Các loại xá lợi tóc, xá lợi xương, xá lợi máu của Đức Phật được lan truyền trên các mạng xã hội, đây là các hình thức mê tín dị đoan, không phải là tín ngưỡng tôn giáo.
Các vị cao tăng trong Phật giáo cần lên tiếng về các hiện tượng tuyên truyền xá lợi của Đức Phật, để Phật tử cũng như cộng đồng xã hội hiểu rõ về xá lợi Phật, tránh các hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng để “buôn thần bán thánh”.
Phật tử, cộng đồng hiểu đúng về xá lợi Phật, tất nhiên sẽ tránh được các thông tin lan truyền sai lạc, lệch lạc với giáo lý Phật giáo truyền thông.
Mới đây, liên quan đến tình trạng đốt vàng mã, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản ghi rõ: “Tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp. Lưu ý trong cách tổ chức tiếp nhận nghi lễ và không dùng các thuật ngữ dễ gây cho xã hội hiểu lầm lệch chuẩn về ý nghĩa cầu an của Phật giáo“.
Những công bố công khai từ các tổ chức tôn giáo có tác động tích cực đến xã hội, làm thay đổi suy nghĩ và hành vi của nhiều người. Người dân hạn chế đốt vàng mã là góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và đặc biệt là chống lãng phí vì tập quán không lành mạnh này.
Hay như trước hiện tượng “vong báo oán“, trong bài “Vụ “vong báo oán”: “Không đúng chính pháp đạo Phật” đăng ngày 21.3.2019, trao đổi với Lao Động, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Giáo lý nhà Phật không hề có chuyện thỉnh vong, gọi hồn“.
Một lời khẳng định của chức sắc tôn giáo có uy tín rất có ý nghĩa để Phật tử tránh xa các hiện tượng cuồng tín, mê tín.
Các nhà khoa học cũng nên vào cuộc phân tích để cộng đồng hiểu rõ được, có những tuyên truyền không chỉ đi ngược lại với giáo lý Phật giáo mà còn phản khoa học. Như xá lợi xương có thể sinh ra, lấy nước sông Hằng về và bằng niềm tin thì nước sông sẽ trở thành “xá lợi máu” của Đức Phật.
Tết Âm lịch sắp đến, còn nhiều hiện tượng “giải vong“, “dâng sao giải hạn“, tuy đã có nhiều ý kiến từ chức sắc tôn giáo, các nhà nghiên cứu, nhưng cũng cần tiếp tục lên tiếng để có những phân tích đúng giáo lý Phật giáo, khách quan, khoa học, không để cho các loại tuyên truyền mê tín, cuồng tín có đất sống.
Một xã hội văn minh có nhiều việc để làm, trong đó có bài trừ mê tín dị đoan. Bài trừ tệ nạn này là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, nâng cao dân trí và các giá trị văn hóa, tôn giáo truyền thống của dân tộc.
Xin trích lại giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tác hại của mê tín dị đoan, hủ tục đối với đời sống xã hội: “Có một số người đồng bóng lạc hậu, mê tín bị những kẻ xấu lợi dụng để xoay tiền. Vì vậy, đồng bào phải cố gắng xây dựng lại thuần phong mỹ tục để hạn chế và tiễu trừ những tệ nạn đó”.
Lê Thanh Phong