Print Thứ Năm, 23/06/2022 12:15 Gốc

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa (SGK) đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, vấn đề liên quan đến sách giáo khoa đang được người dân, xã hội quan tâm. Đặc biệt là vấn đề về nội dung các bộ sách, những yếu tố cấu thành giá sách; tính ổn định của nội dung và khả năng sử dụng nhiều lần của các bộ sách hiện nay; việc sử dụng sách bổ trợ, sách giáo viên, sách tham khảo; quy mô thị trường sách; hệ thống phân phối; đề xuất ưu đãi về thuế cho các nhà xuất bản…

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai các giải pháp để giảm giá sách giáo khoa như sửa đổi, ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Đình Nam.

Liên quan đến phản ánh về giá sách giáo khoa mới cao hơn sách cũ, có thể gây khó khăn cho con em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Trong quá trình chưa sửa đổi Luật Giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kê khai giá của các doanh nghiệp đối với mặt hàng này rất chặt chẽ. Mỗi lần kê khai giá, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đều thẩm định kỹ lưỡng. Sau mỗi lần kê khai, giá mỗi bộ sách giảm từ 5-15%.

Trước đó, vào chiều 21.6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài chính, Uỷ ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội,… về các vấn đề liên quan đến SGK.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc rà soát phương án kê khai giá SGK của các nhà xuất bản; khuyến nghị các đơn vị giảm chi phí trung gian để giảm giá SGK.

Theo đại diện Bộ Tài chính, giá SGK tăng do trong cơ cấu giá có chi phí phát hành, chi phí đầu tư để tổ chức bản thảo (trước đây sử dụng bằng toàn bộ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn ODA) và các khoản chi phí khác như truyền thông; triển khai thị trường; bồi dưỡng, tập huấn và sử dụng sách; chi phí tặng sách cho cơ sở giáo dục… Bên cạnh đó, do thay đổi về chất lượng, tăng khổ giấy lên 1,3 lần, sách mới tiên tiến hơn với các phần mềm điện tử (video, hệ thống bài tập, đánh giá năng lực học sinh…).

Đại diện Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phân biệt rõ SGK và sách tham khảo; đồng thời quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông để người dân hiểu rõ các khoản mục chi phí trong biên soạn, in ấn, phát hành SGK.

Bích Hà

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Đề xuất sử dụng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác