Print Thứ Ba, 14/01/2020 22:33 Gốc

Sự kiện phát hiện bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) vừa qua thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, sử học và nhân dân cả nước cùng nhu cầu hiểu, nghiên cứu, tham quan di tích. Thực tế đó đòi hỏi cần có phương án bảo tồn cũng như sớm xây dựng hồ sơ di tích cấp thành phố, hướng tới đề xuất công nhận di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt.

Khẩn trương hoàn tất hồ sơ công nhận khu di tích cấp thành phố

Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Lê Văn Quý cho biết, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tại hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên), Sở giao các phòng, đơn vị chuyên môn khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố. Đồng thời, sớm xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích bãi cọc Cao Quỳ. Theo đồng chí Lê Văn Quý, ngành tham mưu thành phố thực hiện quy hoạch để bảo tồn khu di tích, hệ thống đầy đủ các thủ tục tài liệu, phân tích dữ liệu để làm hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp thành phố.

Bãi cọc Cao Quỳ trước khi san lấp từng đón nhiều đoàn các nhà khảo cổ học, khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu.

Tuy nhiên, được biết, việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận khu di tích cấp thành phố chưa thể làm ngay bởi còn căn cứ vào kết quả báo cáo khai quật bãi cọc của Viện Khảo cổ học và quy hoạch khu di tích của Sở Xây dựng. Ngoài ra, theo lãnh đạo Bảo tàng Hải Phòng, đơn vị được Sở Văn hóa – Thể thao giao xây dựng hồ sơ di tích cấp thành phố, hiện các nhà khoa học, lịch sử vẫn tiếp tục có những hoạt động nghiên cứu dấu tích về chiến thắng Bạch Đằng hai bên bờ sông. Cụ thể, các nhà nghiên cứu thuộc Khoa Lịch sử (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) đang tìm kiếm các dấu tích trong lòng đất tại khu vực hang Son và Thiên Long Uyển tại làng Đức Sơn, xã Yên Đức, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) – nơi đối diện với bãi cọc Cao Quỳ. Còn các nhà khoa học, khảo cổ học cũng tiếp tục nghiên cứu mở rộng bãi cọc, từ ngã ba sông Bạch Đằng đến khu vực các xã Lập Lễ, Phục Lễ, Tam Hưng (huyện Thủy Nguyên).

Lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao cho biết, sau khi di tích bãi cọc Cao Quỳ được xếp hạng di tích cấp thành phố, Sở sẽ tham mưu thành phố tiếp tục làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia và Chính phủ công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Để làm được điều đó, thành phố cần mời các nhà khoa học tiếp tục vào cuộc, khảo sát, thăm dò không chỉ bằng phương pháp thủ công, mà bằng cả phương pháp khoa học công nghệ cao để tìm hiểu, phân tích, đánh giá giá trị di tích. Theo đồng chí Lê Văn Quý, những giá trị hiện hữu tại bãi cọc Cao Quỳ hiện nay cũng đủ làm căn cứ để công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Đó là hệ thống 27 cọc gỗ phát lộ tại 3 hố khai quật cùng một số hiện vật kim loại được tìm thấy ở chung quanh hố cọc. Các lớp đất địa tầng, địa hình, địa mạo của bãi cọc cũng nói lên nhiều điều. Chưa kể, việc phân bố các cọc hình thể hiện chiến thuật, chiến lược của cha ông trong nghệ thuật chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, kết hợp cả đánh giặc dưới nước và trên cạn.

Có thể xây dựng khu di tích trở thành bảo tàng ngoài trời

Trong thời gian xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng di tích cấp thành phố, việc bảo quản 27 cọc phát lộ tại 3 hố khai quật rất quan trọng. Theo Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Nguyễn Văn Phương, trong khi chờ đợi các giải pháp bảo vệ tiên tiến, theo ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, thành phố tạm thời cho san lấp (có đánh dấu vị trí cọc) toàn bộ 3 hố khai quật tại bãi cọc Cao Quỳ. “Thành phố giao huyện Thủy Nguyên lực lượng bảo vệ cọc 24/24 giờ. Để tránh ô- xi hóa, tổn thất và hao mòn cọc, trước mắt, cơ quan chức năng tạo ụ đất để tránh cọc va chạm, tiếp xúc với không khí, nắng gió. Về lâu dài, thành phố sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia để bảo tồn bãi cọc”, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Lê Văn Quý cho biết.

Bên cạnh phối hợp chặt chẽ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chính quyền địa phương bảo vệ bãi cọc, Sở Văn hóa – Thể thao cũng tham mưu thành phố làm tốt công tác quy hoạch, nghiên cứu việc đầu tư xây dựng bảo tàng ngoài trời, tái tạo lại trận chiến Bạch Đằng tại khu vực này hoặc biến nơi đây thành công viên lịch sử về trận chiến Bạch Đằng… Mục đích hướng tới tái hiện được truyền thống lịch sử quý báu để giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Trong chuyến khảo sát, nghiên cứu mới đây tại bãi cọc Cao Quỳ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, việc phát hiện bãi cọc được coi là dấu tích vật chất điển hình về chiến thắng lừng lẫy của dân tộc Việt Nam, là kỳ tích như Bác Hồ đánh giá “Nghìn thu soi rạng dấu rồng quang vinh”. Vì thế, thành phố Hải Phòng nói riêng, cả nước nói chung cần thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đề xuất, theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, chúng ta có thể xây dựng bảo tàng ngoài trời. “Trong điều kiện khoa học và công nghệ hiện nay, chúng ta có đủ sức thực hiện việc này trên cơ sở huy động nguồn lực của nhà nước và kêu gọi hợp tác quốc tế. Điều đó rất cần trách nhiệm cao của các nhà quản lý, sự vào cuộc của các nhà chuyên môn. Với tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay, chúng ta có thể làm mái che, hình thức bảo quản để sau này con cháu có thể tìm tới chiêm ngưỡng. Ở Việt Nam hiện nay, có khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) hay di tích văn hóa Óc Eo (Nam Bộ) cũng xây dựng bảo tàng như thế này”, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, giáo sư khảo cổ học Yi-Chang Liu, Chủ nhiệm Khoa Khảo cổ học, Giám đốc Bảo tàng Trường đại học Thành Công (Đài Loan- Trung Quốc) cho biết: “Tôi sang Việt Nam lần này để hướng dẫn tốt nghiệp cho nghiên cứu sinh. Rất may mắn, chúng tôi được nghe đến sự kiện phát lộ bãi cọc Cao Quỳ và tận mắt chứng kiến bãi cọc, di tích có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu tiến trình lịch sử của Việt Nam. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để giữ gìn di tích, tốt nhất là bảo quản tại chỗ, không di dời hiện vật, giữ nguyên môi trường vốn như đã tồn tại hàng trăm năm nay. Để thế hệ sau đến chiêm ngưỡng, tham quan, học tập lịch sử tại khu di tích, thành phố Hải Phòng có thể xây dựng bảo tàng ngoài trời có mái che, có chỉ dẫn để phục vụ người dân tới tham quan”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên): Đề xuất nhiều phương án bảo tồn, phát huy giá trị
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác