Print Thứ Bảy, 26/01/2019 16:41

Đầu thế kỷ 20, vùng đất Hòa Nghĩa là khu sình lầy, sú vẹt, hứng chịu nhiều bão gió. Với ước vọng mưa thuận, gió hòa, người dân nơi đây lập đền thờ vọng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, ngôi đền sau được đổi thành đình An Lạc. Năm 2015, đình được trùng tu, tôn tạo lại hoàn toàn giữ phong cách kiến trúc cổ. Đình có bố cục theo lối chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi, nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, được xây dựng rất tỉ mỉ, công phu. Trong đình hiện lưu giữ được một số di vật như long đình, bát biểu và nhiều văn bia ghi nhận công lao những người dựng làng, giữ nước.

 

Đình An Lạc gắn liền với truyền thống cách mạng của quân và dân Hòa Nghĩa trong kháng chiến chống Pháp. Đây từng là nơi đặt trụ sở chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương từ thời kỳ tiền khởi nghĩa; diễn ra các cuộc mít tinh, hội họp của chính quyền và nhân dân sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Gian hậu cung từng có 2 căn hầm bí mật cất giấu vũ khí và che giấu cán bộ kháng chiến của ta. Tại đình, bộ đội chủ lực của Tỉnh đội Kiến An tập kết lực lượng, chuẩn bị vũ khí để rạng sáng ngày 7-3-1954, phối hợp với các lực lượng kháng chiến trong vùng tập kích sân bay Cát Bi, sân bay lớn nhất miền Bắc Đông Dương, được thực dân Pháp sử dụng làm đầu mối tiếp tế vũ khí, lương thực bằng đường hàng không cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

 

Đình An Lạc được thành phố công nhận là di tích lịch sử kháng chiến cấp thành phố từ năm 2010. Ngày nay, đình An Lạc trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của người dân Hòa Nghĩa cũng như của quân và dân quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng.

 

(Minh Anh –  Báo Hải Phòng 12/03/2018)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Di tích lịch sử văn hóa đình An Lạc
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác