Chiều 14-5, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ 1-1-2015 đến 12-2019” tại Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Tham gia đoàn giám sát có các đại biểu Quốc hội Đoàn Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các sở, ngành thành phố cùng dự họp.
Tại cuộc giám sát, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu ban hành Luật Người có công; tổ chức bộ máy làm công tác chính sách người có công thống nhất từ trung ương đến cơ sở bảo đảm thực hiện có hiệu quả cao yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; điều chỉnh thủ tục hồ sơ liên quan đến xác nhận, công nhận người có công với cách mạng phù hợp với yêu cầu thực tiễn; xem xét mở rộng đối tượng cũng như chế độ đối với người có công… UBND thành phố quan tâm, sớm cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở theo Nghị quyết 32 của HĐND thành phố; bố trí cán bộ làm công tác Lao động, Thương binh và Xã hội ở cấp huyện, xã bảo đảm ổn định…
Thực hiện chính sách, pháp luật với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhập hình ảnh 23.571 mộ liệt sĩ trên địa bàn thành phố kết nối thông tin để xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Đề nghị các cơ quan trung ương, Thủ tướng Chính phủ xác nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 847 trường hợp; thẩm định, đề nghị xác nhận, công nhận được 6.237 người có công; đề nghị Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng 1.568 Mẹ Việt Nam anh hùng… Công tác chi trả trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp 1 lần đối với người có công với cách mạng được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng quy định. Trong đó, chi trả trợ cấp hằng tháng đối với hơn 160 nghìn lượt người với hơn 3 nghìn tỷ đồng; chi trả trợ cấp 1 lần đối với hơn 18 nghìn người.
Thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với gia đình người có công với cách mạng, thành phố hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ đối với 12.374 hộ, với tổng kinh phí hơn 297 tỷ đồng; hỗ trợ theo Nghị quyết 32 của HĐND thành phố với 5.221 gia đình, tổng kinh phí hơn 164 tỷ đồng… Công tác thăm hỏi, tặng quả người có công với cách mạng được quan tâm. Từ năm 2015 đến nay, thành phố có mức quà tặng cao nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước và năm sau luôn cao hơn năm trước; trong đó tặng quà hơn 497 nghìn lượt trường hợp với kinh phí hơn 995 tỷ đồng… Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp vận động hơn 106 tỷ đồng; 100% các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời…
Kết luận cuộc giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng ghi nhận, đánh giá cao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cố gắng, nỗ lực phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện thực hiện có hiệu quả cao các chế độ, chính sách đối với người có công trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật, kết quả thực hiện công tác người có công; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng liên quan đến người có công; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm trong thực hiện chính sách; nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Thành ủy, UBND thành phố ban hành chính sách mới quan tâm đến người có công trên địa bàn, để Hải Phòng tiếp tục là điểm sáng của cả nước về chăm sóc người có công.
Đối với các ý kiến, kiến nghị của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Đoàn ghi nhận, tiếp thu, báo cáo Quốc hội, Chính phủ xem xét giải quyết./.
Minh Khôi