Chính trị

Đề xuất tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025

Việc miễn thuế hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; việc trình Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).

Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc miễn thuế cũng hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn 5 năm (từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2025) là phù hợp, vì chỉ thực hiện trong thời gian nhất định. Giai đoạn trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và đảm bảo tính khả thi.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phân tích việc tiếp tục miễn thuế đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Số thuế được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để mở rộng quy mô sản xuất, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống.

Quy định này không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nông nghiệp vẫn là cứu cánh cho nền kinh tế những lúc khó khăn nhất. Ngay cả khi dịch COVID-19 xảy ra, công nghiệp, dịch vụ đình trệ nhưng nông nghiệp vẫn sản xuất, công nhân mất việc tạm thời vẫn quay về mảnh vườn của mình.

Cho rằng miễn thuế hơn 7.000 tỷ đồng/năm cho khu vực đang chiếm 70% dân số của cả nước là không lớn, Chủ tịch Quốc hội khẳng định chính sách này rất quan trọng với tam nông. Vì thế, việc Quốc hội khóa XIV ban hành một Nghị quyết để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế nhằm khuyến khích sử dụng đất có hiệu quả và không lãng phí đất đai.

Trong 5 năm tới, Chính phủ phải báo cáo đầy đủ việc thực hiện chính sách này trong 20 năm qua đã mang lại kết quả gì để làm cơ sở sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Khi đó, phải tính tới những cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do để tiếp thu đầy đủ“, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Chính phủ cần đánh giá tác động toàn diện, hoàn thiện hồ sơ và tổng kết 20 năm thực hiện chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chính sách thuế phải được nhìn nhận đầy đủ dưới cả 3 góc độ: thu ngân sách, đòn bẩy thúc đẩy sản xuất phát triển và công cụ quản lý của nhà nước.

Cần thiết gia nhập Công ước 105

Theo Tờ trình của Chủ tịch nước, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế-quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế-xã hội, pháp lý.

Khi trở thành thành viên của Công ước số 105, Việt Nam có nhiều quyền và lợi ích. Theo đó, Công ước số 105 hướng đến đối tượng là người lao động; việc xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động.

Người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần ổn định lực lượng lao động, tăng cường quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Đối với Nhà nước và xã hội, việc xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội. Việc xóa bỏ, không có lao động cưỡng bức sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường thế giới để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình, nhất là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu.

Khi trở thành thành viên của Công ước số 105, Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của Điều 1 và Điều 2 Công ước. Sau khi gia nhập Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, việc xem xét quyết định gia nhập Công ước số 105 tại thời điểm này là chín muồi và cần thiết. Một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung Báo cáo đánh giá toàn diện, cụ thể hơn những tác động của Công ước số 105 về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN).

Có ý kiến cho rằng để việc thực hiện các cam kết của Công ước số 105 có hiệu quả và có tính khả thi cao, Chính phủ cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết các dạng hành vi của lao động cưỡng bức, tạo hành lang pháp lý minh bạch giúp cơ quan thực thi pháp luật hoặc người lao động hay doanh nghiệp phát hiện nhanh chóng tình trạng lao động cưỡng bức.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 105 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội họp phiên toàn thể chính thức thẩm tra Tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước.

Sau khi phê chuẩn, Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện, bảo đảm đồng bộ và có hiệu quả, đồng thời tăng cường đào tạo nghề cho lao động Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực liên quan đến lao động, hợp tác lao động quốc tế, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động Việt Nam khi gia nhập Công ước.

Tại phiên họp sáng 28/4, cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hằng năm từ Bộ Giao thông Vận tải sang Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bố trí vốn ngân sách trung ương năm 2020 là 1.651,664 tỷ đồng cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại việc tăng tổng mức đầu tư của dự án, tiến hành kiểm toán trước khi thực hiện thanh toán, đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định Luật Đầu tư công./.

Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Giá vàng có thể tăng hơn nữa trong năm 2025

Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…

12/01/2025

Dự kiến bộ máy Chính phủ có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, không còn cấp tổng cục

Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…

11/01/2025

Bổ sung phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ

Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…

11/01/2025

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More