Ngày 19.1, tại TPHCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo. Tại hội thảo, vấn đề về giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được đề cập tới.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT, cho biết, quy định hiện hành về nhà giáo còn thiếu đồng bộ, toàn diện, một số quy định quan trọng chưa được thể hiện ở tầm luật. Đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo đòi hỏi những quy định riêng phù hợp. Do đó việc ban hành một luật riêng về nhà giáo là cần thiết.
Bộ GDĐT nêu 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 95-NQ/CP ngày 7.7.2023, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Theo đó, dự kiến nhà giáo là người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo theo quy định, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
Một nội dung đáng chú ý là tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Chính sách này quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo.
Quy định dự kiến, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo.
Giấy này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay, được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.
TS Vũ Minh Đức thông tin thêm, khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác; việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục…
Những người được cấp giấy chứng nhận là người đã hoàn thành chế độ tập sự và được cơ sở giáo dục nhận xét, xác nhận đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo từ mức đạt trở lên của một cấp học hoặc trình độ đào tạo; những người trúng tuyển nhà giáo nhưng không phải thực hiện chế độ tập sự.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ, như, khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tục, vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải.
Chân Phúc