn giản đó chỉ là rửa tay đúng quy cách, giữ gìn vệ sinh, không tụ tập đông người, chia sẻ thông tin chính thống và trách nhiệm…
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, huấn luyện viên câu lạc bộ bóng đá Liverpool Jurgen Klopp đã lên tiếng về việc những người nổi tiếng thích lên mạng xã hội để thể hiện quan điểm, thậm chí nhận xét, đánh giá và đưa ra lời khuyên cho cộng đồng về một vấn đề không thuộc chuyên môn và năng lực của mình.
Theo vị huấn luyện viên nổi tiếng người Đức, một người chỉ biết về bóng đá thì không nên phán xét về cách ứng phó với dịch bệnh khi bản thân không đủ năng lực và hiểu biết, đó là việc của cơ quan chuyên môn. Câu trả lời của một chiến lược gia bóng đá khiến dư luận rất ủng hộ và dành nhiều lời ca ngợi.
Người xưa có câu: “Biết thì thưa thớt, không biết dựa cột mà nghe” nhắc nhở những ai muốn thể hiện bản lĩnh khi chưa đủ kiến thức sẽ có lúc hại mình, hại người… Từ đầu mùa dịch đến nay, cơ quan công an đã phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Nhiều người lên án và cho rằng, trong khi các lực lượng chức năng vẫn đang phải làm việc để chống chọi lại với dịch bệnh thì một số cá nhân lại có những hành vi gây hại cho cộng đồng.
Cuộc chiến nào cũng phải kết thúc, bệnh dịch chắc chắn rồi sẽ qua đi, nhưng hậu quả để lại nhiều hay ít là do hành động của mỗi chúng ta. Không ai muốn phải “đứng im” một chỗ, cũng không hào hứng gì với việc đi cách ly, nhưng nếu như chúng ta xác định việc “đứng im” chỉ là hạn chế di chuyển, là thực hiện theo những khuyến cáo cần thiết của cơ quan chuyên môn, thì mỗi người sẽ lựa chọn cho mình những hành động phù hợp, hữu ích dựa trên sự hiểu biết và tinh thần trách nhiệm. Việc tiếp cận nguồn thông tin chính thống, nâng cao hiểu biết về dịch bệnh sẽ giúp chúng ta phân biệt rõ đúng, sai, góp phần đem lại sự an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội…/.
Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)