Tín hiệu tăng tốc sản xuất và xuất khẩu của dệt may và giày da đã được ghi nhận ngay trong những tháng đầu năm 2019 khi mà nền kinh tế của các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản… tiếp tục đà phát triển. Điều này hứa hẹn năm 2019 sẽ là một năm thành công đối với sản xuất và xuất khẩu của 2 ngành này…
Cùng với sự hồi phục kinh tế toàn cầu với những thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Đặc biệt Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết nội dung quan trọng xóa bỏ từ 95-98% các dòng thuế quan ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình 5-7 năm. Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, trong đó có dệt may và da giày.
Ngoài ra CPTPP sẽ còn mở ra cơ hội tiếp cận một số thị trường mới. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ có động lực đầu tư phát triển ngành nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ. Từ đó, thiết lập sự liên kết trong chuỗi dệt – may hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho ngành dệt may phát triển bền vững.
Dây chuyền sản xuất nội y xuất khẩu của Công ty Regina Miracle International Viet Nam – VSIP HAIPHONG
Theo thông tin từ nhiều doanh nghiệp, ngay từ thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm. Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư đổ vào ngành dệt may trong thời gian gần đây giúp dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may trong nước, từ đó tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Do đó, tiếp tục đà tăng trưởng thuận lợi của quí I/2019, ngành dệt may, da giày trong tháng 4 ghi nhận thêm nhiều kết quả tích cực, đơn hàng xuất khẩu đã có đến hết quí II.
Theo số liệu của Bộ Công thương, ngành dệt may trong tháng 4/2019 có nhiều kết quả tích cực như chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 4 tăng 3,9% so với tháng 3 nhưng tăng tới 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 12,1% so với cùng kì 2018.
Tương tự, chỉ số sản xuất trang phục tháng 4 tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 12,1% so với tháng 4 năm 2018. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất trang phục tăng 8,8% so với cùng kì năm 2018.
Ngành giày da đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá trong những tháng đầu năm
Một số sản phẩm trong 4 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng so với cùng kì như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 178,2 triệu m2, tăng 3,9%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 396,6 triệu m2, tăng 19,5%; quần áo mặc thường ước đạt 1.601,3 triệu cái, tăng 8,7% so với cùng kì năm trước.
Cũng theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong 4 tháng đầu năm ước đạt 9,43 tỉ USD, tăng 9,8% so với cùng kì. Sản xuất ngành da và các sản phẩm liên quan 4 tháng đầu năm tăng 8,4%.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại trong 4 tháng đầu năm ước đạt 5,33 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kì. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày đã có đơn hàng hết quí II, các doanh nghiệp vẫn đang tích cực sản xuất và tìm kiếm những đơn hàng mới.
Theo phân tích của Tổng cục thống kê, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tư của giày dép tăng 11,4%; dệt may tăng 7,1%. Và cả 2 ngành này đều lọt vào top 16 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD của 4 tháng đầu năm. Trong đó hàng dệt may đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9,8%; giày dép đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,4%…
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó giày dép tăng 9,4%; hàng dệt may tăng 8,5%. Tiếp đến là thị trường EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng 2,8%, trong đó giày dép tăng 7%. Thị trường ASEAN đạt 8,4 tỷ USD, trong đó hàng dệt may tăng 36,7%. Hàn Quốc đạt 6,2 tỷ USD, trong đó hàng dệt may tăng 10%. Nhật Bản đạt 6,1 tỷ USD, trong đó giày dép tăng 27,6%; hàng dệt may tăng 6,9%.
Tại Hải Phòng, các doanh nghiệp giày da và dệt may tiếp đà tăng trưởng của năm ngoái vẫn tiếp tục giữ vững và mở rộng sản xuất. Qua đó góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm của thành phố ước đạt 885,4 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.144,5 triệu USD, tăng 25,37% so với cùng kỳ năm 2018.
Dệt may và giày da tiếp tục trở thành một trong số hàng hóa xuất khẩu trong 4 tháng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể hàng dệt may đạt 187,7 triệu USD, tăng 35,76%; giày dép đạt 519,6 triệu USD, tăng 6,97%…
Lạc quan với những tín hiệu tích cực đó, tuy nhiên các doanh nghiệp dệt may và da giày nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Đó là vấn đề về giá nguyên liệu, thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu, chi phí vận chuyển do ảnh hưởng dây chuyền của giá điện và nhiên liệu hay vấn đề về lao động…
Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang tập trung khai thác vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản… mà chưa thật sự quan tâm tới các thị trường mới ở Châu Mỹ. Tuy nhiên, CPTPP sẽ là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp để mở rộng thị trường, tìm kiếm nhiều khách hàng mới bên cạnh nhóm thị trường đã khai thác tốt thời gian qua. Do đó tiềm năng phát triển của 2 nhóm doanh nghiệp này vẫn còn rất lớn…
Bùi Hạnh (tổng hợp)