Print Thứ Sáu, 23/05/2025 19:00 Gốc

Hiếm có đô thị nào ở Việt Nam sở hữu sự đa dạng về phong cách kiến trúc như Hải Phòng. Sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Á – Âu tạo nên một diện mạo đô thị đặc trưng cho thành phố Cảng. Trong đó, các công trình kiến trúc Pháp vẫn được sử dụng, trở thành những di sản mang giá trị văn hóa và thẩm mỹ cao. Đây là nguồn tài nguyên đô thị quý giá, cần được bảo tồn và khai thác hiệu quả nhằm nâng cao sức hấp dẫn của thành phố, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho Hải Phòng.

 

Bảo tàng Hải Phòng là công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, độc đáo của đô thị Hải Phòng.

 

Hàng trăm công trình tiêu biểu 

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thành Hưng cho biết, với lịch sử phát triển gần 150 năm, Hải Phòng là một trong những đô thị lớn ở Việt Nam sớm hình thành khu phố Tây với khoảng hơn 300 công trình kiến trúc Pháp. Đáng quý nhất, đến nay phần lớn các công trình kiến trúc do Pháp xây dựng vẫn lưu giữ khá toàn vẹn, đang được sử dụng và trở thành di sản có giá trị văn hóa, thẩm mỹ cao, góp phần tạo nên một diện mạo đô thị Hải Phòng vừa cổ kính, vừa hiện đại. 

Trong số các công trình kiến trúc Pháp của thành phố, có hơn 100 công trình tiêu biểu, kiến trúc độc đáo như: trụ sở các cơ quan thành phố, Nhà hát thành phố và quảng trường nhà hát, Bảo tàng thành phố, Nhà Băng Năm Sao, Bưu điện Hải Phòng, Ga Hải Phòng, Khu A Trường THPT Ngô Quyền… Các tòa nhà được người Pháp thiết kế và xây dựng khá kỹ lưỡng, tuy có quy mô không lớn, nhưng gọn gàng, đẹp đẽ; tập hợp đầy đủ các phong cách tiêu biểu ở Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc từ thực dân tiền kỳ, cổ điển, tân cổ điển, địa phương Pháp…, đến Đông Dương, Neo Gothic, Art Decor và cận hiện đại. Ngoài công trình nhà có sự kết hợp các thành phần cảnh quan sông nước, kênh đào, hồ, dải vườn hoa. Đô thị kết nối với các dòng sông. Điều này tạo ra nét đẹp hài hòa của đô thị Hải Phòng mà hiếm đô thị nào ở Việt Nam có được. 

Không chỉ vậy, kiến trúc đô thị Hải Phòng mang bản sắc riêng với sự pha trộn giữa chức năng cư trú, thương mại, phòng thủ với sản xuất công nghiệp, cảng biển. Ngay từ thời gian đầu xây dựng, người Pháp định hướng Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả Đông Dương. Do đó, trong khu vực đô thị, nhiều nhà máy, xí nghiệp được người Pháp xây dựng, quy hoạch ở những vị trí phù hợp, chủ yếu gắn với sông Cấm để tận dụng khả năng vận chuyển hàng hóa bằng đường sông như: Cảng Hoàng Diệu (Bến Sáu Kho xưa), Nhà máy xi măng Hải Phòng tại ngã 3 kênh đào Hạ Lý; các nhà máy điện, máy bát, máy sợi… Qua thời gian, các công trình này trở nên cũ kỹ, lạc hậu, song lại chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa, lịch sử, kiến trúc to lớn, là di sản quý giá, nguồn lực để Hải Phòng phát triển, nhất là phát triển văn hóa du lịch.

Biến di sản thành nguồn lực 

Các công trình kiến trúc Pháp được nhận định, đánh giá có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa…, tuy nhiên những năm gần đây, nhiều công trình cổ theo kiến trúc Pháp trên địa bàn thành phố bị chuyển đổi công năng phục vụ các mục đích khác nhau mà không tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn. Không ít công trình có giá trị đến nay không còn, nhiều biệt thự đang bị biến dạng, đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi những nhà cao tầng… Do đó, việc bảo vệ, giữ gìn các công trình kiến trúc Pháp độc đáo cấp thiết cần thực hiện nhằm bảo tồn, giữ gìn sự toàn vẹn của di sản kiến trúc đô thị Hải Phòng; đồng thời phát huy giá trị của các công trình kiến trúc cho mục tiêu phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Theo Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) Đặng Thùy Vân, thời gian qua, các công trình kiến trúc Pháp có giá trị văn hóa đang là trụ sở của các cơ quan trên địa bàn thành phố được quan tâm cải tạo, sửa chữa trên cơ sở giữ nguyên vẹn kiến trúc vốn có. Ngày 7- 8-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2799/QĐUBND về việc phê duyệt Đề án quản lý và Danh mục nhà ở, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử cần giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ. 

Theo đó, có 217 công trình được xếp hạng các công trình kiến trúc cần được giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ gồm: 12 công trình kiến trúc loại 1; 68 công trình loại 2; 137 công trình loại 3; đồng thời trong đó có 6 công trình quản lý theo quy định đặc thù. Thành phố giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì cùng các sở, đơn vị, địa phương liên quan hằng năm thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá, xếp loại bổ sung các công trình kiến trúc có giá trị để có giải pháp bảo vệ. Thành phố sẽ nghiên cứu lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hải Phòng, trong đó sẽ có những quy định cụ thể về quản lý kiến trúc đối với trung tâm đô thị lịch sử được xác định rõ trong Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. 

Riêng với 217 công trình được xếp hạng các công trình kiến trúc cần được giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ, giải pháp bảo vệ, tôn tạo được đề xuất, xác định rõ đối với từng loại công trình trên cơ sở thống nhất quan điểm là không “đóng hộp”, bảo tồn công trình di sản theo hướng “bảo tàng hóa”, tách biệt khỏi cuộc sống đô thị hiện tại mà coi công trình như một thực thể sống, gắn bó hữu cơ với nhịp sống đô thị. Từ đó, để các công trình kiến trúc được “sống” và trở thành những địa điểm quan trọng, thu hút du khách, khai thác phát triển du lịch, biến di sản trở thành nguồn tài nguyên, động lực sáng tạo và phát triển thành phố.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Di sản kiến trúc đô thị Hải Phòng: Bảo tồn gắn với phát huy giá trị phát triển
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác