Print Thứ sáu, 27/12/2019 08:26 Gốc

Quảng Ninh sở hữu 3 bãi cọc cổ nằm trong trận đại thủy chiến Bạch Đằng lừng danh thế giới năm 1288, tiêu diệt hơn 4 vạn cùng gần 600 chiến thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông, gồm: Bãi cọc Đồng Má Ngựa, bãi cọc đầm Nhử và bãi cọc Đồng Vạn Muối, với tổng cộng cả nghìn cọc cổ. Tuy nhiên, đến nay, dường như di tích đặc biệt quan trọng này đang bị bỏ quên, trong đó có bãi cọc đầm Nhử, phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, được phát hiện và khai quật từ năm 1953…

Quá khứ oai hùng, tài sản vô giá

3 bãi cọc trên được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, qua nhiều lần khai quật khảo cổ học, thám sát… kết hợp với những tư liệu lịch sử, đều khẳng định nằm trong trận địa cọc quyết định tiêu diệt toàn bộ đoàn quân địch đang trên đường tháo chạy. Các cọc được bố trí theo hướng ngược dòng chảy, nghiêng chếch từ 30-45 độ, nằm cách nhau từ 1-1,5m. Cọc dài nhất được tìm thấy là khoảng 2,5m. Nhiều khu vực, mật độ cọc dày đặc. So với những cây cọc cổ vừa được tìm thấy ở Thủy Nguyên, Hải Phòng, thì cọc ở Quảng Yên nhỏ hơn nhưng được bố trí dày hơn.

Những nghiên cứu, khảo sát, khai quật thực địa nhiều lần cùng các cuộc hội thảo quốc tế đều khẳng định 3 bãi cọc trên góp phần tạo nên trận địa cọc ngầm cực hiểm, khóa chặt quân địch, sau những ngày bị đánh đuổi trong thế trận liên hoàn kéo dài từ Vạn Kiếp (Hải Dương) qua Đông Triều, Thủy Nguyên… trước khi bị diệt hoàn toàn bởi hỏa công và mưa tên.

Theo ông Ngô Đình Dũng – Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao thị xã Quảng Yên – người từng nhiều lần theo chân các đoàn chuyên gia trong và ngoài nước khi khai quật khảo cổ học các bãi cọc Bạch Đằng cổ, thám sát dòng sông Bạch Đằng, có 3 yếu tố để quyết định chiến bại tại vị trí này là thủy triều, địa thế lòng sông và bãi cọc. “Nếu chỉ có bãi cọc, các chiến thuyền dù có bị mắc kẹt vào đó cũng không thể chìm và thủy triều chỉ lên xuống bình thường cũng khó gây nguy hiểm tới các chiến thuyền. Tuy nhiên, biên độ chênh lệnh giữa thủy triều lên – xuống trên sông Bạch Đằng là rất lớn, kết hợp với ở vị trí cửa họng sông Bạch Đằng có ghềnh Cốc và ghềnh sông Chanh khiến cửa con sông này cực kỳ hiểm ác” – ông Dũng chia sẻ.

Hơn nửa thế kỷ, vẫn chỉ là cái ao

3 bãi cọc này được coi là hồn cốt của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, với 11 điểm di tích trải dài từ TP.Uông Bí cho tới thị xã Quảng Yên. Tuy nhiên, như Lao Động đã từng phản ánh, bãi cọc này vẫn chưa được phát huy xứng tầm để trở thành một điểm tham quan, học tập của du khách, nhân dân cả nước.

Nếu như bãi cọc Đồng Má Ngựa và Đồng Vạn Muối hiện đã được vùi sâu dưới lớp bùn để bảo quản thì bãi cọc đầm Nhử để lộ thiên nhằm phục vụ du khách tham quan suốt hơn nửa thế kỷ qua vẫn chỉ là… một cái ao tù. Du khách đến đây có ngắm được cọc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào…trời. Du khách thăm gặp hôm nước to thì phải báo trước để ban quản lý dùng máy bơm hút nước. Thậm chí, không ít lần, có các đoàn khách chỉ được ngắm biển nước vì mưa quá to, các máy bơm không xử lý kịp. Xung quanh bãi cọc cũng trống không, ngay một chỗ tránh nắng, mưa cho du khách cũng không có. Nhìn thảm cảnh đó, những nhà nghiên cứu, quản lý và du khách sốt ruột, ngán ngẩm và tiếc nuối cho một di tích có một không hai trên thế giới.

Thực tế, đã có Dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, gồm 2 giai đoạn kéo dài từ 2016 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng số vốn trên 700 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ đầu tư trùng tu, xây dựng các đền, đình, hạ tầng nằm trong khu di tích, còn 3 bãi cọc cổ thì để lãng phí.

Trao đổi với Lao Động sáng 23.12.2019, bà Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh – cho biết, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng sốt ruột lắm vì tiến độ chậm. “Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đầu tư cụ thể từng hạng mục rồi, nhưng cũng không biết xoay nguồn vốn ở đâu nên cứ giậm chân tại chỗ” – bà Hạnh chia sẻ.

Trao đổi với Lao Động, một số nhà nghiên cứu cho rằng, Quảng Ninh không phải là không có điều kiện, nhưng tại sao lại để di tích 3 bãi cọc cổ bị lãng quên lâu đến vậy?

Sau khi Hải Phòng xây dựng khu Bạch Đằng Giang thì phía Quảng Ninh có vẻ sôi sục một chút, nhưng rồi lại để đấy” – một chuyên gia đề nghị giấu tên đặt câu hỏi.

Được biết, trước đây, thị xã Quảng Yên đã cho xây dựng một nhà để xe khang trang ở ngay cạnh di tích bãi cọc đầm Nhử, Yên Giang, nhưng đã hỏng từ lâu. Một trong những công trình mới nhất của dự án là nhà đón tiếp khách vừa được xây dựng, khiến dư luận ngỡ ngàng vì “có khách đâu mà xây”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Việt – Giám đốc Trung tiền sử Đông Nam Á – lẽ ra phải ưu tiên đầu tư phát huy các bãi cọc cổ để phục vụ du khách thì lại chỉ đi làm những công trình xây dựng, trong khi đó, việc này không tốn kém như dự án vẽ ra.

Nguyễn Hùng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Di tích 3 bãi cọc cổ Bạch Đằng ở Quảng Ninh đang bị bỏ quên?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác