Tại khoản 3, điều 27 của dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi quy định: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”. Như vậy, người lái mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông bắt buộc phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe bất kể ngày hay đêm; khác với quy định hiện hành, người điều khiển phương tiện cơ giới chỉ bắt buộc bật đèn từ 19 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Theo cơ quan soạn thảo dự thảo luật này, đề xuất này xuất phát từ việc nội dung này có trong Công ước giao thông đường bộ năm 1968. Việt Nam tham gia công ước này năm 2014 nên buộc phải luật hóa quy định tương ứng.
Tuy nhiên, khảo sát nhanh trên các diễn đàn về giao thông, hầu hết người dân đều không đồng tình với đề xuất trên. Việc bật đèn nhận diện là để hạn chế va chạm giao thông trong điều kiện thời tiết phức tạp, tầm nhìn bị hạn chế do sương mù, chỉ phù hợp với khí hậu các nước châu Âu, thường xuyên xuất hiện tình trạng sương mù dày đặc. Phó trưởng Phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đông Bắc, Nguyễn Hồng Sinh cho biết: Thực tế điều kiện thời tiết của Việt Nam không nhiều vùng có sương mù dày đặc. Tại khu vực Hải Phòng, thông thường vào khoảng tháng 2, tháng 3 và nửa đầu tháng 4 do không khí di chuyển lệch ra biển, mang độ ẩm cao dẫn tới sương mù. Khoảng thời gian xuất hiện sương mù cũng chỉ diễn ra ngắn vào thời điểm gần sáng và sáng. Buổi trưa, mặt trời lên, sương mù sẽ nhanh chóng được xua tan. Mặt khác, trong những ngày hè, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên quanh ngưỡng 40 độ C, nếu tất cả xe máy đều phải bật đèn pha sẽ dễ dẫn tới cảm giác bức bối, khó chịu cho người điều khiển phương tiện. Do đó, việc đề xuất bật đèn nhận diện của các loại phương tiện trên cả khi lưu thông ban ngày là không phù hợp với điều kiện thời tiết của nước ta.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông thành phố, tổng số mô-tô, xe máy trên địa bàn hiện nay khoảng gần 1,4 triệu xe. Trung bình mỗi tháng, cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ đăng ký mới hơn 4 nghìn xe.
Admin diễn đàn Luật Giao thông Nguyễn Cường cho rằng, bản chất của quy định bật đèn nhận diện mỗi khi phương tiện hoạt động là để tăng khả năng nhận diện cho phương tiện. Tuy nhiên, với số lượng phương tiện mô-tô, xe máy đang lưu thông như trên có thể thấy, khi các phương tiện cùng bật đèn nhận diện sẽ không còn giá trị. Ngoài ra, các loại đèn xe đều sử dụng điện từ bình ắc-quy, do đó, yêu cầu bắt buộc bật đèn cả ban ngày chắc chắn sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc-quy, dẫn tới tăng tiêu thụ nhiên liệu cũng như tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.
Mô-tô, xe máy chiếm khoảng 60-70% tổng số phương tiện giao thông cá nhân hiện nay. Có thể thấy, quy định này sẽ ảnh hưởng đến nhiều người dân, bởi vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những tác động thực tế cũng như tính khả thi của quy định, tránh tình trạng giống một số quy định ban hành nhưng không thể thực hiện như “bấm lỗ” giấy phép lái xe của người vi phạm, không cấp giấy phép lái xe cho người dưới 40kg…
Khoản 1 Điều 6 Nghị định 100/2019: Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100 nghìn – 200 nghìn đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Bài và ảnh: Minh An
Lực lượng công an cả nước thực hiện sắp xếp giảm thêm 280 đơn vị…
Theo tin dự báo thời tiết mới nhất dịp Tết Dương lịch 2025, khu vực…
Trong năm 2024, Hải Phòng đã bố trí kinh phí để hỗ trợ các chính…
Bộ Y tế đề xuất chính sách mới liên quan đến việc sinh con thứ…
Mua bán, chuyển nhượng đất không sổ đỏ có thể bị phạt tiền tới 100…
Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More