Chính sách

Đề xuất người bệnh nặng được “vượt tuyến”, không cần giấy chuyển viện: Tránh phát sinh khám, chữa bệnh nhiều lần

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2024 đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo, hiếm, nặng được chuyển thẳng cơ sở y tế tuyến trên, không cần theo trình tự khám, chữa bệnh BHYT. Nếu quy định này được thông qua, triển khai trong thực tế, đem lại thuận tiện lớn đối với người dân.

“Hướng mở” đối với người bệnh

Theo thông tin từ Vụ BHYT (Bộ Y tế), hiện, thủ tục chuyển tuyến bệnh viện có những vướng mắc, gây phiền hà cho người tham gia BHYT khám chữa bệnh. Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đang được Bộ Y tế xây dựng, Bộ đề xuất giảm thủ tục giấy chuyển viện, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định với trường hợp người bệnh được xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được tới trực tiếp cơ sở y tế tuyến trên, không cần theo trình tự khám, chữa bệnh BHYT, nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất. Danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo Bộ Y tế đang “cân nhắc” gồm 42 loại bệnh: Ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt… “Quy định này vừa thuận tiện cho người dân, vừa tránh phát sinh khám, chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới, đồng thời khám lại ở tuyến trên khi chuyển viện”, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Trần Thị Trang cho biết.

Thực tế cho thấy, những người bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng có nhu cầu lên tuyến trên điều trị không phải xin giấy chuyển viện và vẫn được hưởng BHYT ở mức cao nhất là mong muốn lâu nay của tất cả người bệnh, gia đình người bệnh. Nhưng tại Thông tư số 14/2014 của Bộ Y tế, người bệnh được xem là điều trị đúng tuyến khi có giấy chuyển viện ở cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu theo thẻ BHYT. Nếu thuộc trường hợp chuyển tuyến đúng tuyến, người bệnh mới được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh với quyền lợi cao (theo quy định tại khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi Luật BHYT). Trong khi đó, “xin giấy chuyển tuyến” đã và đang là một trong những khúc mắc trong quy trình khám, điều trị và chi trả BHYT làm nhiều người dân bức xúc.

Chị Phạm Khánh Chi, ở phố Đoàn Kết, phường Kênh Dương (quận Lê Chân) cho biết: “Gia đình tôi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu thẻ BHYT tại một bệnh viện ngành trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, khi bố tôi bị ung thư amidan, bệnh viện tuyến dưới không đủ khả năng chữa trị, gia đình xin chuyển lên bệnh viện tuyến Trung ương nhưng nơi khám, chữa bệnh ban đầu không đồng ý. Sau đó, một nhân viên y tế của đơn vị yêu cầu bố tôi phải thực hiện lại các xét nghiệm cơ bản, nằm viện một tuần theo quy định của BHYT mới đồng ý cấp giấy chuyển tuyến. Nếu quy định người bệnh hiểm nghèo được “vượt tuyến” sẽ thuận lợi cho người mắc bệnh hiểm nghèo“.

Bác sĩ Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Kiến An) thăm khám bệnh cho người dân.

Cơ sở y tế tuyến dưới phải “chuyển động”

Trước đề xuất của Bộ Y tế và phản ánh của người dân, Phó giám đốc Sở Y tế Trần Quốc Trinh cho rằng: Nếu quy định người bệnh nặng được “vượt tuyến”, không cần giấy chuyển viện được thông qua là “hướng mở”, tạo thuận lợi lớn đối với người bệnh và gia đình người bệnh. Phần lớn trường hợp mắc bệnh mãn tính, cơ sở y tế tuyến xã và huyện, thậm chí tuyến thành phố không thể điều trị, nhưng người bệnh vẫn phải làm theo thủ tục, đến các cơ sở y tế để làm giấy tờ chuyển tuyến mới được hưởng BHYT. Điều này gây phiền hà, thậm chí khiến nhiều người không đủ kiên nhẫn, thời gian chờ đợi nên chấp nhận bỏ tiền túi khám dịch vụ, mất đi quyền lợi hưởng BHYT.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế, nếu quy định này thông qua, đòi hỏi các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến thành phố phải phát triển chuyên môn sâu, tạo sự tin tưởng đối với người bệnh. Theo Phó giám đốc Trần Quốc Trinh, có một tâm lý của cơ sở y tế tuyến dưới, nhiều khi không quyết định được rõ ràng việc đưa người đi, vì có thể quyết định đó thể hiện điểm yếu của cơ sở y tế của mình bởi lẽ không chẩn đoán, điều trị được thì ảnh hưởng uy tín. Ngoài ra, nếu chuyển người bệnh đi, chi phí về BHYT chuyển lên tuyến trên, tuyến dưới bị hạn chế về nguồn lực, cụ thể là nguồn thu khám, chữa bệnh. Vì thế đôi khi cơ sở tuyến dưới cứ giữ và điều trị mà không kiểm soát được tình huống, chuyên môn ca bệnh. “Muốn giữ chân được người bệnh, các cơ sở y tế phải làm chủ được kỹ thuật khó, chuyên sâu, cùng với đó đẩy mạnh quảng bá, truyền thông sẽ dần xây dựng được niềm tin của người dân đến khám, chữa bệnh”.

Phó giám đốc Sở Y tế đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu kỹ danh mục bệnh được “vượt tuyến”, bảo đảm phải là những bệnh thực sự chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được để không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối.

Bài và Ảnh: Việt Hoàng

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More