Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 tổ chức tại tỉnh Cao Bằng từ 29-6 đến 7-7, có 12 đơn vị ca múa các tỉnh, thành phố phía Bắc tham dự. Tới liên hoan, 3 đoàn được Ban tổ chức chỉ định biểu diễn phục vụ nhân dân, trong đó Đoàn ca múa Hải Phòng đến với bà con các dân tộc huyện Thạch An, nơi có đường biên giới Việt – Trung dài 5,5km.
Đoàn Ca múa Hải Phòng lần đầu đầu đến biểu diễn phục vụ bà con vùng núi cao nhằm giúp đồng bào thưởng thức và nhận biết sự khác biệt ca múa các vùng miền. Thoạt đầu, Đoàn ca múa Hải Phòng biểu diễn ở sân khấu ngoài trời trung tâm thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng). Đến phút cuối, Ban tổ chức phân công Đoàn Ca múa Hải Phòng biểu diễn tại huyện Thạch An.
Màn hát mùa “Hải Phòng vươn ra biển lớn”
Sự thay đổi địa điểm khiến Đoàn ca múa Hải Phòng phải thay đổi phương tiện cũng như hình thức biểu diễn. Trước đó, theo lịch biểu diễn ở sân khấu ngoài trời tỉnh Cao Bằng, đoàn không phải lo khâu âm thanh ánh sáng. Nhưng khi chuyển về Thạch An biểu diễn ở sân vận động thị trấn, trang thiết bị biểu diễn phải mang từ Hải Phòng lên. Sau các cuộc điện thoại liên tục dội về Hải Phòng, xe tải lớn chở hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ biểu diễn ở SVĐ di chuyển lên Cao Bằng. Vẫn chưa đủ, Trưởng Đoàn ca múa Hải Phòng Chu Tâm Huy đề xuất Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Cao Bằng giúp đỡ thêm hệ thống ánh sáng và loa.
Chiều 3-7, chuyến xe từ Hải Phòng cũng kịp lên Cao Bằng. Ngày 4-7 đoàn lên đường đi Thạch An dưới sự hướng dẫn của cán bộ Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh và lãnh đạo Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Cao Bằng. Huyện Thạch An nằm ở phía Đông Nam tỉnh Cao Bằng, sát với địa phận tỉnh Lạng Sơn và cách thành phố Cao Bằng khoảng 40 km. Đường tới Thạch An – huyện miền núi với 90% diện tích là đồi núi cao chập chùng, nhiều khúc cua tay áo, vực sâu, nhưng đoàn Hải Phòng gồm xe 45 chỗ chở nghệ sĩ diễn viên và xe tải chở âm thanh, ánh sáng vẫn tiến về Thạch An, kịp dựng hệ thống âm thanh, ánh sáng ở sân khấu SVĐ trung tâm huyện.
Đồng bào Thạch An với đêm diễn của Đoàn Ca múa Hải Phòng
Thị trấn Đông Khê là thủ phủ của huyện Thạch An. Buổi chiều cả thị trấn phủ nắng vàng, ngoài trời dễ đến 35 độ C nhưng gió lùa rất mát. Theo giới thiệu của lãnh đạo huyện, toàn huyện có gần 31.000 người với 6 dân tộc sinh sống gồm người Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh và Hoa. Người Kinh ở Thạch An chiếm khoảng 5-6% dân số. Đồng bào Thạch An rất tốt bụng, mời rượu men lá tự nấu để thể hiện tình cảm cộng đồng sâu sắc, để khách vùng cửa biển ngất ngây men say tình người.
Đêm thị trấn Đông Khê ngút ngàn núi đồi và mát mẻ. Bà còn dồn về SVĐ trung tâm huyện chờ xem Đoàn Ca múa Hải Phòng biểu diễn. Đúng 20 giờ, đèn sân khấu bừng sáng trong tiếng vỗ tay của bà con các dân tộc Thạch An. Chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca múa Hải Phòng biểu diễn đêm Thạch An không phải là chương trình “Giai điệu từ Cửa biển” đoàn dự thi Liên hoan toàn quốc đêm 3-7. Các nghệ sĩ đến từ đất Cảng mang đến chương trình khác với 13 tiết mục vừa dân tộc vừa hiện đại.
Mở đầu là màn hát múa “Hải Phòng vươn ra biển lớn”, tiếp đến là các tiết mục múa độc lập “duyên quê”, “lung linh cửa biển” của dàn diễn viên múa trẻ, xinh đẹp. Về phần ca, tốp ca nam với ca khúc “Về miền sóng, về miền gió”, “Đường chúng ta đi”, tốp nữ rất khí thế với ca khúc “Ký ức biển”. Các giọng ca đơn bên cạnh những ca khúc cách mạng quen thuộc như “Cung đàn mùa xuân” do Văn Cường hát, là các ca khúc mới đang hot của thế hệ trẻ hôm nay như “Xin lỗi em” do Tuấn Long đơn ca nam, “Anh muốn em không sao” với đơn ca nữ Khánh Ngọc… làm rộn ràng đêm diễn. Tiếng vỗ tay kéo dài sau mỗi tiết mục giúp các nghệ sĩ thăng hoa trong đêm diễn giữa núi đồi.
Bà con Đông Khê vui cùng đêm diễn của Đoàn ca múa Hải Phòng, họ cảm nhận tính cách, tình cảm của con người thành phố Cảng, thủ đô của người chiến sĩ Hải quân, cảm nhận thứ nhạc nhẹ đất Cảng dẫu hiện đại và hơi lạ ấy in dấu đảo đá mà mỗi đảo đá giờ cũng hóa biên cương như vùng biên cương Thạch An. Đêm diễn kết thúc, lãnh đạo huyện chúc mừng Đoàn Ca múa Hải Phòng, nhiều bà con cũng chúc mừng đoàn và mong đoàn có dịp trở lại Thạch An. Chia tay Thạch An sau đêm diễn tràn ngập gió núi, cả đoàn trở lại thành phố Cao Bằng, xe vút trong đêm qua những đoạn đường gấp khúc, dốc sâu và vực thẳm. Và cả Đoàn Ca múa Hải Phòng rất vui, họ đã thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn, đưa giai điệu từ cửa biển đến với đồng bào vùng cao biên giới phía Bắc./.
Trần Long – Báo Hải Phòng 21/7/2018
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More