Trưa 13/9, chúng tôi có mặt tại khu vực Cảng cá Ngọc Hải trên địa bàn phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng. Sau bão, nơi đây đã trở lại nhịp sống bình yên trước kia.
Trên bờ, nhiều thương lái đứng đợi những chuyến tàu cập bến với ăm ắp tôm cá trong khoang. Dưới biển, những con tàu đang hú từng hồi còi dài chào đất liền sau chuyến ra khơi.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Đình Dũng, Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng cho biết, có 226 phương tiện tránh trú bão số 3 tại Cảng cá Ngọc Hải và khu vực bến Xăm (cùng trên địa bàn phường Hải Sơn). Trong đó, có hơn 100 phương tiện của ngư dân quận Đồ Sơn, chủ yếu là của ngư dân phường Hải Sơn.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó bão cũng như thời gian bão đổ bộ đúng lúc nước triều xuống, nên không có tàu, thuyền nào bị đắm và không có ai bị chết, bị thương do bão.
Vì thế, ngay sau khi Tp.Hải Phòng dỡ bỏ lệnh cấm biển (ngày 11/9), ngư dân Đồ Sơn đã ra khơi khai thác ở vùng lộng và ven bờ. Khai thác ven bờ đi về trong ngày, còn khai thác vùng lộng khoảng 3 ngày mới về bến. Ngày 13/9, đã có tổng cộng 7 tàu khai thác vùng lộng trở về Cảng cá Ngọc Hải.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Cảng cá Ngọc Hải, đến ngày 13/9, có khoảng 50% số phương tiện đang neo đậu tại Cảng cá Ngọc Hải đã ra khơi. Trong đó, chủ yếu là đánh bắt ven bờ.
Sau bão, sản lượng khai thác trung bình chỉ bằng 1/2 so với trước. Tuy nhiên, mức giá thương lái thu mua tăng cao. Vì thế, ngư dân rất tích cực vươn khơi, bám biển.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá nhiều loại hải sản bơi sống được bày bán ở khu vực gần Cảng cá Ngọc Hải hiện khá cao. Trong đó, bề bề 600.000-700.000 đồng/kg, ghẹ 500.000-600.000 đồng/kg, cao gấp 2 lần so với trước bão. Giá một số loại hải sản như cá thu, cá lanh, cá uốp, cà hồng phèn, mực… tăng 1,5 đến 2 lần.
Tuy nhiên, một số thương lái tại Cảng cá Ngọc Hải cho hay họ thu mua cá tại các tàu, thuyền rồi bán cho người tiêu dùng hay bán cho thương lái khác vận chuyển đi tiêu thụ trong và ngoài Tp.Hải Phòng rồi mời chào với mức giá “rẻ giật mình“. Họ khẳng định là giá không tăng so với trước bão.
Về vấn đề này, một ngư dân ở Đồ Sơn (đề nghị giấu tên) cho biết, trước khi bão đổ bộ, nhiều thương lái còn tồn kho lượng hải sản lớn. Họ ướp đá, cấp đông bảo quản qua bão. Hiện họ bán theo kiểu “xả hàng” với giá rẻ.
“Thực ra những loại tôm, cá này không có gì độc hại mà chỉ không tươi ngon bằng những loại mới đánh bắt. Những loại này chủ yếu bán cho thương lái đưa sang các tỉnh, thành phố khác để tiêu thụ. Người dân Đồ Sơn rất tinh, chỉ cần ngửi mùi sẽ phát hiện đâu là hải sản mới đánh bắt, đâu là hải sản ướp đá, cấp đông dài ngày“, người này chia sẻ.
Ông Lưu Đình Dũng, Chủ tịch UBND phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng cho biết, khác với khai thác vùng lộng và ven bờ, các phương tiện khai thác xa bờ ra khơi theo con nước. Dự kiến đến ngày 20/9 (ngày 18/9 Âm lịch), các tàu khai thác xa bờ của địa phương mới bắt đầu chuyến đi biển đầu tiên sau bão.
Thời gian trở về bến của các tàu vươn khơi tùy thuộc vào lượng tôm, cá đánh bắt được cũng như lượng nước ngọt, lương thực, xăng dầu dự trữ. Nếu nhanh, chỉ hơn 1 tuần sau sẽ về bến. Tuy nhiên, có tàu đi đánh bắt ngoài khơi cả tháng trời.
Ngô Quang Thái
Từng bước xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố không ma túy, hồi 00h15'…
Sáng 20/11, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng long trong tổ chức Lễ kỷ…
Cơ quan CSĐT, Công an Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị…
Sáng 20/11, Trường Chính trị Tô Hiệu tổ chức gặp mặt kỷ niệm 42 năm…
Nhân Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), sáng 20/11,…
Chiều 19/11, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng phối hợp với Sở Tài nguyên…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More