Đề xuất xây dựng tuyến đường sắt  Lào Cai – Hải Phòng: Thận trọng, tránh lãng phí

Việc Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Lào Cai – Hải Phòng do Chính phủ Trung Quốc tài trợ 100.000 tỷ đồng đang gây ra nhiều tranh cãi, nên hay không nên đầu tư tuyến đường sắt này ?

Vốn đầu tư “khủng”

Được biết, tuyến đường sắt này dài khoảng 388km, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6km, xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; điểm kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Trên tuyến có 73 cây cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130km, 25 hầm dài 25km, 38 nhà ga và xây mới 29 nhà ga.

Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là dự án Chính phủ Trung Quốc tài trợ thực hiện. Dự báo năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Tốc độ thiết kế tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là 160 km/h. Dự kiến, tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng. Diện tích sử dụng đất toàn dự án khoảng 1.654ha.

Hình ảnh mô phỏng tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng. Ảnh: I.T

Việc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Nhiều người cho rằng, hiện nay, đã có tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai rồi thì tại sao không củng cố tuyến này lên, thực hiện tốt logistics để vận chuyển hàng hoá mà phải xây dựng tuyến mới. Đáng chú ý, Hà Nội – Hải Phòng hiện có 3 tuyến gồm Quốc lộ 5, Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và 1 tuyến đường sắt nên chiến lược phát triển này của Bộ GTVT là theo kiểu “mỳ ăn liền”, cái gì ngon, đầu tư nhiều tiền thì làm trước.

Phù hợp chiến lược phát triển?

Theo Bộ GTVT, tuyến đường sắt liên vận quốc tế Lào Cai – Hải Phòng có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc sông Hồng, đây là tuyến đường sắt chạy theo hành lang Đông – Tây nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng, một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.

Vì vậy, tại chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 20/11/2008 và điều chỉnh tại Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015), quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 06/2002/QĐ-TTg ngày 7/1/2002 và điều chỉnh tại các Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/9/2009 và Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015) cũng đã định hướng phát triển tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng này.

Số vốn 100.000 tỷ đồng chỉ là khái toán sơ bộ của đơn vị tư vấn đưa ra. Phải tới giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi mới có số vốn đầu tư chính thức, được tính toán có cơ sở khoa học, các nghiên cứu chi tiết.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

Bộ GTVT cho rằng, căn cứ chiến lược chung và quy hoạch phát triển được duyệt từ năm 2002, tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng đã được đưa vào danh mục nghiên cứu làm cơ sở dành quỹ đất, huy động nguồn vốn đầu tư để triển khai xây dựng, đưa vào khai thác nhằm nâng cao chất lượng vận tải trên hành lang Đông – Tây, góp phần quan trọng trong việc giao lưu quốc tế, khai thác có hiệu quả, phát huy thế mạnh của cảng biển khu vực Hải Phòng.

“Năm 2015, trên cơ sở kết quả trao đổi trong các cuộc gặp cấp cao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu nhân dân tệ để tiến hành khảo sát, lập quy hoạch tuyến đường sắt liên vận quốc tế Lào Cai – Hải Phòng”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Sau khi liên danh tư vấn Trung Quốc hoàn thành nghiên cứu quy hoạch, Bộ GTVT sẽ triển khai các thủ tục để tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định. Kết quả nghiên cứu sẽ được Cục Đường sắt Việt Nam tiếp thu trong quá trình lập quy hoạch mạng lưới đường sắt và quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt trong giai đoạn đến 2030, định hướng đến 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, số vốn 100.000 tỷ đồng chỉ là khái toán sơ bộ của đơn vị tư vấn đưa ra. Phải tới giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi mới có số vốn đầu tư chính thức, được tính toán có cơ sở khoa học, các nghiên cứu chi tiết.

Theo chiến lượng mạng đường sắt quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt, xác định dự án này đi tuyến mới, và có cả tuyến Yên Viên – Cái Lân như đang tạm dừng đầu tư. Cũng có ý kiến đề xuất kết hợp nâng cấp tuyến đường sắt cũ, tận dụng tuyến Yên Viên – Cái Lân thay cho đầu tư tuyến mới. “Tuy nhiên, việc kết hợp ra sao chúng ta phải nghiên cứu trên cơ sở mạng đường sắt được quy hoạch, các cơ sở đánh giá, nghiên cứu có cơ sở khoa học”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, trong chiến lược đường sắt quốc gia đã xác định là làm đường khổ 1.435mm, đi tuyến mới thay thế tuyến cũ. Vì khi nghiên cứu đã có đánh giá, so sánh với phương án nâng cấp, cải tạo tuyến cũ và làm đường mới. Tuyến đường sắt hiện hữu có tiêu chuẩn quá thấp, có đoạn dùng được đoạn không, nhưng gần như không thể tận dụng để nâng lên khổ 1.435mm.

Tổng thể việc nâng cấp đường cũ không hiệu quả bằng làm đường theo hướng tuyến mới. Điều này tượng tự đường sắt Bắc – Nam, cải tạo tuyến cũ không hiệu quả bằng làm tuyến mới, nên quyết định làm tuyến mới hoàn toàn.

Cần đánh giá tác động môi trường

“Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, nhằm giảm tải cho đường bộ, đường thủy. Hiện nay, đường sắt của chúng ta đã xuống cấp lạc hậu, vì vậy nâng cấp đường sắt đạt tiêu chuẩn quốc tế là điều rất cần thiết.

Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó phải ưu tiên các tuyến đường bộ đặt lên hàng đầu. Hiện nay, đường thủy cũng được đánh giá ít tốn kém lại vận chuyển được nhiều hàng hoá, do đó, cần phải nghiên cứu tuyến đường sắt làm sao phải phù hợp với thực tiễn, hiệu quả, tránh lãng phí. Tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng mới đang là nghiên cứu, khảo sát tiền khả thi, sau đó, còn phải đánh giá tác động tới môi trường, nguồn vốn. Qua đó, chúng ta cũng nên khảo sát để biết được tính hiệu quả của tuyến đường sắt Lào Cai – Hải Phòng ra sao? Mang lại lợi ích gì cho nên kinh tế?”.

Ông Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Cân nhắc kỹ!

“Hiện đã có tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và Hà Nội – Hải Phòng đang được kết nối, vận hành rất hiệu quả. Kể từ khi có hai tuyến cao tốc trên, thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa từ biên giới cửa khẩu Lạng Sơn về Hà Nội và Hải Phòng đã được tiết kiệm rất nhiều. Đó là chưa kể các tuyến quốc lộ nối liền 3 địa phương cũng đã được cải tạo, nâng cấp trong thời gian qua.

Nếu quy hoạch đầu tư xây dựng thêm tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ khiến các tuyến cao tốc và quốc lộ hiện có phải chia sẻ lưu lượng hành khách. Điều này vừa không hiệu quả, lãng phí, lại tạo cạnh tranh chính giữa 2 lĩnh vực đường sắt và đường bộ. Việc quy hoạch đường sắt Lào Cai – Hải Phòng cần phải cân nhắc thật kỹ để tránh lãng phí và làm gia tăng nợ công”.

TS Nguyễn Hữu Đức- chuyên gia giao thông

Nguồn tin: Dân Việt

Tin khác

Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Sáng 15/11, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai Quyết…

15/11/2024

Từ 15/01/2025 sẽ công khai giá dịch vụ cảng biển

Ngày 15/11, thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ ngày 15/01/2025, giá…

15/11/2024

Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố tiếp xúc cử tri tại huyện Thủy Nguyên

Sáng 15/11, tại trụ sở UBND xã Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên), đồng chí Phạm…

15/11/2024

Quận Hải An biểu dương phong trào thi đua năm học 2023-2024

Sáng 15/11, UBND quận Hải An tổ chức Hội nghị Biểu dương phong trào thi…

15/11/2024

Thẩm định Sao vàng Đất Việt tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng

Ngày 14/11, Đoàn thẩm định số 40, 53 thuộc Ban tổ chức Giải Sao vàng…

15/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More