Tuổi Trẻ Online giới thiệu góc nhìn và hiến kế giải pháp từ các chuyên gia, mong muốn giải quyết triệt để các máy chửi cứ nhan nhản trên mạng.
Dẹp “máy chửi”: Phạt thật nặng những trường hợp văng tục, chửi bậy trên không gian mạng
Áp dụng chửi như là một “chiến lược” để được nổi tiếng là một cách đang được nhiều nhân vật trên mạng xã hội ưa chuộng. Việc này cần được nghiêm túc nhìn nhận và giải quyết bởi những tác động tiêu cực của nó đến chất lượng văn hóa nước nhà.
Với sự ra đời của nhiều nền tảng công nghệ (flatform) khiến mạng xã hội đang trở thành một không gian không thể thiếu và trở nên quan trọng đối với đời sống của người Việt.
Trong khi, căn tính văn hóa Việt được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng văn hóa làng xã, nay được nhúng vào môi trường mạng với tốc độ phát triển chóng mặt, các chủ thể (người dùng mạng) sẽ dễ bị cuốn theo các trào lưu và xu hướng.
Tiếc rằng, các trào lưu và xu hướng này “lành ít, dữ nhiều“, tích cực có, nhưng tiêu cực cũng lan truyền chóng mặt. Ít nơi đâu chửi cũng được tán dương là “chửi hay“, những cư dân làng xã thích được chửi và được nghe chửi…
Mạng xã hội đã góp phần tiếp sức, “chắp cánh” khuếch đại “nét văn hóa” xấu xí này. Nhiều người ảo tưởng sức mạnh đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật bằng việc chửi văng mạng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm của người khác.
Để căn chỉnh văn hóa, hạn chế những việc xấu xí này, theo tôi, cần song song triển khai các phương án về mặt pháp lý, kỹ thuật và giáo dục.
Về pháp lý và kỹ thuật: Cần xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật, ở đó quy định cụ thể việc cấm những hành vi chửi tục ở không gian mạng. Phạt thật nặng những trường hợp văng tục, chửi bậy trên không gian mạng.
Về nguyên tắc, đời sống thực và đời sống mạng có những “điểm chung“: Những hành vi vi phạm pháp luật là đều phải bị xử lý.
Yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần có trách nhiệm quản trị nội dung này, trong đó một mặt cần cấm những nhà cung cấp dịch vụ này sử dụng các thuật toán khuyến khích các nội dung chửi tục.
Mặt khác, những nhà mạng này cần phải tạo ra các thuật toán hạn chế các nội dung dung tục, thậm chí tự động xóa bỏ những tài khoản xem việc áp dụng “chiến lược chửi” là một cách thức để được nổi tiếng. Đây cũng là cách các nhà cung cấp dịch vụ thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Về giáo dục, như tôi từng viết nhiều lần trên Tuổi Trẻ, việc đưa bộ môn truyền thông vào dạy ở các bậc học thấp (như từ tiểu học) là việc làm cần thiết. Trong môn học này, học sinh sẽ được dạy cách ứng xử trên không gian mạng, cách thức lựa chọn tin tức để đọc, cách phân biệt thông tin giả, thông tin độc hại… để tạo ra sức đề kháng cho những công dân trẻ.
Việc này đặc biệt quan trọng, bởi những thiết bị di động như điện thoại thông minh hay máy tính bảng hiện nay là phổ biến và dễ dàng sở hữu.
Ngay từ khi còn nhỏ, các bạn trẻ đã được dạy cách để tiêu thụ thông tin và cung cấp, tạo ra thông tin trên môi trường mạng, sẽ góp phần “kiểm soát trước“, hạn chế được sự nhiễu nhương ở môi trường mạng trong tương lai.
LÊ NGỌC SƠN (Chủ tịch Hãng xử lý khủng hoảng Berlin Crisis Solutions, CHLB Đức)
Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông): Cần triệt để áp dụng “danh tính số”
Trên không gian mạng nhiều người nghĩ phần danh tính không rõ ràng, việc xâm phạm quyền lợi của người khác không trực tiếp, nó là ảo, mình không phải chịu trách nhiệm nên dễ dàng làm những việc thiếu văn hóa như chửi bới câu view kiếm lợi hoặc thậm chí lừa đảo.
Để ngăn chặn những hành vi này cần triệt để áp dụng giải pháp yêu cầu xác định danh tính số. Những người tham gia các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng có sức ảnh hưởng lớn phải có danh tính thực, có thể là đăng ký tài khoản từ số điện thoại thực.
Đi kèm với giải pháp này là phải chống sim rác. Rất cần thiết phải siết chặt danh tính số trên các nền tảng có sức ảnh hưởng lớn. Để khi những tài khoản mạng xã hội này xâm phạm lợi ích của cá nhân hay cộng đồng thì các cơ quan quản lý dễ dàng xác định danh tính để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời những chủ tài khoản đó cũng biết “chừng mực“, đúng đắn hơn trên môi trường mạng.
Thứ hai là xã hội cũng như pháp luật nên khuyến khích các cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng khi bị xúc phạm trên mạng xã hội hãy mạnh dạn kiện ra tòa và tòa phải ưu tiên xử lý những vụ việc này để khuyến khích hành xử đúng pháp luật. Tòa cũng phải xử lý đúng tội danh để có ý nghĩa giáo dục.
Hay những người bị lừa đảo, bị hại thì cần được khuyến khích tố cáo để cơ quan công an điều tra xử lý hình sự.
Với những người xâm phạm lợi ích cộng đồng thì các tổ chức, đặc biệt tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng tích cực report (báo cáo) tài khoản đang xâm phạm lợi ích cộng đồng đó.
Tuổi trẻ Online
Chiều 18/12, UBND thành phố tổ chức Lễ khởi công Dự án đầu tư xây…
Sáng 18/12, theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Hải…
Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm tuyệt đối an…
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024, sáng 18-12, tại Trung tâm Hội nghị…
Chiều 17/12, đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra…
Chiều 17/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More