Print Thứ ba, 28/11/2023 16:31 Gốc

Trong tâm thức của người dân Việt Nam nói chung cũng như người dân huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, những ngôi đền cổ là chốn thiêng liêng, là nơi bảo lưu, gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hoá quê hương.

Bên cạnh yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, những ngôi đền cổ còn mang ý nghĩa lịch sử nhằm tôn vinh, thể hiện sự tri ân công đức các bậc tiền nhân, các danh nhân đã có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, mang lại cuộc sống an lành cho người dân.

Khung cảnh bên trong Đền An Lư (Ảnh: Sưu tầm)

Trong đó tiêu biểu là đền An Lư, thuộc xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng thờ danh y Tuệ Tĩnh. Đền nằm trên dải sa bồi của hệ thống sông Cấm, chảy qua thềm đất cổ Thủy Nguyên, nơi có sự khai phá đất đai, tạo dựng xóm làng của cư dân làm nông nghiệp lúa nước và chài lưới từ rất sớm. Nhưng vì sao thiền sư Tuệ Tĩnh, nguyên là một trong hai vị thánh thuốc nam của nước Việt ta, quê mãi tận vùng Cẩm Giàng, Hải Dương lại được dân làng An Lư thờ phụng uy nghi?

Sử liệu cũ thu thập tại đại phương cho thấy: vào thời Trần Duệ Tông (1370 – 1377), cụ tổ họ Phạm tên Viết Trinh, vốn là thương gia, dẫn 5 người thuộc các họ: Bùi, Nguyễn, Vũ, Hoàng đi qua vùng đất phía Đông huyện Thuỷ Đường (tên gọi cũ của Thuỷ Nguyên ngày nay), nhận thấy đất đai nơi đây rộng rãi nhưng dân cư còn rất thưa thớt. Họ liền bàn bạc, đồng lòng cam kết lập thành khu vực mới để ở. Sau đó, từ quê nhà cũ ở Cẩm Giàng, có nhiều người tiếp tục theo đến khai phá đất đai, lập xóm, dựng làng ngày thêm đông đúc. Gia phả của các dòng họ chuyển cư này được các thế hệ con cháu lưu truyền, suy tôn cụ tổ Phạm Viết Trinh là người có công đầu trong việc thăm dò, tổ chức khai phá đất đai lập lên làng xóm An Lư ngày nay.

Chuyển dân cư xuống vùng đất xóm ven sông Cấm được 7 năm, dân làng liên tiếp có nhiều người bị dịch bệnh, đau ốm liên miên, lòng hoang mang, định trở về nơi cũ làm ăn, sinh sống. Khi bình tâm nhớ lại quê nhà, có môn thuốc bằng cây cỏ đem sao vàng, hạ thổ, rồi sắc uống. Bài thuốc hay do chính vị đại danh y Tuệ Tĩnh truyền lại, mọi người bảo nhau làm theo lời dặn, quả nhiên dịch bệnh bị đẩy lùi, dân cư được yên ổn. Năm đó, tại khu vực đồng Sim, dân làng lập ngôi đền nhỏ để thờ danh y, lại đặt chữ cho làng là An Lư có nghĩa là làng yên ổn, tên nôm là Xưa. Lập lại chợ Xưa, dựng thêm cây cầu 7 nhịp bắc bằng gỗ lim cho dân đi lại qua ngòi nước chảy ra sông Cấm để gợi nhớ hình ảnh quê hương cũ. Trước đây, tại mảnh đất An Lư còn có nhiều công trình di tích khác như miếu Hổ, bến Bút, đình Chung được dân làng nhiều lần tổ chức nghi lễ liên quan đến việc tuyên truyền, phổ biến phương pháp chữa bệnh bằng cỏ cây, thảo dược, lưu truyền những bài thuốc hay của vị đại danh y Tuệ Tĩnh.

Quang cảnh thiên nhiên yên bình bên trong đền (Ảnh: Sưu tầm)

Trải qua thời gian, chiến tranh, thiên nhiên khắc nghiệt đã huỷ hoại hoàn toàn những di tích ban đầu của làng tôn thờ danh y Tuệ Tĩnh. Đầu năm 1948, dân làng An Lư đã rước thành hoàng đại danh y Tuệ Tĩnh về phối thờ tại ngôi đền An Bạch, là nơi dân làng tôn thờ vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn và các con trai tại vị trí di tích hiện nay.

Pho tượng đại danh y Tuệ Tĩnh được các nghệ nhân dân gian tạo tác bởi bàn tay điêu nghệ, giàu tính nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Tượng tạo gần bằng người thật theo lối tượng tròn, trang trọng trong sắc phục quan văn cuối thế kỷ XIX.

Không chỉ mang những giá trị lịch sử đáng trân trọng, đền An Lư còn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Các mảng kiến trúc hài hòa với những nét chạm trổ tinh vi, hoành phi, câu đối, các hiện vật quý như bộ long ngai, thần tượng, hoành phi, câu đối, bộ chấp kinh… có niên đại cuối thời Nguyễn, các công trình điêu khắc gỗ tinh xảo vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.

Nơi thờ đại danh y Tuệ Tĩnh và vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn cùng các con trai (Ảnh: Sưu tầm)

Ngoài ra, đền còn lưu giữ Bản Huyện từ Chung (Chuông của Từ chỉ huyện) được đúc năm Tự Đức 33 (1880), đây là quả chuông của văn miếu huyện Thủy Nguyên được đặt tại xã An Lư, do thời tiết khắc nghiệt, sự tàn phá của chiến tranh, văn miếu bị hủy hoại chuông được chuyển về đền An Lư.

Đối với sắc phong trước năm 1938, đền An Lư  lưu giữ 7 sắc phong bao gồm 4 sắc phong Tuệ Tính các niên hiệu Tự Đức 6 (1853), Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924), 1 sắc phong Khải Định 9 (1924) cho Trần Quốc Tảng và 2 sắc phong Khải Định 2 (1917) và Khải Định 9 (1924) cho Đoàn Thượng, hiện nay các sắc phong được lưu giữ tại đền.

Đền An Lư có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân xã An Lư, huyện Thủy Nguyên. Tiêu biểu tại di tích đền An Lư hàng năm thường diễn ra các kỳ lễ hội để nhân dân bày tỏ lòng thành kính.

Lễ hội truyền thống làng An Lư được diễn ra vào ngày 11/11  âm lịch. Tuỳ theo điều kiện mà lễ hội đền An Lư có thể kéo dài từ 3 ngày đến 5 ngày. Điều đặc biệt cho cả huyện Thuỷ Nguyên và riêng làng An Lư là ngoài lễ hội tưởng niệm đại danh y diễn ra tại ngôi đền thờ ông, còn bảo lưu truyền thống văn hoá mang đậm bản sắc địa phương như: họp phiên chợ Xưa vào sáng mùng 1 tết Nguyên Đán, có đủ các sản vật địa phương và nhiều miền quê trù phú khác.

Bởi những giá trị lịch sử, nghệ thuật mà đền An  Lư được biết đến là ngôi đền linh ứng và bốn mùa hương khói. Đền An Lư được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1990, trở thành một điểm nhấn của du lịch Hải Phòng./.

 Nguồn: https://haiphongnews.gov.vn/

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đền An Lư – Di tích mang giá trị lịch sử linh thiêng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác